Thêm một ngày cheo leo với những cung đường ở xứ sở của núi rừng, chúng tôi về với Đồng Văn - xã vùng cao nằm ở Tây Bắc huyện Quế Phong, nơi có những bản làng người Thái sống hiền hòa bên dòng sông Chu (hay còn gọi là sông Lường) bắt nguồn từ dòng Nậm San (Lào).
Đến nay nhiều người đến với Đồng Văn vẫn được người dân nơi đây nói đùa rằng: "Ăn Đồng Văn, ngủ Thông Thụ". Nghe kể lại, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, dân Đồng Văn còn khổ lắm! Đến với Đồng Văn lúc đó chỉ có hai "đặc sản" là sốt xuất huyết và cá lăng sông Chu. Vậy nên, dù rất hiếu khách, đồng bào Thái cũng chỉ dám mời ở lại ăn bữa cơm với món cá lăng dân dã đánh được dưới dòng nước sông Chu đục ngầu, còn chuyện ngủ ngáy thì phải mời khách đi tiếp qua Thông Thụ.
Ông Lang Văn Tuân - Chủ tịch UBND xã nhớ lại: Thời điểm đó, cả xã bị dịch sốt rét hoành hành, trung ương phải trực tiếp vào tận đây chỉ đạo bộ đội giúp đồng bào dập dịch. Một đằng sốt rét, một đằng do tập tục canh tác lạc hậu, nên cuộc sống của bà con hết sức cơ khổ, nhiều đồng bào người Thái tìm đến thuốc phiện như một nẻo để quên đời. Đồng Văn lúc đó hầu như ai cũng nghèo.
Câu chuyện của hơn 20 năm trước và cả một thời kỳ dài trước đó nữa gợi nhớ đến một thủa cơ hàn ở vùng đất này cho những vị khách phương xa. Còn hôm nay, khi đến với Đồng Văn, chúng tôi cảm nhận một sức sống mới đang căng tràn. Ông Chủ tịch xã cho biết: Toàn xã có 9560 khẩu với 3911 hộ, trong đó dân tộc Thái chiếm đến hơn 99%. Xã được chia thành 12 bản, trong đó có 6 bản nằm dọc Quốc lộ 48, 6 bản còn lại nằm dọc theo dòng sông Chu, 6 bản này gồm: Piềng Văn, Noọng Đanh, Xốp Hinh, Huồi Muồng, Na Quán, Piếng Pùng rồi đây sẽ nằm sâu dưới đáy lòng hồ thủy điện Hủa Na khi hồ chứa nước hoàn thành.
Nơi đầu nguồn sông Chu chảy từ Lào về nước Việt (cách huyện Thường Xuân-Thanh Hoá khoảng 1 tiếng đi bộ xuyên rừng).
"Hiện nay, đã có dự án tái định cư tại Huồi Siu, theo như tiến độ thì chậm nhất là đến đầu năm sau 6 bản Thái này sẽ chuyển đi nhường chỗ cho hồ thủy điện tích nước", ông Lang Văn Tuân cho biết.
Dọc theo con đường công vụ dẫn vào công trình thủy điện Hủa Na dài chừng 14km qua hai con dốc Bù Kèm Hè (dốc Sỏi), Bù Cỏ (dốc cỏ Tranh) với những khúc cua tay áo rợn người, cuối cùng Huồi Muồng đã hiện ra trước mắt. Mặc trời nắng đổ lửa, cả bản như một đại công trường. 126 hộ dân của bản đang làm những ngôi nhà sàn bằng gỗ để rồi đây chuyển về khu tái định cư mới. Nói chuyện với bà con ai cũng cảm thấy tiếc nuối bởi mảnh đất sinh sống lâu nay của ông bà tổ tiên gắn bó như ruột thịt sẽ phải ở lại dưới lòng hồ. "Đất ông bà tổ tiên để lại giờ phải đi mình tiếc lắm chứ. Nhưng cả bản đi, (mế) bà cũng đi, ra chỗ ở mới cuộc sống tốt hơn, con cháu nó có điều kiện học hành", cụ bà Lò Mụ Hùng (75 tuổi) tâm sự.
