Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nông sản mau hỏng tại các địa phương do dịch Covid-19, dẫn đến việc hàng hóa bị mắc kẹt, nhiều mặt hàng nông sản tại các khu vực sản xuất lớn không được lưu thông kịp thời đã bị hư hỏng, buộc phải tiêu hủy...
Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Đường bộ đã triển khai cấp được 546.000 Giấy nhận diện phương tiện có mã QRCode tại 63 Sở GTVT các tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, theo bà Hiền, hiện nay một số địa phương vẫn chưa thống nhất về danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông trong điều kiện dịch bệnh. Nhiều địa phương chưa thống nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong việc sử dụng kết quả test nhanh hay PCR cho lái xe, thời gian có hiệu lực của Giấy chứng nhận xét nghiệm. Chưa kể có hiện tượng giả mạo Giấy chứng nhận mã QRCode luồng xanh để tham gia giao thông, lợi dụng để chở người, hàng hóa không đúng với đăng ký nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng và việc tẩy xóa để thay đổi thời gian trên Giấy chứng nhận xét nghiệm. Đồng thời có hiện tượng “cò” dịch vụ làm thẻ luồng xanh cạnh tranh khách hàng với hệ thống đăng ký luồng xanh toàn quốc; một số xe khách lợi dụng việc chở hàng cứu trợ để qua chốt kiểm soát.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thì thông tin, thời gian vừa qua, Bộ NN&PTNT đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt ở phía Bắc và phía Nam, riêng tổ công tác phía Nam đã thiết lập được hơn 1.000 đầu mối tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, nhiều trường hợp phương tiện được tỉnh này cấp giấy xác nhận hoạt động nhưng lại không được lưu thông trên địa bàn tỉnh khác nên đã buộc phải quay về, gây ùn ứ, bức xúc trong các đơn vị kinh doanh vận tải, đội ngũ lái xe. Điều này khiến cho một số chuỗi sản xuất bị đứt gãy, nhất là các khu vực nuôi trồng thủy sản, trang trại chăn nuôi đã đến kỳ thu hoạch nhưng do vận chuyển khó khăn nên không thể phân phối đến tận tay người tiêu dùng. Trong khi đó, người dân ở các thành phố lớn thì đang thiếu thực phẩm.
Ông Tiến cũng đề xuất, các tỉnh cần phải có văn bản chỉ đạo thống nhất từ tỉnh, huyện, xã, tránh việc phát sinh nhiều giấy phép con, ảnh hưởng đến quá trình lưu thông của hàng hóa.
Về phía lĩnh vực thương mại, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương thống nhất với quan điểm cần rà soát lại các văn bản chỉ đạo nhằm thống nhất theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ của đại diện Bộ GTVT và Bộ NN&PTNT. Ông Đông cho rằng, hàng nào cũng là hàng hóa thiết yếu, trừ hàng quốc cấm, nhưng nhiều địa phương vẫn có sự hiểu biết khác nhau. Hơn nữa, điều kiện thủ tục, giấy tờ để đi qua các địa phương chưa thống nhất. Một số địa phương không chấp nhận kết quả xét nghiệp PCR của địa phương khác mà bắt buộc phải xét nghiệm lại khi đặt chân đến địa phương mình, điều này khiến cho hành trình đi lại, vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp kéo dài.
Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện các bộ, chính quyền các địa phương, kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện tại tất cả các tuyến đường không còn phân biệt luồng xanh, luồng vàng nữa, nơi nào có đường thì các phương tiện đều được phép đi, chỉ cần phương tiện có mã QRcode sẽ được lưu thông, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác hậu kiểm.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị các địa phương sớm thống nhất về công tác phòng, chống dịch trong hoạt động vận tải. Thống nhất quy định và hướng dẫn thực hiện các quy trình, thủ tục kiểm soát người và phương tiện vận tải lưu thông trên các địa bàn. Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp vận chuyển nông sản đến các cửa khẩu và giữa các vùng, miền trong thị trường nội địa. Các địa phương cũng cần lên phương án ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho đội ngũ lái xe, những người thường xuyên đi lại để hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Tại Nghệ An, tính đến thời điểm hiện tại, Sở GTVT đã tiếp nhận 14.342 hồ sơ cấp Giấy chứng nhận ưu tiên hoạt động trên luồng xanh, trong đó, đã phê duyệt và cấp Giấy chứng nhận kèm mã QRcode cho 11.698 phương tiện, đã từ chối cấp Giấy chứng nhận đối với 2.408 phương tiện không đủ điều kiện và đang chờ phê duyệt đối với 236 trường hợp.