Làm giàu từ đất
Từ gần 10 năm nay, ông Hồ Sỹ Quảng trở thành “người nổi tiếng” không chỉ ở xã Thọ Thành, huyện Yên Thành bởi tư duy làm ruộng khác người, không theo lối mòn “truyền thống”.
Sau 12 năm sống ở nước ngoài, về quê, gặp dịp xã mới thực hiện xong dồn điền, đổi thửa, ông xin nhận ngay vùng đất Rộc Dứa rộng 20 ha không có ai muốn nhận vì vừa xa lại vừa xấu.
Sản xuất tập trung, đồng bộ đã đem lại lợi nhuận đáng kể trên cánh đồng của ông Hồ Sỹ Quảng. Ảnh: Phú Hương Nhớ lại, ông kể: Tôi đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng, cải tạo hệ thống kênh mương dẫn nước, phá bỏ bờ ruộng cũ manh mún, làm đường nội đồng… Bằng cách đưa giống mới tiến bộ, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, vùng đất không ai nhận ngày xưa đã cho năng suất tới 4 tạ lúa/sào/vụ, trong khi chi phí và giá thành giảm hẳn so với lối sản xuất thủ công.
Từ năm 2013 - 2016, ông ký hợp đồng với Công ty Giống cây trồng Bắc Giang sản xuất lúa giống, thu về trên 1 tỷ đồng lãi ròng/năm. Hiện tại, ông đang sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao Hương Việt 3, HN6 theo đơn đặt hàng của Công ty TNHH Khang Long (Thái Bình), riêng vụ xuân năm 2019, đã thu lãi gần 600 triệu đồng.
“Nhờ sản xuất đồng bộ, thống nhất, nên quản lý sâu bệnh và chăm sóc đều dễ hơn, năng suất tăng bình quân từ 15 - 20% trong khi chi phí giảm khoảng 25% so với sản xuất manh mún. Sau khi thu hoạch, doanh nghiệp thu mua thóc tươi ngay tại ruộng với mức giá bằng thóc đã phơi khô. Từ lợi ích thấy rõ, các hộ dân xung quanh đã hợp tác với tôi, cùng sản xuất và bán sản phẩm cho công ty, với diện tích hơn 10 ha nữa”
Ông Hồ Sỹ Quảng
Thu hoạch lúa trên cánh đồng của xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Tư liệu Trên địa bàn huyện Yên Thành hiện nay, có khoảng gần 20 cá nhân đứng ra thuê đất để sản xuất nông nghiệp tập trung.
Theo ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, hầu hết đều có quy mô vài ha trở lên, nhiều người thuê, mượn cả chục ha nhưng phần nhiều chỉ mới ở một vụ hè thu, khi nông dân không sản xuất. Toàn huyện hiện có gần 700 trang trại và gia trại, trong đó gần 100 trang trại sản xuất tập trung, hiệu quả.
Nhìn rộng ra, xu hướng tích tụ ruộng đất, phát triển kinh tế trang trại, tập trung đang là tất yếu trong phát triển nông nghiệp. Nghệ An hiện có gần 80 trang trại có hợp đồng với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đầu vào; gần 20 trang trại có hợp đồng với doanh nghiệp gia công sản phẩm; trên 100 trang trại có hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, các trang trại cũng rất chú trọng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các HTX. Đây đều là những mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất hiệu quả cần được quan tâm phát triển trong thời gian tới.
Rào cản
Xóm 10, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên có 20,5 ha ruộng thì vụ hè thu năm nay có tới trên 8,5 ha ở vùng Đồng Lời bị bỏ hoang vì không có nước cấy. Thế nhưng theo ông Lê Văn Toản, Xóm trưởng xóm 10, nếu có cá nhân hoặc doanh nghiệp muốn thuê đất cũng sẽ rất khó khăn vì người dân vẫn còn tư tưởng giữ đất, sợ mất đất, thậm chí sợ người thuê sẽ khai thác không đúng cách làm hư ruộng của mình.
Nhất là hầu hết bà con vẫn sản xuất vụ xuân để lấy lương thực, chỉ bỏ hoang ruộng vụ hè thu nên việc vận động khá khó khăn. “Đặc biệt, nhiều hộ dân sẽ có nhiều yêu sách, nhiều điều kiện, khó thống nhất, chỉ cần một hộ không đồng ý là đã khó”, ông Lê Văn Toản thẳng thắn bày tỏ. “Nếu doanh nghiệp vào, phải ký hợp đồng cụ thể, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu đất vẫn là của mình thì mới có khả năng”.
