Mùa biển động đang tới rất gần.
Sóng gió sẵn sàng quật ngã những người lần đầu ra với biển.
Chỉ có các chiến sỹ hải quân đêm ngày vẫn vững chãi trước mọi phong ba .

"Toàn tàu chú ý ! Chú ý toàn tàu !"

762282_small_43202.jpgQuốc kỳ tung bay trên tàu H996.
 Lịch trình khởi hành đã được trung tá Tạ Đăng Quân, hải đội trưởng Hải đội 411 vùng 4 Hải quân, Chỉ huy trưởng hành quân chuyến đi này thông báo rõ trong buổi họp toàn đoàn tại Bộ Tư lệnh HQ (cơ sở phía Nam) - số 1A Tôn  Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh, đúng 9h ngày 2/5 sẽ lên đường. Nhưng con nước ròng đã làm chuyến đi bị chậm theo kế hoạch hơn 1 tiếng đồng hồ, lại thêm cơn mưa nhấm nhẳn của đất Sài Gòn kéo dài từ 6h sáng ...
 
10giờ 5 phút, tàu HQ 996 rúc một hồi còi dài, rời cảng. Mưa bắt đầu tạnh hạt. Cả đoàn dồn về mạn phải tàu vẫy tay chào các sĩ quan của Bộ Tư lệnh Hải quân và các thiếu nữ tiễn đưa. Dù rất nao nức mong sớm tới Trường Sa nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác bịn rịn, lưu luyến. Những bàn tay trên tàu và trong đất liền còn vẫy mãi, vẫy mãi đến hút tầm mắt....
 
Tàu HQ 996 của Hải quân do Thiếu tá Lê Hải Sơn làm thuyền trưởng, có trọng tải 3.000 tấn, dài 75m, rộng hơn 11m, cao 4 tầng, do nhà máy đóng tàu Bạch Đằng, Hải Phòng, đóng năm 1994. Thủy thủ đoàn gồm hơn 30 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Để thực hiện sứ mệnh chuyển “hơi ấm đất liền” đến với các chiến sĩ Trường Sa, con tàu đã được cung cấp hơn 750m3 nước ngọt, 200 tấn dầu, lương thực, thực phẩm đủ cho gần 200 người ăn mỗi ngày 4 bữa trong hơn 10 ngày. Đây là chuyến thứ 3 trong năm nay, tàu HQ 996 làm nhiệm vụ chở các đoàn đại biểu TW và địa phương đến với Trường Sa. 
 

Đón khách lên tàu ở Cảng Ba Son.

11giờ30, tàu vẫn chạy trên sông Sài Gòn, qua bến Nhà Rồng lịch sử, qua cảng Sài Gòn tấp nập đủ loại tàu khổng lồ của nhiều quốc gia, những chiếc cần cẩu nặng nề lầm lũi cẩu hàng hoá. Đột nhiên, tiếng loa từ các phòng vang lên "Toàn tàu chú ý! Chú ý toàn tàu! Đã đến giờ, mời các thành viên đoàn công tác đến CLB hành khách ăn cơm...". Trên tàu có tới hai nơi để ăn cơm nhưng vì diện tích hẹp nên phải chia ra làm ba đợt ăn, mỗi đợt cách nhau 45 phút. Mỗi bàn ăn có 6 người, thức ăn thường gồm 3 món, có cả tráng miệng. Ăn trên tàu như vậy là quá tươm rồi!

Khẩu lệnh "Toàn tàu chú ý! Chú ý toàn tàu!", đã làm chúng tôi thấy mình cũng là một người lính, một người lính đang đi nhận nhiệm vụ. Khẩu lệnh này đã đồng hành với chúng tôi suốt cả chuyến đi.
 
Hải trình biển Đông

Là chuyến đi thứ 8, cũng là chuyến cuối trong năm 2008, có số lượng người đông nhất (hơn 150 người của 8 tỉnh thành, báo chí cũng đông nhất với khoảng 50 người, trong đó có 6 NSNA Việt Nam) và 15 cán bộ diễn viên của Đoàn nghệ thuật Quân chủng Hải quân.
Đoàn đi lần này còn vinh dự có thiếu tướng, chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hoà, Phó chính uỷ Quân chủng Hải quân làm trưởng đoàn công tác.
Hải trình qua 7 đảo dài hơn 1.100 hải lý (gần 2000 km).
Chuyến đi này cũng có thêm một điều đặc biệt:
Ngày kỷ niệm 53 năm ngày truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam (7/5/1955-7/5/2008).
Quần đảo Trường Sa của chúng ta nằm ở Đông Nam biển Đông, có hơn 100 đảo nhỏ, bãi đá ngầm, bãi san hô, được chia làm 8 cụm: Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên. Khi thủy triều xuống thấp, những đảo nhỏ, bãi đá bao bọc một vùng biển rộng ước chừng 160.000 - 180.000 km2. Hiện chúng ta đang quản lý 21 đảo, bãi đá và bãi cạn ở đây.
 
Biển Đông là biển lớn thứ 2 trên thế giới với diện tích ước chừng 2,4 triệu km2. Mỗi ngày có từ 150-200 lượt tàu qua lại, chiếm 25% mật độ tàu lưu hành trên toàn thế giới. Khủng hoảng về biển Đông có thể làm mức cước phí vận tải tăng lên trên 5 lần, điều này cũng làm cho hàng hoá không đủ sức cạnh tranh với các nước khác. Trữ lượng dầu trong lòng biển Đông gấp 8 lần biển Đen, trữ lượng hải sản bằng 1/10 toàn thế giới. Khu vực vịnh Bắc Bộ mới phát hiện ra nhiên liệu băng cháy, là một loại năng lượng mới hứa hẹn nhiều lời giải cho bài toán năng lượng toàn cầu. Riêng ở Việt Nam, với trên 3200 km bờ biển tiếp giáp 28 tỉnh, thành phố, kinh tế biển đang góp 43% giá trị kinh tế quốc dân, phấn đấu đến 2020, kinh tế biển sẽ chiếm từ 53-54% KTQD.
 
Trên boong tàu HQ 996 lộng gió, thượng tá Đỗ Khắc Phương, Phó CN Chính trị vùng 4 Hải quân cho biết đây là chuyến đông PV báo chí nhất đến với Trường Sa và rất vui khi cùng là một người đồng hành. Với chút lãng mạn của người lính đảo, anh đã nhắn gửi với chúng tôi "Với tình cảm của những người giữ đảo, giữ biển, mong từ chuyến đi này, các bạn sẽ thêm gắn bó với một phần máu thịt của Tổ quốc giữa trùng dương. Hẹn gặp lại trên những trang báo sắp tới".

Bình minh trên biển.
 
16h cùng ngày, tàu bắt đầu ra đến cửa Xoài Rạp, nơi sông Sài Gòn hoà mình vào Biển Đông. Vịnh Gành Rái mênh mông, phía bên phải là huyện Cần Giờ của TP Hồ Chí Minh đang nhoai mình ra phía biển với những cụm nhà chi chít, trắng đỏ đan xen giữa triền miên một giải xanh. Bên trái là Gành Rái, TP Vũng Tàu duyên dáng uốn lượn bằng Bãi Trước, Bãi Sau, sầm uất nhà cửa san sát, tàu thuyền tấp nập chen nhau, những chiếc tàu cánh ngầm lao vun vút hướng TP Hồ Chí Minh và ngược lại, sóng đánh tung trắng bông hai bên mạn. Ngọn hải đăng Vũng Tàu kiêu hãnh vươn mình trên nền biển, nền trời xanh màu ngọc bích...

Hành trình đã rút ngắn được 53 hải lý.
 
17h30, điện thoại DĐ của NSNA Vũ Huyến và những người cùng phòng với tôi đều không thể liên lạc được nữa, kể cả sóng của mạng Viettel cũng im hoàn toàn. Nghĩa là chúng tôi đang đi vào vùng biển Đông mênh mông. Trước biển cả, chúng tôi cảm thấy mình quá nhỏ bé, lại càng thêm kính phục những người lính giữa trùng khơi xa xôi kia, có bao giờ rời vị trí !

...mọi người cùng hát.

19 giờ. Đêm đầu tiên trên tàu, đoàn công tác tổ chức giao lưu văn nghệ trên boong thượng với tinh thần “hát cho nhau nghe”. ca sĩ Quang Long dẫn dắt chương trình, ai bạo dạn tự tin thì đơn ca, ai thích đông vui thì tốp ca, ai “nhát đèn”, mắc cỡ thì vừa vỗ tay vừa hát theo thoải mái. Thiếu tướng Nguyễn Cộng Hoà rất trẻ trung khi đóng góp một tiết mục đơn ca, nhảy lâm thôn cùng đoàn Trà Vinh, và rồi bất kỳ tiết mục nào có phụ hoạ, ông cũng đều ra nhảy...lâm thôn. Đoàn Quảng Ngãi đi liền một lúc 3 bài, tập thể chiến sỹ tàu HQ 996 hùng tráng với hành khúc truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam... 
 
Hoa cho lòng can đảm.
Con tàu rẽ sóng băng băng trong đêm. Biển sâu thẳm. Những ánh đèn xa hút của tàu bạn làm tiếng hát như xa hơn, cao hơn. Tiếng hát ở giữa đại dương, cách phao số 0 hàng chục hải lý gây nên những cảm giác xúc động thật lạ kỳ. Dường như sao trời, đèn biển đang gần lại bên tàu....
 
5h sáng 3/5 - ngày thứ 2 của hải trình.
Tôi mò lên buồng lái khi cả tàu chưa ai dậy, khi biển vẫn còn đang ngái ngủ để rình chụp  mặt trời lên. Trong phòng chỉ huy, kíp trực vẫn mải mê làm việc, điều khiển con tàu thẳng hướng Trường Sa, hướng mặt trời lên.
Vùng biển hồng dần lên.
Một ngày mới.
 
Thiếu tá thuyền trưởng Lê Hải Sơn chỉ vào bản đồ hải trình nói với tôi: Chúng ta đang ở vào khoảng 9 độ 43' độ vĩ Bắc và 108 độ 43' độ kinh Đông, tàu đang nằm trên hải phận quốc tế, đã được 1/2 chặng đường ra Trường Sa lớn (khoảng 160 hải lý-TG). Dậy sớm đón bình minh, không ngờ chỉ có tôi, thuyền trưởng Lê Hải Sơn và kíp trực là không ngủ. 
 
Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên, trước hương hồn của các cán bộ chiến sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc. Xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: “Quyết tâm bảo vệ bằng được tổ quốc thân yêu, bảo vệ bằng được Quần đảo Trường Sa – một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu của chúng ta.”

Trường Sa, ngày 7/5/1988
  Đại tướng Lê Đức Anh
Bình minh Biển Đông thật lạ. Mặt trời chậm rãi phủ hồng chân trời, nhuộm tím nước biển, ánh dương vàng sáng lóng lánh loang rộng mãi ra, bầu trời xanh nhoè một màu cổ tích. Mảnh trăng hạ tuần bé như móng tay vẫn chưa chịu rời nền trời, vẫn sáng xanh mỏng mảnh. Những chấm đèn tàu xa hút nhỏ xíu nhạt dần đi.... Tàu vẫn đi về phía mặt trời !

8h30 sáng 3/5.
Một chú chim hải âu, "bạn của lính đảo" bay theo tàu mãi đến 30 phút, đôi cánh mềm mại chao nghiêng trước mũi tàu. Thi thoảng, nó lao vút thẳng xuống mặt nước, một chú cá đã nằm gọn giữa mỏ. Quấn quít mãi mới chịu chao cánh tan mờ vào trùng dương mênh mông.
 

17h30 cùng ngày.
Bên mạn trái, rồi mạn phải tàu xuất hiện một đàn khoảng 20 chú cá heo, cũng là "bạn của lính đảo" nhào lặn nô giỡn. Rất nhiều người đổ ra boong. Những tiếng reo cổ vũ náo nức khắp tàu như càng làm cho các chú khoái chí bơi theo dọc thân tàu, rồi tung mình lên cùng lúc làm đại dương trở nên sinh động lạ kỳ trong ráng chiều đỏ rực. Diễn viên Thanh Hương của Đoàn NT Bộ Tư lệnh Hải quân hét váng lên "Cá heo ơi! I love you!" mong các chú cá heo nhào lộn nhiệt tình hơn nữa. Hình như các chú càng phấn khích nhào lộn hơn thật. Cánh thuỷ thủ trên tàu bảo, đi biển gặp cá heo thường rất may mắn. Máy ảnh, camera của cánh báo chí chĩa xuống nước tua tủa. Đùa giỡn quanh tàu phải đến cả hải lý, bầy cá heo hiền lành mới lưu luyến chia tay. 

Tuần tra bảo vệ vùng trời, vùng biển Tổ quốc.
 
Khi gõ những dòng này trên bàn phím, đêm đã khuya lắm, tàu chỉ còn cách Trường Sa lớn mấy tiếng hành trình, lòng tôi nôn nao... Thân tàu chao lắc mạnh dần. Tôi cố nén cơn say sóng đang dội lên trong người .

Rạng sáng ngày mai, tàu sẽ cập bờ Trường Sa lớn !
Kỳ II: Pháo đài Trường Sa lớn


Trần Hải - (từ Trường Sa)