(Baonghean) - Tại Hội nghị điển hình tiên tiến ngành Thanh tra tỉnh Nghệ An giai đoạn 2010 - 2015, một cán bộ thanh tra trẻ gây được ấn tượng mạnh với mọi người. Anh là Nguyễn Mạnh Hà - Chánh thanh tra Sở KH&CN, người góp phần phanh phui vụ gian lận trong kinh doanh xăng dầu năm 2014 "nức tiếng cả nước, được nhân dân đồng tình, ngợi khen"...
 
 
Kinh nghiệm quý 
 
Chánh thanh tra Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Hà dành cho tôi một khoảng thời gian khá dài sau hội nghị, anh nói: "Thực chất, đây không phải là lần đầu Thanh tra Sở KH&CN thực hiện công tác thanh kiểm tra, qua đó phát hiện các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh có hành vi gian lận...". 
 
images1147835_untitled_1.jpgChánh Thanh tra Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Hà giới thiệu bảng mạch điện tử đo lường phụ của một cơ sở gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã bị xử lý năm 2008, đoàn thanh tra kiểm tra cơ sở kinh doanh xăng dầu năm 2014.
 
Vào năm 2008, khi Bộ KH&CN Công văn số 875/BKHCN-TTr đề nghị các UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH&CN phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức đợt thanh tra chuyên đề về đo lường đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu, gas. Thanh tra Sở KH&CN đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành thanh tra đối với 145 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh và phát hiện 36 cơ sở vi phạm. Đoàn đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 32 cơ sở (4 cơ sở bị nhắc nhở do vi phạm nhỏ, lần đầu) với tổng số tiền xử phạt là 315.000.000 đồng; thu hồi 36 Giấy chứng nhận kiểm định, niêm phong, buộc kiểm định lại 45 phương tiện đo vi phạm.
 
Qua lần thanh kiểm tra này, Thanh tra Sở KH&CN đã phát hiện ra khá nhiều "chiêu" gian lận tinh vi của những cơ sở kinh doanh xăng dầu. Đó là việc một số cơ sở kinh doanh xăng dầu tận dụng bàn phím SPKEY 2000 có 2 nút khởi động, đã tách thành 2 mảng mạch điều khiển khác nhau, qua đó, dễ dàng chuyển chế độ làm việc của cột đo nhiên liệu từ đúng sang sai và ngược lại. Với phương tiện không thể gian lận (can, chai...) thì dùng chế độ đúng; khi bán hàng trực tiếp cho người sử dụng phương tiện ô tô, xe gắn máy... thì dùng chế độ khởi động sai với sai số từ +2,7% đến +5%.
 
Một hành vi gian lận nữa là lắp thêm bảng mạch điện tử đo lường phụ. Khi mạch phụ ở chế độ tắt, mạch chính hoạt động, mức độ sai số trong phạm vi cho phép. Khi khởi động mạch phụ, chế độ sai số sẽ theo mức sai số thiết lập. Bảng mạch điện tử đo lường phụ có kích thước rất nhỏ, thường được dấu kín trong cột đo nhiên liệu nên rất khó phát hiện. Với hình thức gian lận này, cơ sở kinh doanh đã điều chỉnh sai số từ +1% đến +8%...
 
Vào ngày 02/10/2014, Giám đốc Sở KH&CN đã chỉ đạo Thanh tra Sở tổ chức thanh tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu. Qua thanh tra 22 cơ sở,  đến ngày 15/10/2014, đã phát hiện 5 cơ sở vi phạm, trong đó có 1 cơ sở vi phạm nghiêm trọng pháp luật đo lường khi thay thế IC chương trình nhằm điều chỉnh sai số phương tiện đo. Bên cạnh việc xử lý nghiêm, đoàn nhận định còn nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu đang sử dụng các thủ đoạn gian lận bán hàng thiếu, hàng kém chất lượng lừa dối khách hàng. Do thẩm quyền và điều kiện không cho phép, lãnh đạo Sở KH&CN đã báo cáo sự việc lên lãnh đạo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo, đề nghị Công an tỉnh giúp đỡ. Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát quản lý trật tự kinh tế và chức vụ (PC46) phối hợp lập chuyên án đấu tranh làm rõ các hành vi gian lận trên. Qua thanh tra 51 cơ sở, đã phát hiện 23 cơ sở vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.395.185.000 đồng.  
 
