Đa dạng các hình thức tích tụ

Năm 2013, ông Hồ Sỹ Quang ở xã Thọ Thành (Yên Thành) thuê đất 5% của xã cộng với đất chia theo Nghị định 64 được dồn điền, đổi thửa với tổng quy mô hơn 20 ha. Từ vùng đất xấu, lầy lội được cải tạo, kết hợp đưa cơ giới, giống mới (liên kết doanh nghiệp sản xuất lúa giống) và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sản xuất, giá trị sản xuất tăng lên. Riêng vụ xuân vừa qua, tại khu vực này, lúa đạt năng suất 8 tấn/ha, giá lúa bán tại ruộng đạt 58,4 triệu đồng/ha/vụ.

bna_image_1989845_892021.jpgHiện tại, huyện Yên Thành hiện có hơn 1.000 ha lúa theo mô hình liên kết với doanh nghiệp. Ảnh: Mai Hoa

Năm 2018, ông Hồ Sỹ Quang với tư cách là Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Thọ Thành (trên cơ sở sáp nhập mô hình sản xuất của gia đình và chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp cũ theo Luật Hợp tác xã 2012) tiếp tục tích tụ ruộng đất theo hình thức góp đất của người dân để tạo thành vùng sản xuất lúa hàng hóa có liên kết với doanh nghiệp quy mô gần 60 ha.

Ông Nguyễn Hữu Đa, một trong hàng trăm hộ dân ở xã Hợp Thành góp đất vào hợp tác xã chia sẻ: “Gia đình tôi, hai ông bà già trên dưới 70 tuổi, sức lao động không có, nếu sản xuất truyền thống thì không thể kham nổi. Nhưng khi thực hiện góp 5 sào đất, được hợp tác xã lo hết khâu, từ giống, làm mạ khay, làm đất, cấy, gặt và bao tiêu sản phẩm, người dân chỉ tham gia vào các khâu cuốc góc, phát bờ, lấy nước, đưa lúa từ bờ nhỏ lên bờ lớn khi thu hoạch, nhờ đó chúng tôi vừa khỏe sức, vừa có giá trị tăng thêm khoảng 2,5 triệu đồng/5 sào”.

Ở xã Diễn Phong (Diễn Châu), thực hiện Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, đất nông nghiệp hiện cơ bản được quy về thành ô thửa lớn hơn so với trước đây. Bình quân 2 - 3 sào/ô thửa và hộ đất ít thì 1 thửa với diện tích 2 sào; hộ nhiều thì 2 - 3 thửa với diện tích 5 - 6 sào. Bên cạnh dồn điền, đổi thửa thành ô thửa lớn, một số cá nhân cũng đã mạnh dạn tích tụ theo hình thức thuê đất của những hộ dân không có nhu cầu sản xuất để làm nhà lưới, có diện tích 3.000 - 4.000 m2/mô hình. Điển hình như mô hình nhà lưới của ông Trần Đức Tiến được tích tụ trên cơ sở thuê đất của 2 hộ dân không có nhu cầu sản xuất để trồng dưa lưới, cà chua leo giàn, rau thủy canh, măng tây. Chỉ tính riêng dưa lưới, mỗi năm 3 vụ đã thu gần 300 triệu đồng/2.500 m2.

Mô hình nhà lưới ở xã Nam Anh (Nam Đàn) xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu), xã Hưng Thành (Hưng Nguyên); Phát triển kinh tế trang trại ở xã Bảo Thành (Yên Thành). Ảnh: Mai Hoa

Theo chia sẻ của ông Quế Văn Duyên - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Diễn Phong, Hợp tác xã cũng đang tích tụ thông qua liên kết một số doanh nghiệp để tạo thành vùng sản xuất có quy mô, gồm 10 ha khoai tây cung cấp cho Công ty Orion ở phía Bắc (dự kiến vụ đông xuân tới làm 50 ha); 10 ha ớt cay cho một doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa; sản xuất ngô ngọt, ngô nếp cung cấp cho một số cơ sở sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu trong năm 2021 này sẽ tích tụ thông qua liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đạt 50% trong tổng 160 ha màu trên địa bàn xã.

Tích tụ ruộng đất, thực tiễn ở Nghệ An đang diễn ra nhiều hình thức. Hình thức đơn giản nhất là dồn điền, đổi thửa của các hộ nông dân và dồn đất do xã quản lý về một vùng để tổ chức, cá nhân thuê làm trang trại, gia trại. Một hình thức khác là tích tụ thông qua cho thuê, mượn đất giữa tổ chức, cá nhân có nhu cầu sản xuất với người nông dân có đất nhưng không có nhu cầu sản xuất. Đây đang là hình thức tích tụ với hàng nghìn mô hình thực hiện có quy mô 2 ha trở lên và tập trung tại các huyện Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa…

Hình thức tích tụ nữa là thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp với người dân thông qua hợp tác xã để sản xuất một sản phẩm nông nghiệp theo đơn đặt hàng, tạo chuỗi giá trị, từ khâu giống, sản xuất, thu hoạch, chế biến, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Đó còn là tích tụ thông qua giao đất, cho thuê đất để doanh nghiệp triển khai các dự án sản xuất nông, lâm nghiệp (tích tụ theo hình thức mua bán, chuyển nhượng đất nông, lâm nghiệp).

