(Baonghean) - Sau khi dự thảo tăng viện phí được công bố cùng với ý kiến đồng tình và quyết tâm của lãnh đạo ngành Y tế, các bệnh viện công và tư, thì cũng có nhiều ý kiến của người dân, kể cả cán bộ trong ngành Y tế cho rằng không nên tăng viện phí vào thời điểm này.
 
Lần này, sau khi đã tính toán kỹ, nhận được sự đồng thuận của Chính phủ và các bộ, ban, ngành, ngành Y tế đã vào cuộc vừa có sự thận trọng, vừa có quyết tâm cao. Tuy nhiên, ngành cũng đứng trước những bài toán hóc búa đang đặt ra cấp thiết là: cách xây dựng khung giá viện phí mới, hướng giải quyết những bất cập liên quan đến khả năng chi trả của người nghèo, cách đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của người dân về chất lượng khám, chữa bệnh, y đức sau khi tăng viện phí
 
Hiện nay, dự thảo về giá dịch vụ y tế vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện và lấy ý kiến của các chuyên gia. Lãnh đạo ngành Y tế cho biết cần thực hiện chính sách này một cách thận trọng và có thể thuê chuyên gia nước ngoài để thẩm định giá viện phí mới. Trong bối cảnh ngành Điện muốn tăng giá, xăng dầu cũng bàn chuyện tăng, thì câu chuyện tăng viện phí đặt ra lúc này đã gặp không ít ý kiến trái chiều từ dư luận của người dân. Có 2 luồng dư luận: Một là đồng ý tăng, nhưng mức tăng cần phải được xem xét để không vượt quá khả năng chi trả của người dân và quỹ BHYT; hai là không đồng tình tăng vì y tế là dịch vụ an sinh xã hội, tăng trong bối cảnh này là không phù hợp.

769788_small_67696.jpg

Bệnh nhi nằm đôi, nằm ba tại Khoa Nhi, Bệnh viện ĐK khu vực Tây Bắc.

Ông Nguyễn Công M., đang chăm sóc người nhà điều trị ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa NA, cho biết: " Tôi đồng ý chủ trương tăng viện phí để bệnh viện có nguồn thu, bảo đảm cho cơ sở hạ tầng, thiết bị kỹ thuật và tiền lương nhân viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay, nhiều loại mặt hàng thiết yếu đều cùng đề xuất tăng một lúc như vậy thì cần xem xét việc tăng viện phí vào lúc này đã phù hợp chưa? Thực tế là ngay đến công chức như chúng tôi cũng có không ít người sống bếp bênh vì lương quá thấp, chỉ nhận tiền ở bảng lương cơ quan mà chẳng có thu nhập thêm gì. Đó là chưa nói đến người nghèo ở quê, ở miền núi, vùng sâu, vùng xa...". Chị Trương Hồng Duyệt ở Thị xã Thái Hòa, cho biết, chị đọc báo biết rõ giá một số dịch vụ y tế đã áp dụng từ 16 năm nay, trong khi lương cơ bản tăng, giá thị trường tăng quá xa so với thực tế nên việc tăng giá dịch vụ y tế là chính đáng. Tuy nhiên, khi đã tăng viện phí thì các bệnh viện phải chấn chỉnh công tác y đức, tránh tình trạng vòi vĩnh, tiêu cực mà lâu nay do giá thấp mới sinh ra. Chị hy vọng việc tăng viện phí phải phù hợp với đời sống người dân và phải đi đôi với việc tăng chất lượng điều trị, phục vụ và kiểm soát thật tốt việc thu chi viện phí.
 
Tuy nhiên, cũng có khá nhiều ý kiến không đồng tình việc tăng viện phí với chung một lý do là đời sống người dân hiện đang gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Thanh Nga, giảng viên Trường Đại học Vinh, cho rằng: Viện phí là một lĩnh vực an sinh xã hội, nếu tiếp tục tăng thì đối tượng bị ảnh hưởng là rất lớn chứ không phải là "không bị ảnh hưởng nhiều" như khẳng định của ngành Y tế. Là lĩnh vực an sinh xã hội nên cần sự đầu tư đặc biệt từ Nhà nước. Ông cho rằng, không nên tăng viện phí với giá cao để tăng nguồn thu dù rằng nguồn thu đó được sử dụng để tái đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các bệnh viện. Bà Trịnh Thị Hường ở TP. Vinh cho rằng: "Nếu viện phí tăng nữa, có mục tăng cả 10 lần, thậm chí 20 lần thì người ăn lương, buôn bán nhỏ và công nhân, nông dân kể cả có BHYT cũng khó mà đáp ứng".
 
Nhiều ý kiến chúng tôi ghi được đều cho rằng y tế gắn liền với từng người dân, đặc biệt là người nghèo. Người nghèo thường bị bệnh và bệnh nặng. Bên cạnh đó, không thiếu các trường hợp chỉ cần ốm một lần là người cận nghèo thành người nghèo. Ông Lê Thanh Nga ở ĐH Vinh cho rằng, nguồn đầu tư cho y tế vẫn phải là nguồn thu từ thuế do dân đóng góp. Sao trong khi nhiều nước thậm chí còn đạt đến độ miễn phí dịch vụ y tế cho người dân thì nước ta lại làm ngược?
 
Rõ ràng, câu chuyện tăng viện phí đang vô cùng nóng và... mắc! Bộ Y tế có lý lẽ của mình và người dân lại có cái khó của người dân. Nhiều ý kiến cho biết Nhà nước nên tìm một biện pháp để cân bằng lợi ích của người dân lẫn bệnh viện, sao cho chính sách viện phí mới vừa giải quyết được những vướng mắc của ngành vừa bảo đảm không gây xáo trộn trong đời sống nhân dân. Ông Thành, cán bộ trong ngành Y tế Nghệ An thẳng thắn: Tôi chờ một bước đột phá của ngành Y tế cả nước, mình làm trước, làm chủ động, tạo được, xây dựng được lòng tin trong cán bộ, nhân dân thì khi ra chủ trương, chính sách gì mới, thường dễ được đồng tình, ủng hộ hơn. Tăng viện phí mà mọi việc trong ngành vẫn như cũ, tôi e khó thành công !
 
(Còn nữa)


Thùy Vinh