Không kể những ngày trước và sau Tết âm lịch, trong ngày Rằm tháng Giêng năm nay, mặc cho khuyến cáo hạn chế đi lại và tụ tập đông người nhưng lượng khách đổ về đền Ông Hoàng Mười vẫn rất đông. Ngoài viết sớ cầu an, cầu tài, cầu lộc cho gia đình, người thân kèm theo một ít tiền, vàng mã. Nhiều gia đình còn sắm từng chồng lễ vật bằng giấy, và mua "ông ngựa" để đốt.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ngay khu vực trước cổng đền Ông Hoàng Mười, các cửa hàng kiêm luôn dịch vụ bày lễ và cầu, cúng.
Mỗi bộ lễ, tùy theo nhu cầu của khách hàng mà có giá từ 300.000 đồng đến hàng triệu đồng. Tính chi phí viết sớ và có "thầy" cúng kèm theo, mỗi gia đinh tiêu tốn gần 1 triệu đồng, cho bộ lễ nhỏ. Còn nếu gia đình nào mua "ông ngựa", "ông voi", thuyền giấy, hình nhân... thì chi phí càng cao. Mỗi "ông ngựa", đan bằng tre và trang trí giấy vàng được bày bán có giá từ 400.000 - 500.000 đồng. Thường gia đình nào đốt "ông ngựa", thì cũng phải đốt kèm theo các bộ quan phục, lều, lọng... vì thế chi phí sẽ cao lên.
Theo tiết lộ từ một vị làm nhiệm vụ tại đền Ông Hoàng Mười, mỗi ngày tại đây đốt khoảng 50 "ông ngựa", có thời điểm các đoàn đi lễ đến nhiều, nhất là các đoàn ở các tỉnh phía Bắc vào thì số lượng "ông ngựa" bị đốt càng lớn hơn, lên đến cả trăm.
Mặc dù các đơn vị văn hóa đã tích cực tuyên truyền việc hạn chế đốt vàng mã, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ tại các điểm di tích đồng thời đảm bảo việc hoạt động văn hóa tâm linh lành mạnh, tiết kiệm. Thế nhưng, trên thực tế, các điểm di tích không thể cấm đoán, hoặc hạn chế người dân mua vàng mã, thậm chí sắm những bộ vàng mã hàng chục triệu đồng để đốt. Chính điều này đang gây ra sự lãng phí rất lớn./.