Chủ trì tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cùng đại diện các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp. Tại điểm cầu Nghệ An có lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cùng các sở, ngành liên quan.
bna_nghe_an7581153_11122021.jpgToàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Quang An

Chương trình diễn đàn bao gồm 2 phiên tham luận chính, trong sáng 11/12, các đại biểu tập trung bàn về chủ đề "Doanh nghiệp công nghệ số giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong và sau đại dịch Covid-19".

Mở đầu diễn đàn, ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã trình bày tham luận về "Công nghệ số trong quản lý và phát triển lĩnh vực năng lượng". Theo đó, tính đến 30/11, hệ thống điện Việt Nam có tổng công suất đạt đứng đầu ASEAN, vượt qua Indonesia với 76.000 MW. Hệ thống truyền tải đường dây 500 kV, 220 KV cũng đứng đầu ASEAN.

Có được thành quả phụ thuộc nhiều vào việc ứng dụng công nghệ số. Đại diện EVN cho biết, đến nay, có 29,5 triệu hợp đồng mua, bán điện đã được số hóa. Với 19 triệu công tơ điện tử, Việt Nam đạt tỷ lệ cao về công tơ điện tử trong khu vực ASEAN. Từ năm 2012, EVN đã thực hiện cung cấp hóa đơn điện tử, đến nay, đã áp dụng toàn bộ trên hệ thống. EVN cũng đẩy mạnh kết nối với các ngân hàng, đơn vị thanh toán nhằm phục vụ thanh toán ví điện tử, không tiền mặt...
Các địa phương tham gia diễn đàn tại các điểm cầu. Ảnh: Quang An

Đối với ngành Du lịch, ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển song hành cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ như Blockchain, trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề vì liên quan đến việc di chuyển, gặp rào cản khi áp dụng các chính sách giãn cách xã hội.

Do đó, việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong du lịch tại Việt Nam là điều cần thiết. Ông Hoàng Minh Quân -CEO Cloudify Việt Nam cho biết, kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rõ rệt, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực nhờ sự đầu tư, chương trình khuyến khích của Nhà nước. Sự tăng trưởng này sẽ diễn ra đồng đều ở tất cả các ngành như thương mại điện tử, logistic thông minh, du lịch... Đặc biệt, từ năm 2020-2021, thương mại điện tử đã tăng trưởng 30%.
Ông Hoàng Minh Quân cho rằng, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế số. Hiện các doanh nghiệp này nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng gặp khó khăn về chi phí, thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin...
Các đại biểu tham gia tọa đàm. Ảnh: Quang An

Tại phiên tọa đàm, các diễn giả đã cùng nhau thảo luận về giải pháp chuyển đổi số đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi, phát triển bền vững sau đại dịch, đồng thời giải đáp những thắc mắc của các tổ chức, doanh nghiệp đối với vấn đề chuyển đổi số trong thời gian tới.

Trong chiều 11/12, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp sẽ tiếp tục trình bày các tham luận, tọa đàm với chủ đề: Doanh nghiệp công nghệ số giải bài toán chuyển đổi số Quốc gia với sự tham gia của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT,  VNPT... Cùng với đó là lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021.
Hiện nay, Việt Nam có gần 60.000 doanh nghiệp số. Hai năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được nhiều nền tảng chuyển đổi số. Năm 2020, hơn 30 nền tảng được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đều là nền tảng của Việt Nam. Năm 2021, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã chuyển sang nghiên cứu, làm chủ các công nghệ nghệ mới như 5G, AI, Big data...