Vòng xoáy khủng hoảng
Theo tờ New York Times, hôm 16/11, cơ quan lập pháp của Peru đã bầu ra vị tổng thống thứ ba của nước này trong vòng 1 tuần lễ, với mong muốn qua đó sẽ tìm cách ngăn được các cuộc biểu tình ngày càng tăng trên đường phố nhằm phản đối quyết định của giới lập pháp khi phế truất một tổng thống được lòng dân hồi tuần trước. Phát biểu trước toàn thể đất nước, nhà lãnh đạo mới nhất của Peru là Francisco Sagasti đã hứa hẹn sẽ giúp đất nước thoát khỏi những đắng cay và “hướng tới thời khắc hạnh phúc, hy vọng”.
Nhưng như đã nói, quyết định bổ nhiệm ông Sagasti - một kĩ sư, nhà lập pháp “chân ướt chân ráo” và có thiên hướng học thuật - làm tân tổng thống điều hành đất nước không được dư luận trông đợi sẽ ngay tắp lự kìm lại cơn thịnh nộ của dân chúng đối với giới lập pháp của nước này.
Trên thực tế, không ít người đang sinh sống tại Peru đánh giá các nhà lập pháp sở tại là dễ bị mua chuộc, tham nhũng, và có trách nhiệm làm tăng thêm tình thế rối ren về chính trị cho các cuộc khủng hoảng sẵn có trong lĩnh vực kinh tế và y tế mà đất nước nằm ở phía Tây Nam Mỹ vốn đã phải đương đầu.
Giờ đây, vấn đề mà người dân Peru đối mặt vẫn là một Quốc hội vừa không được lòng dân, vừa non nớt kinh nghiệm phải gánh trên vai trọng trách đưa đất nước vượt qua khỏi những tình thế hiểm nghèo trên.
Những căng thẳng chính trị của Peru bùng phát thành xung đột công khai hồi tuần trước, khi Quốc hội viện dẫn một điều khoản hiến pháp cũ để phế truất Martín Vizcarra, vị tổng thống được nhiều người dân yêu mến chỉ vỏn vẹn 5 tháng trước các cuộc bầu cử mới, với lý do “không đủ năng lực đạo đức”.
Ông Vizcarra chiếm được sự ủng hộ của đa số người dân Peru, nhưng lại là “cái gai” đối với phần lớn giới lập pháp, khi ông là người dẫn dắt những nỗ lực nhằm thanh sạch giới cầm quyền khét tiếng nhũng nhiễu tại nước này. Dưới thời ông, khoảng một nửa Quốc hội nằm trong diện bị điều tra các tội danh bao gồm hối lộ và rửa tiền.
Sự kiện ông Vizcarra đột ngột bị tước quyền, và tổng thống mới là Manuel Merino - người đứng đầu Quốc hội, nhanh chóng tuyên thệ nhậm chức, trám chỗ trống đã khiến người dân Peru vốn dĩ hiện đang phải gánh chịu tổn thất do suy thoái kinh tế nghiêm trọng, cùng với tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thuộc loại cao nhất thế giới, thì nay số phận lại nằm trong tay một nhà lãnh đạo ít được biết đến và chưa gây dựng được nhiều lòng tin.
Lẽ dĩ nhiên, dân chúng thể hiện cơn giận bằng cách ùa xuống đường, và ông Merino từ chức sau chưa đầy 6 ngày tại nhiệm. Đáng buồn nữa là ít nhất 2 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình diễn ra cuối tuần qua.
Ly cocktail sai vị
Ông Sagasti tuy không được nhiều người dân Peru biết đến nhưng lại nằm trong số ít ỏi những chính khách bỏ phiếu phản đối phế truất ông Vizcarra vào tuần trước. Điều này có thể giúp ông giành được ưu ái hơn trong con mắt của nhiều người Peru.
Song kể cả vậy thì ông hiện vẫn phải đối diện với nhiệm vụ khó khăn là làm việc với Quốc hội - cơ quan đơn viện gồm 130 thành viên, hầu hết là những người lần đầu làm nghị sỹ. Khoảng 68 trong số 130 nhà làm luật này hiện đang bị điều tra vì các hoạt động bao gồm gian lận và các hình thức tham nhũng khác. Một nhà lập pháp thậm chí còn bị cáo buộc tội danh giết người, và phiên tòa xét xử dự kiến sẽ diễn ra cuối tháng này. Trong khi đó, một người khác lại bị buộc tội chạy đua tranh cử bằng tên giả để che đậy rắc rối pháp lý gặp phải trong quá khứ.
