(Baonghean) - Đó là lời nói và câu chuyện về ông Lỳ Tông Súa, trưởng bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ (Quế Phong). Giống như ông bà tổ tiên bao đời, có một thời ông cũng lên núi trồng cây thuốc phiện. Nhưng, đến một ngày vào năm 1993, chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện được cán bộ Nhà nước vào từng bản phổ biến, tuyên truyền. Không chút đắn đo, chần chừ, ông tự nguyện từ bỏ trồng loại cây này và miệt mài vận động đồng bào trong bản làm theo mình.
Chúng tôi một lần nữa lộn ngược cung đường 48 nối dài vượt qua Bù Chông Cha (dốc Chuối) tìm đến bản Huồi Mới 1 nằm lưng lửng đỉnh Pha Cà Tủn với một quyết tâm duy nhất: Tìm gặp bằng được trưởng bản Lỳ Tông Súa.
Đến nơi mới biết, già làng Lỳ Tông Súa mấy hôm nay đang ra bản Minh Châu 1 thuộc khu kinh tế mới Minh Châu giúp con trai khai hoang ruộng nước. Chúng tôi trở ngược ra trung tâm xã Tri Lễ để từ đây đi xuống bản mới Minh Châu.
Đầu giờ chiều, bà con trong bản đang cùng cán bộ của Ban Phát triển Nông thôn- Miền núi huyện cho nước vào ruộng mới khai hoang. Trong cuộc gặp lần trước với ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng ban Phát triển Nông thôn - Miền núi huyện Quế Phong, chúng tôi được biết, bản mới Minh Châu 1, Minh Châu 2 thuộc khu kinh tế mới Minh Châu. Đây là Dự án thực hiện chủ trương của tỉnh về việc di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai và vùng đặc biệt khó khăn tại xã Tri Lễ (Quế Phong). Tất cả các hộ đồng bào Mông ở 8 bản thuộc diện khó khăn nhất, trong đó có cả những hộ mới hồi cư ở Lào về, nếu chưa có đất sản xuất sẽ chuyển về định cư tại Minh Châu. Hiện nay, toàn bản Minh Châu 1 đã có 28 hộ chuyển về định cư, khai hoang được 4ha lúa nước.
Phó bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ - Đàm Thiên Thương (ngoài cùng bên phải)
cùng người dân Mông ở Tri Lễ trên cánh đồng lúa nước tại khu định cư mới Minh Châu.
Theo chân ông Đàm Thiên Thương - Thiếu tá Đồn Biên Phòng 519 nay được tăng cường về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ, chúng tôi ra đồng tìm ông Lỳ Tông Súa. Đến nơi thấy ông Súa đang cùng cán bộ huyện hướng dẫn bà con dẫn nước vào ruộng mới khai hoang. "Mình phải xuống đây cùng cán bộ hướng dẫn cho bà con làm ruộng. Đất mới khai hoang nên làm nhiều việc lắm, cán bộ làm không xuể", ông phân trần khi biết chúng tôi lên Huồi Mới 1 tìm ông mà không gặp.
Hỏi ông chuyện vận động bà con bỏ trồng cây thuốc phiện nhiều năm về trước, ông Súa xua tay: "Mình có làm gì to tát đâu nhà báo. Thấy trồng cây thuốc phiện nó hại đồng bào quá! Mình là đảng viên phải đi trước, làm trước cho bà con theo sau". Gặng hỏi mãi, ông Súa mới nói về thời gian đó: "Lúc đầu tôi nói, bà con nghe ít lắm! Họ nói bỏ trồng thuốc phiện thì chết đói à. Vậy là mình phải vận động từ từ. Ban đầu mình đi trồng lúa nước, nuôi trâu bò làm cho cuộc sống gia đình mình ấm no trước đã. Lâu dần, bà con thấy gia đình mình bỏ trồng thuốc phiện vẫn làm ăn được nên làm theo".
Gặp ông Thò Chư Xa đeo con dao Mẹo, phấn khởi trên những mảnh ruộng nước bên kênh thuỷ lợi Kẽm Ải của bản Minh Châu. Ông Xa năm nay 57 tuổi, là một trong 3 người cuối cùng của bản Huồi Mới 1 từ bỏ thuốc phiện. Cai được thuốc phiện, gia đình ông Xa làm ăn khấm khá hơn, không thua kém ai trong bản. "Bố nghiện thuốc phiện em buồn lắm! Cả nhà đều buồn. Giờ bố bỏ được rồi ai cũng vui. Nhà em giờ có 8 con bò, 2 con trâu, ruộng lúa nước cũng nhiều, làm cả mùa ăn lúa không hết. Anh chị em được học hành đầy đủ. Anh trai em đang học Cao đẳng Y ở Vinh đó", Thò Y Xông - con gái ông Thò Chư Xa (sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân ở Hà Nội) vẫn còn mang một bên là chậu quần áo mới giặt bên dòng nước của thuỷ lợi Kẽm Ải, một tay vẫn duyên dáng với chiếc ô nghiêng trong một trưa nắng tròn ở Minh Châu, phấn khởi nói với chúng tôi: Bản Huồi Mới 1 hôm nay có 45 hộ dân với 200 khẩu. Theo như cán bộ xã cho biết, đến năm 2003, cả bản không còn ai trồng cũng như hút thuốc phiện. "Trưởng bản Súa kiên trì lắm, có những trường hợp nghiện nặng, ông trưởng bản phải vận động ròng rã 10 năm trời mới chịu bỏ, giờ cả bản cuộc sống khấm khá lên hơn trước nhiều".
Chiều đang nghiêng dần về phía Tây. Chúng tôi cùng ông Súa vào thăm ngôi nhà mới của con trai ông là phó bản Minh Châu. Trong ngôi nhà nhỏ trên vùng đất mới này, nhiều bằng khen của tỉnh, huyện và cả Bộ đội biên phòng treo trang trọng trên vách nhà. Chỉ tay ông bảo: "Mấy tấm bằng khen mình được Nhà nước tặng đó, nhưng mà mình vui nhất là thấy đồng bào mình từ bỏ được cây thuốc phiện. Có Đảng, Nhà nước hỗ trợ, bà con chỉ cần chăm chỉ làm ăn là cũng no ấm rồi".
Đường từ Tri Lễ về với Kim Sơn còn hun hút xa, khách xuôi lại phải xuống núi để lại đằng sau dãy Pha Cà Tủn với những đồng bào Mông hiền lành, mến khách. Lần này, rời Tri Lễ, lòng tôi chợt thấy vui hơn, bởi trên đó đồng bào Mông đã thực sự thay đổi nhận thức, bởi có những người như trưởng bản Lỳ Tông Súa, như nụ cười của ông Thò Chư Xa, nụ cười mới khi đã thoát xa nỗi niềm day dứt, ám ảnh của hoa anh túc một thời.
(còn nữa)