Cánh Đồng Lời của xóm 10 xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên thành nơi chăn thả trâu bò. Ảnh: Phú Hương Được biết đến là một “doanh nghiệp nông nghiệp” khá nổi tiếng ở huyện Yên Thành, Công ty TNHH KHCN Vĩnh Hòa hiện có trên 100 ha đất sản xuất lúa ở 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu. Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Hòa - Giám đốc công ty, để có và “giữ” được diện tích này cũng khá khó khăn. “Hầu hết đều là đất công ích, xấu và xa không ai nhận.
Để có thể đưa vào sản xuất lúa, mỗi vùng đất từ 5 - 7 ha trở lên đều phải bỏ vào không dưới 1 tỷ đồng cải tạo lại hệ thống hạ tầng. Thế nhưng, lại chỉ được ký hợp đồng thuê 5 năm một, rất bấp bênh nên không dám đầu tư sâu thêm dù nhu cầu và khả năng đều có. Hiện một số huyện khác cũng đang kêu gọi tôi vào thuê đất sản xuất nhưng tôi vẫn chưa dám quyết.
Bên cạnh đó, nếu muốn thuê đất của người dân, cũng rất khó khăn vì “trăm người trăm ý”, cực kỳ khó thống nhất và tập trung, trong khi với xu hướng hiện nay, việc nông dân bỏ ruộng không sản xuất sẽ ngày càng nhiều.
Vì vậy, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng như không bỏ phí đất, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính, đóng vai trò trung gian, kết nối giữa hai bên, đồng thời quan tâm tuyên truyền để cả doanh nghiệp và người dân hiểu rõ các quy định, chính sách trong việc mượn và cho thuê đất”, ông Phan Văn Hòa bày tỏ.
Dự án Trồng sau rạch ứng dụng công nghệ cao được triển khai ở xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn. Ảnh: P.V
Những năm qua, Nghệ An đã có rất nhiều mô hình tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất. Trong đó, hiệu quả nhất là Nhà nước “gom đất” của các tập thể để cho doanh nghiệp thuê lâu dài, doanh nghiệp có toàn quyền tổ chức sản xuất. Hình thức này hoàn toàn đáp ứng được điều kiện ứng dụng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất, thậm chí đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, điển hình như Tập đoàn TH.
Tuy nhiên, cũng chỉ có thể phát triển ở một giới hạn nhất định vì phải dành nguồn đất đai cho người dân.
Hình thức thứ hai là các trang trại và gia trại thuê đất công ích của địa phương, nhận đất 64. Tuy có quy mô khá lớn, áp dụng được cơ giới hóa đồng bộ, nhưng bất cập nhất là không có tư cách pháp nhân về đất đai, khi xảy ra tranh chấp sẽ rất phức tạp, người thuê đất cũng không dám mạnh dạn đầu tư thực sự. Thứ ba, các hộ dân sẽ tự thỏa thuận cho thuê, mượn đất của nhau ở từng vụ hoặc thời gian dài hơn.
Vụ hè thu năm nay xóm Phú Vinh, Đô Thành (Yên Thành) bỏ hoang 100% diện tích đất lúa. Ảnh: Phú Hương
Có thể khẳng định, việc thuê, mượn nhằm tập trung và tích tụ ruộng đất đã đem lại hiệu quả kinh tế rất rõ. Nhưng “rào cản” lớn nhất, đó là người nông dân phần lớn vẫn còn tư tưởng “giữ đất”, dù không làm ruộng vẫn cần ruộng, hoặc để lại cho con cháu, hoặc có nơi dành để nhận đền bù khi có dự án, thậm chí bà con còn sợ mất hẳn ruộng khi cho doanh nghiệp hoặc cá nhân khác cho thuê, mượn. Trong khi đó, hành lang pháp lý chưa rõ ràng và đầy đủ, chưa có các quy định cụ thể về vấn đề cho thuê, cho mượn đất đã gây những trở ngại không nhỏ cho cả người muốn thuê và người cho thuê đất.
“Cùng với nỗ lực của Nhà nước đang tập trung đưa ra những thay đổi phù hợp trong vấn đề đất đai, thì các ngành liên quan và các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề này. Chính quyền địa phương, nhất là cấp xã phải luôn quan tâm, đồng hành, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, cá nhân đứng ra thuê đất sản xuất tập trung, tránh lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp”
Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT