Thợ kết lan kiếm tiền triệu mỗi ngày. Clip: Thanh Phúc |
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế do đại dịch Covid -19 nhưng nhiều người vẫn dành một khoản chi phí lớn để chơi hoa lan. Chị Nguyễn Thị Thắng, chủ một shop hoa ở ngõ 178, đường Hà Huy Tập (TP.Vinh) cho biết: “Xu hướng chơi lan Hồ điệp dịp Tết ngày càng tăng bởi ngoài đẹp, màu sắc tươi tắn, bắt mắt thì các chậu lan được thiết kế theo các thế khác nhau với yêu cầu của người chơi. Đặc biệt, lan Hồ điệp rất bền, chơi được 2-3 tháng. Nhu cầu khách hàng cao, bán ra lượng hoa nhiều nên những công nhân cắm lan, trang trí chậu lan có tay nghề cao có thu nhập rất tốt trong dịp Tết”.
Dịp Tết này, chị Thắng phải thuê 3 thợ kết lan chính và 5 thợ phụ để thiết kế, tạo hình, cho lan vào chậu để bán cho khách. Trung bình, mỗi ngày, thợ chính có thu nhập từ 5-7 triệu đồng, còn thợ phụ cũng kiếm được 1-1,5 triệu đồng.
Anh Trần Văn Sỹ, một thợ kết lan lâu năm đến từ Cửa Lò cho biết: “Tôi theo nghề được gần 10 năm nay. Bình thường thì cắm hoa tươi cho các shop, nhận trang trí, thiết kế nội thất. Dịp Tết, tôi chuyển sang kết lan vào chậu cho các shop. Mỗi ngày, tôi kết được khoảng 200-300 bầu lan vào chậu, mỗi bầu được trả công từ 15.000 đồng – 20.000 đồng, bình quân thu nhập mỗi ngày khoảng 5 triệu đồng. Riêng tháng Tết, thu nhập từ nghề kết lan mang lại cho tôi xấp xỉ khoảng 70-80 triệu đồng”.
Là một trong những cơ sở kinh doanh lan lâu năm ở thành phố Vinh, dự kiến, dịp Tết này, chị Phạm Thị Thủy (đường Mai Lão Bạng, TP.Vinh) sẽ bán ra khoảng 10.000 bầu lan hồ điệp các màu ra thị trường. Do đó, chị phải thuê 2 tốp thợ kết lan gồm 10 người từ Sài Gòn, Huế và nhóm thợ phụ 5 người ở Nghệ An để vào chậu cho khách.
Anh Hồ Quang Phong, nhóm trưởng một tốp thợ từ Huế đang kết lan cho cơ sở của chị Thủy cho biết: “Nhóm kết lan của chúng tôi gồm 8 người, hầu hết có tuổi nghề trên 5 năm, tay nghề cao. Mỗi năm, đến dịp Tết, chúng tôi vào Nghệ An theo hợp đồng của các cửa hàng bán lan Hồ điệp. Thời gian làm việc bắt đầu từ tháng 12 âm lịch đến khoảng 29 Tết".
Đa phần, các thợ kết lan được tính công theo sản phẩm, mỗi bầu lan ghép vào chậu được trả công 20.000 đồng. Những thợ có tay nghề cao, chuyên kết các loại lan nghệ thuật trên chất liệu gỗ lũa thì được trả công cố định bằng ngày lương, mỗi ngày 3 triệu đồng, đã bao ăn ở.
Thợ kết lan ở thành phố Vinh chủ yếu đến từ Hà Nội, Huế và Sài Gòn theo hợp đồng của các chủ shop kinh doanh lan Hồ điệp ở Vinh. Đây là công việc thời vụ nhưng lại có thu nhập cao ngất ngưởng. Trung bình mỗi thợ chính có thu nhập 3-5 triệu/ngày, thợ phụ có thu nhập 1-1,5 triệu đồng. Cá biệt, có những thợ vào ngày cao điểm thu nhập lên đến 10 triệu đồng/ngày.
Anh Trần Xuân Thanh đến từ Sài Gòn, một người được coi là bậc “nghệ nhân” trong việc kết hoa lan cho biết: “Nhóm của tôi vào kết lan ở thành phố Vinh gồm 8 người, nhận kết lan cho 10 điểm bán lan khác nhau. Ngày cao điểm, thợ lành nghề như tôi có thể kiếm được 10-12 triệu đồng. Càng cận Tết, nhu cầu mua lan của khách càng cao, hàng về càng nhiều thì công việc càng bận rộn. Từ mồng 10 tháng Chạp đến 28 tháng Chạp, chúng tôi phải làm việc cật lực, có khi ngày làm việc đến 18-20 tiếng. Trưa chỉ ăn qua loa tại chỗ rồi vào việc luôn cho đến 2-3h sáng mới chợp mắt, 8h sáng đã bắt tay kết lan”.
Theo anh Thanh, để kết được một chậu lan đẹp tốn khá nhiều công sức. Người thợ, ngoài am hiểu về lan còn phải có mắt thẩm mỹ, khiếu nghệ thuật và đặc biệt là sự tỉ mỉ, cẩn thận, sáng tạo. Nghề này, không ai làm giống ai. Mỗi người có một cách nhìn nhận về cái đẹp riêng. Nhưng phải đáp ứng được các quy chuẩn cơ bản: Màu sắc chậu lan phải hài hòa, phân tầng hợp lý, khi cắm và bố trí thêm tiểu cảnh phải bám vào cái thế mà khách yêu cầu như: Thuận buồm xuôi gió; Long phụng sum vầy; Thác đổ hay Mã đáo thành công…
Áp Tết, nhu cầu mua sắm hoa lan càng cao nên thợ kết lan càng bận rộn. Có thời điểm, họ phải thức trắng đêm kết lan Tết phục vụ nhu cầu khách hàng, để nhà nhà thêm sắc xuân khi có những chậu lan đẹpchưng Tết; và công việc thời vụ này mang lại thu nhập cao cho các thợ kết lan, giúp họ có cái Tết sung túc.