(Baonghean) -Tháng 5/2012, Trần Điệp Trùng Dương trở thành Phó Chủ tịch UBND xã Quế Sơn (Quế Phong) theo Dự án 600 trí thức trẻ phục vụ 62 huyện nghèo của cả nước. Mới 5 tháng nhận nhiệm vụ, nhưng anh đã thể hiện được sự năng động trong công việc, bước đầu đã giúp thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây.

Trần Điệp Trùng Dương sinh năm 1983 ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Huế năm 2007, tháng 3/2008, anh tình nguyện ra Nghệ An xin được làm cán bộ thu hút trí thức trẻ theo Quyết định 26 của UBND tỉnh. Anh được phân công lên xã Quế Sơn, huyện Quế Phong với nhiệm vụ được giao là phụ trách sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn xã.

784251_small_84608.jpg

Trùng Dương kiểm tra vườn rau của HTX sản xuất
rau an toàn.

Quế Sơn có lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp bằng rau màu, mía và chăn nuôi gia súc, gia cầm, đất đai chủ yếu là bãi màu, đồi thấp. Từ trước bà con đã biết trồng các loại rau, củ, quả, nhưng chủ yếu là tự cung tự cấp. Khi mình xuống cơ sở hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng rau, chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bà con vẫn nghe, nhưng khi vắng mặt mình, họ lơ là. Mưa dầm thấm lâu, mình cứ tích cực vận động, sau đó nhiều người đã nhận thức được cần phải áp dụng kỹ thuật thì năng suất cây trồng mới cao, nên họ tự giác làm theo" – Dương chia sẻ.

Tháng 5/2012, theo Dự án 600 trí thức trẻ phục vụ 62 huyện nghèo, Dương được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã Quế Sơn phụ trách nông nghiệp. Đây là một vinh dự, nhưng trách nhiệm cũng cao hơn. Nắm được lợi thế về sản xuất nông nghiệp của địa phương, anh sớm tham mưu cho xã thành lập 2 HTX là HTX sản xuất rau an toàn ở xóm Hải Lâm 1 và HTX chăn nuôi tổng hợp ở xóm Hải Lâm 2. Đến nay 2 HTX hoạt động bước đầu đã có hiệu quả, khai thác được tiềm năng, lợi thế địa bàn.

Ngoài ra, anh còn tham mưu với xã mở rộng diện tích mía nguyên liệu. Trước đây, mỗi năm toàn xã chỉ trồng hơn 100 ha mía nhưng nay diện tích mía lên đến 220 ha. Sắp tới, anh sẽ tham mưu cho xã vận động người dân thu hoạch một số diện tích rừng nguyên liệu ở vùng đồi thấp để chuyển sang trồng mía.

Hơn 4 năm gắn bó với đất Quế Sơn, Trần Điệp Trùng Dương đã gắn bó bền chặt với các phong tục tập quán, nét văn hóa của đồng bào các dân tộc nơi đây và đã xây dựng gia đình với chị Lương Thị Biết, người bản địa và cũng là bạn học thời sinh viên. "Mới đầu lên đây công tác thấy buồn chán, nhớ nhà, vì chưa khi nào bước chân đến vùng rừng núi cả. Ở lâu quen dần, bây giờ mình đã nói được tiếng Thái như dân bản địa, hòa nhập với cộng đồng…, là thuận lợi lớn để thực hiện nhiệm vụ được giao trong những năm tới" – Dương thổ lộ.


Xuân Hoàng