Chưa hết, một nghị sỹ khác đã trở thành đề tài bàn luận trên các tít báo trong tuần này, không lâu sau khi ông Vizcarra bị phế truất, khi bà buột miệng nói rằng mình sẽ tiếp tục làm việc “ủng hộ tham nhũng”, dù sau đó đã nhanh chóng chữa lại rằng bà sẽ làm việc chống lại sai phạm.
Theo Hugo Nõpo, một nhà nghiên cứu cấp cao tại nhóm chuyên gia nghiên cứu Grade có trụ sở tại Lima, Quốc hội của Peru đã trở thành “một ly cocktail Molotov”, được tạo nên từ những nguyên liệu không ổn định trộn lẫn với nhau từ những năm tháng chính sách sai lầm.
“Nguyên liệu” đầu tiên theo ông Nõpo, là một hệ thống đảng phái yếu kém và phân tán, khuyến khích các chính trị gia “nhảy” từ liên minh này sang liên minh khác chỉ để phù hợp với lợi ích của bản thân, chứ không phải tuân theo ý thức hệ.
Điểm thứ hai là sự thiếu hụt những giới hạn nghiêm ngặt đối với việc tài trợ cho chiến dịch tranh cử, do đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp rót tiền vào các ứng viên và mua tầm ảnh hưởng. Và thứ ba là một cuộc thăm dò dư luận hồi năm 2018, được các cử tri thông qua, theo đó giới hạn thời gian phụng sự của quốc hội trong một nhiệm kỳ duy nhất.
Biện pháp cuối cùng này được đưa ra với ý đồ giúp bỏ đi những chủ thể xấu khỏi các hoạt động chính trị. Nhưng như phân tích của ông Nõpo thì thay vì làm vậy, những người hiện đang tại nhiệm “có ít động lực để tạo ra sự ổn định hoặc đưa ra những đánh giá tốt đẹp hơn. Thực tế, họ hiện có thêm động lực để ăn cắp nhanh hơn”.
Còn với Alexandra Ames, một chuyên gia phân tích chính trị tại Lima, thì những sự kiện trong vài ngày qua chỉ là hiện tượng của một vấn đề quy mô hơn. Bà khẳng định: “Sự bấp bênh trong hệ thống bầu cử và các đảng phái chính trị đã đưa chúng ta tới chỗ khủng hoảng lâu dài về tính chính danh”.
Trong 4 năm qua, đất nước này đã chứng kiến 5 âm mưu phế truất tổng thống, 1 nỗ lực giải tán quốc hội thành công, và trải qua 4 đời tổng thống. Một phần của vấn đề, theo bà Ames, nằm ở chỗ luật pháp Peru cho phép bất cứ người nào cũng có thể chạy đua vào quốc hội, không hề có quy định hạn chế nào dựa vào hồ sơ tiền án tiền sự. Một khi đắc cử, các nhà lập pháp giành được quyền miễn trừ truy tố. Còn hiện nay, khi chỉ có 1 nhiệm kỳ, giới lập pháp có đầy đủ mọi động cơ để dùng thời gian eo hẹp họ có để thúc đẩy thông qua các chương trình nghị sự mang màu sắc cá nhân thay vì điều hành đất nước. “Những động cơ đều rất ngắn hạn và mang tính vị kỷ”, bà nói.
Tòa Hiến pháp Peru, nơi được xem là cung cấp tuyến phòng thủ cuối cùng trong những thời khắc khủng hoảng chính trị, thì lại giữ yên lặng trong suốt những trận chiến trên chính trường suốt nhiều tuần qua. Lý do, như phân tích của bà Ames, là bởi các thành viên của tòa cũng do Quốc hội bầu ra.
Nhìn lại chuỗi sự việc trong vài ngày trở lại đây, có lẽ điều đáng chú ý nhất là dường như các chính khách đã thực sự lắng nghe ý kiến từ phía người biểu tình. Nhiều người trong số họ còn rất trẻ, bị mất việc hoặc buộc phải nghỉ học trong bối cảnh đại dịch Covid. Có thể lòng tin của những người trưởng thành Peru dành cho Quốc hội của họ đã và đang dần mai một, nhưng có lẽ vẫn còn cơ hội để cơ quan lập pháp gây dựng và củng cố niềm tin trong cộng đồng người trẻ tuổi, nếu kịp thời sai đâu sửa đó. Nhưng dĩ nhiên, đây là điều không hề đơn giản, và ông Sagasti sẽ phải đau đầu gỡ rối mớ bòng bong này trong những ngày sắp tới.