(Baonghean) - Trong 2 năm (2002 - 2003), với sự trợ giúp của WHO (tổ chức y tế thế giới) về chuyên gia trong các khâu thiết kế mẫu nghiên cứu, chọn mẫu, xử lý số liệu... Bộ Y tế đã tiến hành đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, điều tra tỷ lệ bệnh đái tháo đường và các yếu tố nguy cơ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Điều tra này tiến hành phân theo 4 vùng sinh thái (vùng núi cao; vùng trung du; vùng đồng bằng ven biển; vùng đô thị và khu công nghiệp), các vùng có cỡ mẫu tương đương nhau. Kết quả phân tích, kết luận cụ thể theo từng phần sau:
Phần thứ nhất: TỶ LỆ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG, RỐI LOẠN DUNG NẠP GLUCOSE VÀ SUY GIẢM DUNG NẠP GLUCOSE MÁU LÚC ĐÓI
● Tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ toàn quốc và của từng khu vực sinh thái là:
Toàn quốc: Tỷ lệ mắc ĐTĐ là 2,7%. Trong đó tỷ lệ ĐTĐ ở nữ là 3,7% và ở nam là 3,3%.
Vùng núi cao: tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ là 2,1% (cao nhất 3,2% và thấp nhất 1,5%);
Vùng trung du: tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ là 2,2% (cao nhất 3,6% và thấp nhất 1,8%);
Vùng đồng bằng ven biển: tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ là 2,7% (cao nhất 4,0% và thấp nhất 2,4%);
Vùng đô thị và khu công nghiệp: tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ là 4,4%;
Kết quả nghiên cứu trên cho thấy:
Tỷ lệ mắc ĐTĐ ở vùng đô thị và khu công nghiệp (4,4%) cũng xấp xỉ tỷ lệ điều tra đái tháo đường khu vực nội thành của Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh năm 2001 (4%), với cùng đối tượng và phương pháp nghiên cứu.
Các khu vực vùng núi và Tây Nguyên, đồng bằng - ven biển và trung du có tỷ lệ mắc ĐTĐ tương đương hoặc tăng gấp đôi tỷ lệ mắc ĐTĐ của thành phố trước đây 10 năm.
Đặc biệt tỷ lệ mắc đái tháo đường ở nhóm đối tượng có yếu tố nguy cơ, tuổi từ 30 - 64 tuổi, chiếm tỷ lệ khá cao 10,5%. Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose là 13,8%.
Theo phân loại của Hiệp hội ĐTĐ quốc tế và WHO, thì tỷ lệ mắc ĐTĐ của Việt Nam nằm trong khu vực hai (tỷ lệ từ 2% - 4,99%) giống của các nước khác trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia) và thấp hơn các nước khu vực ba (5% - 7,99%) gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Australia...
● Tỷ lệ rối loạn dung nạp glucose (RLDNG) trong toàn quốc và 2 khu vực là:
Toàn quốc là 7,3%.
Tại 4 khu vực: không có sự khác biệt giữa các vùng, thành phố 6,5%; đồng bằng 7,0%; miền núi 7,1% và trung du 8,3%
● Tỷ lệ suy giảm dung nạp glucose máu lúc đói (RLĐHLĐ) tương đối thấp: miền núi 2,2%; đồng bằng 1,4%; trung du 2,4% và thành phố 1,8%. Tỷ lệ chung toàn quốc 1,9%.
Như vậy theo kết quả nghiên cứu này thì tỷ số giữa RLĐHLĐ/RLDNG của Việt Nam là 1/3 (nước ngoài 1/2). Tại nghiên cứu này đang sử dụng tiêu chuẩn WHO (1998) lấy ĐH lúc đói 6,1mmol/dl, nếu lấy tiêu chuẩn chẩn đoán của IDF (Hiệp hôi ĐTĐ Hoa Kỳ) 5,6mmol/dl thì tỷ lệ RLĐHLĐ còn cao hơn nhiều.
Kết quả nghiên cứu này đã cho chúng ta một lời cảnh báo về sự gia tăng mắc bệnh ĐTĐ trong thời gian tới, nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời thì đây là một vấn đề SK không bình thường nhà nước ta phải quan tâm.
Bác sỹ:Nguyễn Văn Hoàn
(Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Nghệ An)