Trong đợt thanh kiểm tra này, phần lớn các cơ sở vi phạm lại sử dụng hành vi thay thế IC chương trình nhằm điều chỉnh sai số phương tiện đo vượt quá mức sai số cho phép từ +4,1% đến +11,6%. Thủ đoạn lắp đặt IC chương trình giả rất tinh vi với trình độ công nghệ cao, bằng mắt thường rất khó để phân biệt. Để phát hiện hành vi này là cả một quá trình. Từ đầu năm 2014, các cán bộ thanh tra Sở KH&CN đã nhận thấy một số cơ sở kinh doanh xăng dầu có biểu hiện bất thường như: ngắt nguồn điện, ấn vào bàn phím khi không thực hiện bán hàng, bố trí nhiều công tắc nguồn điện ở các vị trí khác nhau…
 
Xác định đây là một thủ đoạn gian lận mới, các cán bộ kiểm định và các đoàn thanh tra được quán triệt không tỏ thái độ nghi ngờ, tránh “dứt dây động rừng”, mặt khác, ghi lại danh tính các cơ sở có biểu hiện bất thường đó, số lượng nhân viên thường trực tại cửa hàng, số lượng, kiểu loại phương tiện đo, địa thế cửa hàng… Khi tổ chức thanh tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu, Thanh tra Sở KH&CN lên kế hoạch cụ thể và chi tiết từng cơ sở, bí mật cử cán bộ tiếp cận, vẽ lại tất cả các vị trí "nhạy cảm". Sau đó, phân công từng thành viên, yêu cầu khi tiếp cận cơ sở phải nhanh chóng chiếm lĩnh các vị trí "nhạy cảm".
 
Một thành viên đoàn có trách nhiệm dùng camera ghi hình phương tiện đo, một kiểm định viên dùng bình chuẩn kiểm tra ngay sai số phương tiện đo. Bên cạnh đó, cách ly nhân viên bán hàng khỏi khu vực cột đo. Quá trình kiểm tra sai số phương tiện đo cũng được quay camera để làm chứng cứ. Sau khi có kết quả kiểm tra sai số, ngay lập tức ngăn chặn không cho chủ cửa hàng, nhân viên bán hàng liên lạc với bên ngoài, đồng thời đấu tranh để xác định lỗi vi phạm.
 
Với Chánh thanh tra Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Hà, để công tác thanh tra đạt kết quả, yếu tố quan trọng nhất là phải "bí mật, bất ngờ". Lịch trình, danh tính các đối tượng thanh tra, trưởng đoàn chỉ báo cáo với lãnh đạo cao nhất, các thành viên trong đoàn cũng không biết đoàn sẽ làm việc ở đâu. Và thay vì đi theo kiểu cuốn chiếu, tiến hành thanh tra theo kiểu “nhảy cóc”, trong một ngày có thể làm việc ở các huyện cách xa nhau hơn 100 km… Trong địa bàn 1 huyện, chỉ thanh tra từ một đến hai cơ sở là rút quân, hai đến ba ngày sau lại âm thầm tiến hành thanh tra các cơ sở khác ngay tại địa bàn huyện đó. Thời điểm thanh tra tập trung vào sáng sớm, quá trưa hoặc chập tối, đây là những thời khắc các cơ sở kinh doanh chủ quan không nghĩ đoàn sẽ vào làm việc… "Nhờ lên kế hoạch chu đáo và bí mật, bất ngờ, các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu đã được bóc trần" - anh Hà khẳng định.
 
"Phẩm chất đạo đức là quan trọng nhất..."
 
