(Baonghean) - Có thể nói, có được kết quả hơn 3.000 hộ dân di dời tái định cư và cơ bản bà con đã tạm ổn định cuộc sống trên vùng đất mới quả là một sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, các địa phương, trong đó có vai trò rất quan trọng của chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Thuỷ điện 2 (ATĐ 2). Tuy nhiên, hậu tái định cư với một số vấn đề tồn tại, cấp bách đang đòi hỏi trách nhiệm, giải pháp rất cụ thể của ATĐ 2 theo đúng quy định, cam kết.
-- >> Xem Kỳ 4: Phải có quyết tâm cao, biện pháp mạnh
Nhận xét khách quan thì trong quá trình di dân, tái định cư (TĐC) đến nay, chủ đầu tư đã phối hợp với các ngành, các địa phương thực hiện một khối lượng công việc đồ sộ để ổn định cuộc sống cho hơn 3.000 hộ dân phải di dời. Trong đó, trọng điểm vẫn là ổn định cuộc sống cho 2.123 hộ tại 14 khu TĐC được xây dựng tại huyện Thanh Chương do họ phải chuyển về ở một địa phương mới. Toàn bộ cơ sở hạ tầng cơ bản: điện, đường, trường, trạm được xây dựng đã tạo nên diện mạo mới cho vùng TĐC, mang đến cho người dân được thụ hưởng thay đổi căn bản chất lượng sống.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, chúng tôi thấy còn một số tồn tại, bất cập liên quan đến trách nhiệm của ATĐ 2, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của cộng đồng dân cư ở khu vực TĐC. Trước hết là việc giao đất sản xuất, nhất là đất trồng lúa nước triển khai quá chậm, trong khi yêu cầu lại rất cấp bách, đòi hỏi người dân có ruộng để sản xuất lương thực. Người dân đã về vùng tái định cư được 6 năm, tuy nhiên đến cuối tháng 10/2012, ATĐ 2 mới khai hoang được 50 ha, trên kế hoạch ban đầu 195 ha. Diện tích đất ruộng đã khai hoang lại chưa chia cho dân.
Đối với đất màu cấp theo quy định, mặc dù cơ bản ATĐ2 đã thực hiện xong nhưng theo đánh giá của Sở NN &PTNT Nghệ An do ATĐ 2 khai hoang không đúng quy trình, quá trình khai hoang đất màu thì ủi toàn bộ lớp màu mỡ của đất xuống khe suối để lại triền đồi trọc lóc sỏi đá nên đất sau khi khai hoang bị xói mòn, bạc màu nhanh và trôi mất độ phì, dẫn đến năng suất cây trồng thấp, kém hiệu quả.
Một vấn đề bất cập nữa ở khu tái định cư là hệ thống nhà ở của các hộ dân do ATĐ 2 làm chủ đầu tư xây dựng đã xuống cấp: hoành gác tường ở phía 2 đầu đốc đã bị nước ngấm mục, hệ thống trần nhựa bị sập, đã xảy ra sập mái tại 2 nhà; thêm nữa, quá trình thiết kế thiếu khoa học, nhà bếp liền với nhà ở, không đảm bảo thông thoáng, hút khí nên bà con không sử dụng được bếp đã xây; bố trí công trình vệ sinh không hợp lý nên nhân dân không sử dụng… gây lãng phí, tốn kém.
Hệ thống nước tự chảy hoàn toàn không còn sử dụng được.
Trả lời câu hỏi trách nhiệm về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Toản – Phó ATĐ 2 cho biết: “Ban chỉ có thể hỗ trợ kinh phí sửa chữa cho những đối tượng khó khăn như gia đình chính sách, thương binh liệt sỹ, người neo đơn, chứ hỗ trợ trên diện rộng thì không thể thực hiện được do chi phí sửa chữa khắc phục quá lớn. Theo quy định, sau khi bàn giao công trình và bảo hành 12 tháng thì Ban đã hết trách nhiệm đối với các công trình do Ban xây dựng”. Cách lý giải của ông Nguyễn Quốc Toản xét về lý thì không sai nhưng chưa hoàn toàn đúng, bởi việc các ngôi nhà nhanh hư hỏng, hoành gỗ gác lên đốc, một phần do công tác tư vấn thiết kế chưa tốt, công tác giám sát chưa chặt chẽ... đó là yếu tố chủ quan mà ATĐ 2 cần phải có trách nhiệm. Không chỉ vậy, với tư cách là đơn vị được hưởng lợi dự án và trách nhiệm xã hội, ATĐ 2, nay là Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ cần giúp bà con sửa chữa đối với những căn nhà bị hư hỏng do Ban xây dựng vừa thể hiện tính đạo lý, vừa thể hiện trách nhiệm của mình đối với người dân. Và việc rạch ròi như vậy có nên không? Trong khi cuộc sống đại bộ phận nhân dân tại các khu TĐC còn khó khăn, sinh kế chưa đảm bảo bền vững, họ nhận nhà TĐC tưởng sẽ có chỗ an cư lập nghiệp lâu dài, nay chỉ mới trải qua mấy mùa mưa nắng đã xảy ra hư hỏng liệu có xứng đáng với những hy sinh của bà con?