Đi tiếp đoạn, chúng tôi đến nhà mế Học, 94 tuổi. Con trai cụ Học đang cùng thợ đóng kèo cho ngôi nhà mới. Thấy khách vào cụ Học vồn vã chào "Còi dù bò! (tiếng Thái)" (Có khỏe không). Sau lời giới thiệu, trên căn gác nhà sàn, nhìn ra phía thượng nguồn sông Chu cuộn nước đục ngầu, câu chuyện của chúng tôi với mế Học cứ kéo dài không dứt, nhấp ngụm nước nấu từ mấy thứ lá vườn, mế Học trải lòng: "Mế sinh ra, lớn lên bên khe Muồng này, cả đời chưa đi đâu xa nó. Bây giờ đến tuổi này phải xa nó mãi cũng buồn lắm chứ, nhưng phải ra đó, con cháu mới không khổ nữa". Chúng tôi hỏi mế chuyện xưa khổ ra răng mế? "Ngày xưa, bà con người Thái mình khổ, làm ruộng, bắt cá dưới sông Chu lên mà sống. Khổ quá, nhiều người tìm đến thuốc phiện, chồng mế cũng rứa, ông nghiện thuốc phiện nhiều năm lắm". Hỏi, cụ ông lấy thuốc phiện đâu mà dùng, mế cho biết: "Ông phải đi lên tận Mường Pôm, Mường Piệt ở Thông Thụ, nhờ người mua của người Mông bên Lào đưa sang. Lúc đó, một nén bạc trắng hoa xòe mua được hai lạng thập lục thuốc phiện. Nhiều người không có tiền phải lên các bản Mông ở Lào làm thuê để có thuốc phiện hút".
Đang nói chuyện với mế thì con trai trưởng của mế vào, ông Hà Sỹ Học (theo phong tục người Thái tên mẹ được gọi theo tên con trai đầu) từng là Công an vũ trang (Bộ đội Biên phòng) phục vụ tại Lào trong thời gian từ 1969 -1977. Ông Học năm nay có 39 năm tuổi đảng, nhiều năm làm công tác xã. Hỏi chuyện về đời sống bản ngày trước, đặc biệt là cây thuốc phiện. Ông Học nhớ lại: Lần cuối cùng tôi thấy có người trồng thuốc phiện ở bản là năm 1983, năm đó, cụ bà Lương Thị Chọn (nay đã mất) có đem hạt về trồng trong vườn một khoảnh bằng hai cái phản này (gần 10m2), nhưng đồng chí Chủ tịch xã Đồng Văn lúc lên đây thấy đã chỉ đạo nhổ đi hết. Trước đó, bố tôi và một số cụ nghiện thuốc phiện cũng thử đem về trồng nhưng cây lên không có nhựa nên không trồng. Từ 1983 đến chừ, tôi không thấy ai trồng cây thuốc phiện nữa".
Trời đã quá trưa, nắng chiếu thẳng trên đỉnh Pù Ho hắt thẳng xuống thung lũng Huồi Muồng, chúng tôi đành chia tay gia đình mế Học ngược lại con đường công vụ ra các bản làng khác. Mế Học nói với theo "Còi dù nơ!" (tiếng Thái) - khỏe nhé!
Tiếp tục hành trình, chúng tôi lần theo các bản Piềng Văn, Noọng Đanh, Xốp Hinh...ở đây, bà con cũng đang tất bật làm nhà mới chuẩn bị đi tái định cư. Hỏi cán bộ, hỏi bà con về thuốc phiện, ai cũng lắc đầu: "Bà con Thái lâu nay không biết trồng thuốc phiện, ngày xưa có các cụ già nghiện thôi, chứ bây giờ không có ai cả".
Sau gần một ngày lăn lộn qua những bản của người Thái Đồng Văn, nơi lưng chừng núi, lưng chừng trời và dòng sông Chu cuộn chảy mãi như một niềm day dứt. Chúng tôi mang về còn biết bao câu hỏi trĩu lòng. Đồng Văn đang còn khó khăn lắm! "Số hộ nghèo chiếm gần 55% dân số. Cái chết trắng vẫn gieo rắc nơi đây, cả xã giờ có 25 người nghiện ma túy (5 người đang đi cai), mấy năm nay đã có 20 người chết vì tiêm chích ma túy, có cả những người nhiễm HIV", ông Lang Hồng Thắng - Bí thư chi bộ xã cho biết.
Nhận thức đồng bào đang thay đổi, xã đã xác định quyết tâm của mình, Đồng Văn rồi sẽ ngập dưới lòng hồ một phần cho dòng điện từ Hủa Na toả sáng. Chắc chắn rằng, những nỗi buồn cũng sẽ lặng im vĩnh viễn dưới hàng triệu mét khối nước sẽ ngập tràn nơi chúng tôi đang đứng. Cũng rất tin tưởng rằng, chuyện vui sẽ về nhiều như ánh điện nay mai. Hẹn gặp lại nhé, Đồng Văn!.