Nguyễn Mạnh Hà có vóc người khá mảnh dẻ và trẻ so với chức danh (SN 1979). Anh tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội năm 2001, được tuyển dụng làm Thanh tra Sở KH&CN năm 2003; năm 2006 được bổ nhiệm làm Phó Chánh thanh tra; từ tháng 12/2014 được bổ nhiệm làm Chánh Thanh tra Sở KH&CN. Trong thời gian từ năm 2010 - 2015, anh đã trực tiếp làm trưởng, phó đoàn của 36 cuộc thanh tra chuyên ngành, liên ngành, diện rộng về đo lường, chất lượng và sở hữu trí tuệ đối với các loại sản phẩm hàng hoá; chuyên ngành về An toàn và Kiểm soát bức xạ; chuyên ngành về đề tài dự án khoa học công nghệ; và tham gia nhiều cuộc thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo về sở hữu công nghiệp, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.
 
Trong tất cả các cuộc thanh tra, dù với tư cách nào, anh đều thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Và nổi bật nhất là hai đợt thanh tra các cơ sở kinh doanh xăng dầu năm 2008 và 2014. Qua đó, kết hợp tuyên truyền cho người tiêu dùng cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh nhận thức được các quy định của pháp luật về phòng chống hàng giả và gian lận thương mại.
 
Cán bộ đoàn thanh tra dùng bình chuẩn kiểm tra sai số tại các điểm kinh doanh xăng dầu và bóc trần hành vi thay thế IC chương trình nhằm điều chỉnh sai số phương tiện đo tại cơ sở kinh doanh xăng dầu
 
 
Trăn trở với công tác thanh tra chuyên ngành, theo Nguyễn Mạnh Hà, còn nhiều vướng mắc, khó khăn cho thanh tra chuyên ngành từ chính quy định của pháp luật. Đơn cử như Điều 20 Nghị định số 07 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành quy định: “Căn cứ kế hoạch tiến hành thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xây dựng đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo và gửi đối tượng thanh tra trước ngày công bố quyết định thanh tra”.
 
Anh nói: "Quy định như vậy, vô hình chung trói buộc hoàn toàn hoạt động thanh tra chuyên ngành. Đặc thù của thanh tra chuyên ngành là tính bất ngờ, bí mật, ghi nhận kết quả thanh tra thực tế, trung thực tại thời điểm thanh tra, từ đó có hướng xử lý thích hợp. Nếu cứ phải gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo trước khi tiến hành thanh tra, để cho đối tượng thanh tra có đủ thời gian, tâm lý, cách thức chuẩn bị đối phó, chắc chắn thanh tra chuyên ngành khó mang lại hiệu quả. Trong vấn đề sở hữu trí tuệ công nghiệp, với anh có nhiều điều rất đáng quan ngại. Chính vì vậy, dù công tác bận rộn nhưng anh đã làm chủ nhiệm đề tài "Thực trạng và giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về Sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Qua gần 2 năm thực hiện, đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh năm 2014 đánh giá xếp loại xuất sắc.
 
Với những thành tích đạt được, Nguyễn Mạnh Hà đã được tặng thưởng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh; Ban chỉ đạo 127 TW. Riêng năm 2014, anh được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, được Tổng Thanh tra Chính phủ tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Thanh tra Việt Nam và được công nhận là điển hình tiên tiến ngành thanh tra giai đoạn 2010 - 2015.
 
Hỏi rằng là cán bộ thanh tra, điều gì cần phải quan tâm nhất? Chánh thanh tra Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Hà trả lời: Bác Hồ đã dạy “Cán bộ thanh tra như cái gương cho người ta soi mặt, gương mờ thì không thể soi được”. Theo tôi hiểu, Bác đặc biệt nhắc nhở cán bộ thanh tra về phẩm chất đạo đức. Vì vậy với tôi, cán bộ thanh tra có nhiều điều phải rèn luyện nhưng cần nhất phải có được phẩm chất đạo đức tốt. Những kết quả đã đạt được là sự thể hiện phẩm chất đạo đức của tất cả thành viên đoàn thanh tra dưới sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh, Sở KH&CN, Công an tỉnh với sự phối hợp đặc biệt hiệu quả của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ. Chúng tôi vui vì góp phần nhân lên niềm tin của người tiêu dùng; và vì tỉnh ta được ghi nhận là địa phương đầu tiên trong cả nước phát hiện và xử lý nghiêm hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu...
 
                                                                                                       Nhật Lân