Huyện Nghĩa Đàn có hơn 50% diện tích mía được áp dụng cơ giới hóa ở các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch. Ảnh: Mai Hoa

Theo tổng hợp từ Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 580 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02 với diện tích từ trên 1 ha đến hàng trăm ha. Số dự án cấp mới chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh là 42 doanh nghiệp với tổng hơn 23.465 ha.

Tìm một hướng đi phù hợp

Mục tiêu tích tụ ruộng đất nhằm áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng KHCN, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tăng hiệu quả kinh tế. Và chủ trương tích tụ, tập trung đất đai đã được tỉnh và các địa phương đặt ra từ nhiều năm nay, tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa được như mong muốn. Nguyên nhân, theo ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, một số cán bộ và một bộ phận nông dân chưa có tầm nhìn về vai trò sản xuất giá trị gia tăng cao, dẫn đến việc tích tụ ruộng đất khó khăn. Bên cạnh đó, đất đã được chia ổn định 50 năm cho người nông dân và tâm lý của họ là muốn giữ đất dù không có nhu cầu sản xuất. Bởi vậy, thời gian tới, huyện sẽ tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người nông dân về sản xuất nông nghiệp quy mô lớn để đồng hành với cấp ủy, chính quyền trong các chủ trương, trong đó có tích tụ ruộng đất.

Và hướng đi trong tích tụ ruộng đất của huyện sẽ tập trung theo hình thức góp đất của các hộ nông dân cho tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất. Hình thức này vừa giữ đất cho nông dân, đồng thời người nông dân cũng được tham gia vào một số khâu sản xuất, tiếp thu được quy trình sản xuất nông nghiệp mới, chứ không đứng ngoài cuộc và về phía các tổ chức, cá nhân đứng ra đảm nhận đầu tư cũng giảm được một phần kinh phí thuê nhân công và tinh thần trách nhiệm của người nông dân.

Mô hình trang trại trồng chè chất lượng cao ở Anh Sơn. Ảnh tư liệu: Hoàng Vĩnh

Cũng đề cập đến khó khăn, ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho rằng, hiện nay, từ Trung ương đến tỉnh chưa có định hướng, quy định cụ thể về hình thức, cách thức tích tụ cụ thể; đối tượng nào được tích tụ; quyền lợi của tổ chức, cá nhân sau tích tụ như thế nào (gồm thời gian được sử dụng đất tích tụ, quyền sử dụng đất được tích tụ). Bởi để đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn thì ngoài tích tụ ruộng đất thì tổ chức, cá nhân phải đầu tư mua sắm các phương tiện máy móc cơ giới hóa, phải có nhà xưởng bảo quản, chế biến sản phẩm và chuỗi tiêu thụ… Đó là vấn đề cần được nghiên cứu và có định hướng cụ thể, tránh lúng túng cho các địa phương trong vấn đề tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp và gây khó khăn ảnh hưởng đến công tác quản lý về đất nông nghiệp.

Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục chủ trương khuyến khích tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất chuyên canh tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo hướng hiện đại có hiệu quả cao và bền vững.

Để hiện thực hóa chủ trương đó, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện sở đã nghiên cứu để định hướng cho các huyện tích tụ theo hình thức góp đất, cho thuê đất. Đây là hình thức mang tính khả thi cao, đồng thời, đáp ứng được nhu cầu giữ đất - tư liệu sản xuất nông dân; còn hình thức tích tụ thông qua mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp đòi hỏi doanh nghiệp, cá nhân phải có tiềm lực kinh tế mạnh mới làm được; hay tích tụ thông qua liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân thì vấn đề đặt ra là câu chuyện “chung thủy” giữa doanh nghiệp đối với người nông dân và ngược lại; hình thức cho mượn đất thì không bền vững, bởi người nông dân có thể lấy đất lại bất cứ lúc nào khi họ muốn.

Ông Nguyễn Văn Đệ cũng cho rằng, việc thuê đất để sản xuất nông nghiệp hiện nay cũng không phải vấn đề dễ dàng đối với các tổ chức, cá nhân do vốn đầu tư nông nghiệp cao và sản xuất nông nghiệp dễ rủi ro. Bởi vậy, hiện tại sở đang xây dựng chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân thuê đất để phát triển nông nghiệp trình HĐND tỉnh thời gian tới.

Đồng lúa ở xã Phúc Thành (Yên Thành). Ảnh tư liệu: Sách Nguyễn