(Baonghean) - Quan điểm thống nhất là khi tăng viện phí phải đạt mục tiêu bệnh viện hoạt động tốt, người bệnh được chữa trị tốt, quỹ BHYT không bị âm mà người dân lại không phải đóng thêm phí tham gia BHYT.
Lần này, Bộ Y tế đề xuất tăng khoảng 300 loại dịch vụ trong tổng số 3.000 dịch vụ đang được thực hiện. Cụ thể, đối với giá khám bệnh, mức thu cũ từ 500-3.000 đồng/lần khám sẽ được điều chỉnh lên 6000-25.000 đồng tùy theo từng hạng bệnh viện. Mức tăng tối đa là 22.000 đồng/lần khám với bệnh viện hạng I và tối thiểu là 5.000 đồng đối với trạm y tế xã. Đối với giường bệnh nội trú đang được quy định thu 4.000-18.000 đối với bệnh viện hạng I, 2.500-16.000 đồng đối với bệnh viện hạng II, dự kiến sẽ thu giường bệnh tuyến xã là 10.000-15.000 đồng/ ngày, giường bệnh hồi sức cấp cứu từ 30-120 nghìn đồng/ngày, giường điều trị nội khoa từ 20-100 nghìn đồng/ngày, giường điều trị ngoại khoa, bỏng từ 25-240 nghìn đồng/ngày... Theo như tính toán, lộ trình trước mắt (2012-2013), cách tính viện phí sẽ bao gồm các chi phí trực tiếp chi cho bệnh nhân như: thuốc, máu, dịch truyền, điện nước, bảo dưỡng thiết bị... Từ năm 2013 sẽ thay thế cách tính viện phí theo giá dịch vụ hiện hành bằng cách tính theo nhóm chẩn đoán.
Có thể thấy, dự thảo giá viện phí được Bộ Y tế đưa ra có những dịch vụ tăng gấp 70 lần, còn đại đa số là tăng khoảng 20-30 lần. Điều này đã gây tranh cãi trong nội bộ Ban soạn thảo chính sách viện phí và gây những phản ứng từ phía dư luận. Lý do được đưa ra là mức tăng như vậy quá cao so với mức trượt giá từ năm 1995 đến nay, và Bộ Y tế xây dựng viện phí mới hoàn toàn dựa trên báo cáo về giá dịch vụ của các bệnh viện gửi lên, rồi lấy đó làm cơ sở tính toán. Sau rất nhiều tranh cãi và nhiều lần sửa đổi, giá viện phí hiện đã được hạ xuống. Được biết, BHXH Việt Nam đang đề xuất giao khâu xây dựng khung giá và thẩm định khung giá này cho Bộ Tài chính - cơ quan chuyên về giá cả các mặt hàng trong cả nước. Chính Bộ Y tế cũng đã nhận thấy không thể tăng giá cao như vậy (có dịch vụ tăng trên 70 lần), và cho biết nếu khó khăn có thể mời chuyên gia nước ngoài đến thẩm định.
Trước những vấn đề nhức nhối của ngành như: quá tải bệnh viện, y tế cơ sở yếu kém, y đức xuống cấp, lạm dụng kỹ thuật, giá thuốc cao, các ý kiến cũng cho rằng Bộ Y tế và cụ thể là các bệnh viện cần đưa ra một chương trình hành động cụ thể và cam kết để người dân yên tâm rằng những vấn đề này sẽ được đẩy lùi khi tăng viện phí. Có như vậy chính sách viện phí mới nhận được sự ủng hộ từ phía dư luận.
Mặt khác, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định việc tăng giá viện phí lần này không làm ảnh hưởng nhiều đến 62% dân số có thẻ BHYT, con số này ở Nghệ An là 70,67%. Tuy nhiên, khoảng gần 30% dân số còn lại chưa có thẻ BHYT đều là đối tượng khó khăn. Họ đang đứng trước nguy cơ không thể chi trả viện phí nếu viện phí tăng cao như dự kiến. Một trong những quan điểm được các chuyên gia kinh tế, y tế nhấn mạnh là chế độ thỏa đáng cho người nghèo. Bộ Y tế cũng đã xây dựng những chính sách cụ thể để từng bước giải quyết thỏa đáng vấn đề này: phối hợp với một số bộ, ngành của Chính phủ để sửa đổi Quyết định 139 nhằm hỗ trợ cho một số đối tượng khó khăn. Ngoài ra, các bệnh viện cũng trích một phần nguồn thu để hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo. Dự kiến các địa phương sẽ lên danh sách người nghèo rồi huy động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ trực tiếp cho họ. Hiện Bộ Y tế cũng đang đề nghị nâng mức hỗ trợ phí tham gia BHXH lên 70% ( thay vì 50% như hiện nay) đối với hộ nghèo và 50% với hộ cận nghèo.
Lãnh đạo nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh cũng bày tỏ lo ngại nếu viện phí được tăng đồng loạt, và mong muốn viện phí được tăng theo một lộ trình, tùy tình hình, diễn biến bệnh tật ở địa phương. Nhưng cái phải tăng trước hết là giá dịch vụ khám bệnh, giường bệnh, một số thủ thuật, phẫu thuật sản, ngoại...Việc tăng nên theo từng năm một và có một bộ phận chuyên nghiên cứu điều chỉnh phù hợp theo từng năm. Làm thế nào để giá viện phí đừng mất cân đối với các ngành khác, tiến tới bình ổn giữa lương và giá. Thêm vào với chuyện tăng viện phí, có ý kiến cho rằng: hiện nay giá thuốc, vật tư tiêu hao ở các bệnh viện thường thực hiện thông qua đấu thầu, và như vậy mỗi bệnh viện lại có một mức giá khác nhau và giá thực sẽ bị đẩy lên cao. Nếu có thể, Bộ Y tế nên để thống nhất giá thuốc chung trên toàn quốc để khỏi gây tranh cãi hay nảy sinh tiêu cực.
Rõ ràng, còn nhiều việc phải làm trong bối cảnh hiện nay để ngành y tế tạo dựng được niềm tin trong nhân dân. Liệu việc 5 bệnh viện lớn nhất ở Hà Nội được chọn thí điểm triển khai Quy tắc ứng xử nâng cao y đức, trong đó có nội dung: "Nói không với phong bì" có là hình thức, là nhất thời hay thực sự là bước đi có tính toán của ngành để quyết tâm đi tới đích, trong đó có đích tăng viện phí?
Cuộc vận động thí điểm này chưa lan tới các bệnh viện ở Nghệ An, nhưng người dân đang mong chờ nội dung "Nói không với phong bì" sẽ từng bước được thực thi cùng với hàng loạt các giải pháp đồng bộ và hiệu quả khác.
Bài cuối: Cần bước đi phù hợp
Thùy Vinh