Sau hơn 1 tháng UBND tỉnh thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổng kiểm tra về thực trạng khai thác mỏ đá xây dựng trên địa bàn toàn tỉnh, tình trạng "đụng đâu, sai phạm đó" trong hoạt động khai thác mỏ vẫn ngang nhiên tồn tại!
Chúng tôi tìm đến các điểm khai thác đá của huyện Quỳ Châu sau khi các đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tiến hành đợt tổng kiểm tra.
Tại mỏ đá Na Bàng (Châu Tiến), hàng chục công nhân, máy móc đang hoạt động hết công suất. Cheo leo trên vách đá cao hàng chục mét là một số công nhân đang đu dây khoan đá trông rất nguy hiểm. Mỏ đá này do Công ty TNHH Tùng Cường khai thác từ năm 2007, và vừa bị đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tạm đình chỉ hoạt động do không đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác.
Thế nhưng, công ty này vẫn chơi bài "lỳ", ngang nhiên huy động công nhân, máy móc để khai thác theo lối cũ, bất chấp quyết định tạm đình chỉ! Được biết, cũng do kiểu khai thác "ăn xổi", không màng đến vấn đề an toàn cho người lao động, tại mỏ đá này năm 2009 đã xảy ra tai nạn làm một công nhân thiệt mạng.
Không chỉ ở Quỳ Châu, ngay tại Yên Thành - địa phương vừa "nổi tiếng" khắp cả nước do vụ tai nạn ở mỏ đá Lèn Cờ, rất nhiều mỏ đá có sai phạm vẫn đang ngang nhiên hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra. Sáng ngày 21/5, không khí lao động tại mỏ đá của Công ty TNHH Kỳ Sơn (Đồng Thành) vẫn rất nhộn nhịp. Một công nhân cho biết: "Tại lèn đá này đã từng xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động, có vụ làm chết người. Nguyên nhân do đá rơi từ trên cao xuống". Liền kề bên cạnh là mỏ đá Vũ Kỳ đã hết hạn khai thác cách đây hơn 2 năm, nhưng vẫn hoạt động bình thường. Khi chúng tôi xuất hiện thì có tới chục công nhân vội vã mang theo dụng cụ rút khỏi hiện trường.
Tiếp tục tìm đến các điểm mỏ tại các huyện trên địa bàn tỉnh, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các điểm mỏ đều vi phạm về quy trình khai thác mỏ lộ thiên. Cụ thể là thay vì khai thác cắt lớp, chế biến đá cách xa chân lèn... là khai thác theo kiểu cắt ngang, moi hàm ếch, chế biến ngay tại chân lèn...
Nguyên nhân là các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính để đầu tư công nghệ khai thác đảm bảo an toàn, như: tổ chức thăm dò, làm đường lên mỏ, khai thác cắt tầng, chế biến đá độc lập với khu vực khai thác... Ông Đoàn Công Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH Kỳ Sơn thừa nhận: "Biết làm như vậy là không an toàn nhưng nếu chuyển các giàn máy xay ra xa chân lèn thì chi phí sản xuất cao, năng suất thấp. Còn nếu bắt buộc khai thác theo đúng quy trình từ trên xuống thì công ty không đủ năng lực tài chính, nên đành phải khai thác như thế này!".
Việc tổ chức khai thác mỏ đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn lao động và chế biến đá lộ thiên đã hiển hiện hàng ngày trước mắt cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Song, có lẽ việc xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe? Cũng có thể vì lý do nào đó nên chính quyền địa phương cố tình "làm ngơ" để doanh nghiệp ngang nhiên hoạt động. Được biết, hàng năm các huyện có tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra tại các mỏ đá về an toàn lao động, song, mỗi lần kiểm tra chỉ nhắc nhở, hoặc xử lý phạt hành chính nhẹ nhàng, nên không hữu hiệu.
Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý, dẫn tới tình trạng khoáng sản bị khai thác bừa bãi nhiều năm mà không được chấn chỉnh. Đặc biệt, hàng loạt các sai phạm trong việc cấp phép khai thác khoáng sản đang diễn ra như cấp giấy không đúng quy hoạch, thiếu thẩm định, buông lỏng quản lý sau cấp phép, thậm chí thiếu kiểm tra xử lý sau các quyết định xử phạt, chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng vi phạm tràn lan, kéo dài ở hầu khắp các điểm mỏ.
(Còn nữa)