Trước tình trạng một số hộ dân (33 hộ dân bản Chà Coong) chưa chịu di dời khỏi vùng lòng hồ với lý do chưa được đền bù phần đất trên cốt ngập, ATĐ 2 vẫn còn thiếu trách nhiệm trong việc phối hợp với huyện Tương Dương tìm cách tiếp cận, vận động nhân dân, giải thích và giải quyết theo quy định hiện hành. Khi chúng tôi làm việc với lãnh đạo ATĐ 2 và Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ thì được trả lời là Công ty chỉ giải quyết phần sử dụng dưới cốt, còn trên cốt ngập không sử dụng nên không đền bù. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến Quyết định 34 ngày 8/4/2010 của Chính phủ về việc ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thủy điện, thủy lợi, căn cứ theo Điểm b, Khoản 3, Điều 4 về Nguyên tắc bồi thường của Quy định này thì trường hợp các hộ TĐC có đất sản xuất ở vị trí trên cốt ngập lòng hồ, chuyển đến điểm TĐC xa nơi sản xuất cũ thì đất sản xuất tại nơi cũ bị thu hồi và được bồi thường, thì lãnh đạo ATĐ 2 mới cho biết: Chúng tôi chỉ đền bù khi có đủ hồ sơ thủ tục đất đai theo quy định.
Rõ ràng, với cách trả lời như vậy, ATĐ 2 chưa chủ động để kịp thời phối hợp với huyện Tương Dương giải quyết dứt điểm những tồn tại về hỗ trợ đền bù TĐC trong vùng lòng hồ. Ngoài ra, việc ATĐ 2 còn nợ kinh phí chi trả cho 232 hộ di dân tự do (mới chi trả được 15/34 tỷ đồng), hay vấn đề chậm hồ sơ, chưa giao hồ sơ địa chính cho huyện Thanh Chương để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà con, một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật xây dựng thiếu, chưa đảm bảo chất lượng, như: thiếu trường mầm non bản Cành Sọt, 10/30 bản nhà văn hoá không đủ diện tích để nhân dân sinh hoạt cộng đồng, gần 300 hộ gia đình chưa có giếng nước sinh hoạt… cũng gây ra bức xúc trong nhân dân TĐC.
Người dân TĐC đã chấp nhận hy sinh quyền lợi của bản thân và gia đình, rời bỏ nơi "chôn rau cắt rốn" để nhường lại mặt bằng cho công trình thuỷ điện lớn nhất Bắc miền Trung. Ngoài góp phần bổ sung thêm điện năng cho quốc gia, thì công trình còn tạo việc làm thu nhập cho cán bộ, công nhân viên ATĐ2, nay là Công ty Thủy điện Bản Vẽ và tạo nên nguồn doanh thu không nhỏ cho Công ty Thủy điện Bản Vẽ. Vì vậy, ATĐ 2 cần làm tốt trách nhiệm của đơn vị chủ đầu tư và Công ty Thủy điện Bản Vẽ phải thực hiện tốt nghĩa vụ của đơn vị hưởng lợi và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, nhanh chóng giải quyết những tồn tại vướng mắc như đã nói trên, sớm góp phần ổn định sản xuất và đời sống cho bà con các khu tái định cư, nhất là tại 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn.
Sau khi đi tìm hiểu tình hình thực tế tại huyện Tương Dương và các khu TĐC ở huyện Thanh Chương, đồng chí Lê Khá Đấu – Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh một số điểm nhằm tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại ở hậu TĐC Thủy điện Bản Vẽ: Xung quanh việc đền bù đất, công trình kiến trúc và hoa màu trên đất, đặc biệt đối với diện tích đất trên cốt ngập của một số hộ cần chủ đầu tư hợp tác chặt chẽ với địa phương để tìm ra tiêu chí cụ thể, thống nhất cách đánh giá, đo đếm đền bù nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhân dân. Nhanh chóng chi trả đầy đủ tiền đền bù cho 232 hộ di cư tự nguyện. Nếu điều kiện không đáp ứng được diện tích lúa nước như quy hoạch thì phải linh hoạt, sáng tạo tìm phương án thay thế khác. Chủ đầu tư cần kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để chia đất màu đảm bảo công bằng cho đồng bào TĐC, không để tồn tại tình trạng các hộ về trước lấn chiếm đất các hộ về sau. Hỗ trợ sản xuất phải gắn với thúc đẩy sản xuất hàng hóa, khắc phục sản xuất tự cung tự cấp. Trước hết, cán bộ xã phải đi đầu để đồng bào làm theo, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp vào phối hợp để tìm ra phương án sản xuất và phương án tiêu thụ. Hiện nay, trên các khu TĐC ở huyện Thanh Chương, ngoài phương án trồng chè và cây rễ hương, cần tìm ra một số phương án sản xuất khác như trồng cao su… Để thực hiện các chính sách trên thì Ban quản lý dự án và chủ đầu tư cần đáp ứng nguồn kinh phí thực hiện và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương. |
(Còn nữa)
- Trong khó khăn vẫn giàu ước mơ(26/10/2012)
- Sớm gỡ khó cho bản Piêng Cu(26/10/2012)
- Dấu ấn Con Cuông(26/10/2012)
- Trồng tam thất dưới tán cây(26/10/2012)
- Đám cưới mới của đồng bào Mông(27/10/2012)
- Gian nan Mường Típ(28/10/2012)
- Miền Tây - mùa cơm mới(29/10/2012)
- Phó chủ tịch xã năng động(30/10/2012)
- Hỗ trợ học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số học nghề(31/10/2012)
- Cần làm rõ trách nhiệm, chỉ ra nguyên nhân, giải quyết triệt để(31/10/2012)