Giữa lúc “hỗn loạn”
Bất chấp cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, Chính phủ Anh cho biết, sẽ bổ sung 24,1 tỷ bảng Anh cho quân đội nước này trong 4 năm tới, cao hơn nhiều so với mức 16,5 tỷ bảng cam kết trước đó. Với quyết định này, ngân sách quốc phòng của Anh trong những năm tới sẽ chiếm 2,2% GDP, cao hơn mức 2% mà Mỹ yêu cầu các nước thành viên NATO thực hiện. Anh cũng sẽ là thành viên có ngân sách quốc phòng lớn nhất châu Âu và thứ 2 trong liên minh quân sự NATO, sau Mỹ. Vậy điều gì khiến Anh đưa ra quyết định táo bạo trong lĩnh vực quốc phòng ở vào thời điểm hầu hết các quốc gia khác tập trung phục hồi kinh tế hay đầu tư y tế công cộng?
Trước hết, theo lý giải của Thủ tướng Johnson, thế giới đang trong bối cảnh nguy hiểm nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. “Tất cả mọi thứ tại Anh, từ việc làm, việc kinh doanh cho đến việc ăn uống, mua sắm, đều phụ thuộc vào những yếu tố an ninh nhỏ nhất”, ông Johnson nhấn mạnh. Đây có vẻ là những kiến giải hợp lý, bởi nước Anh giờ đã “đứng ngoài” mái nhà chung EU. Đã đến lúc quốc gia này thúc đẩy các chính sách an ninh theo hướng đi của riêng mình.
Thứ hai, những thách thức về chính trị nội tại cũng có thể là một phần trong tính toán của ông chủ số 10 phố Downing. Trong lúc đang đối mặt với những chỉ trích về việc xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19, ông Johnson muốn duy trì sự ủng hộ ở các quận phía Bắc nước Anh mà ông đã giành được khỏi đảng Lao động và cũng để duy trì sự ủng hộ nhiều nhất có thể từ các nghiệp đoàn ở phía Bắc biên giới Scotland. Việc tăng cường khả năng phòng thủ quân sự được cho sẽ làm hài lòng các thành viên trong đảng Bảo thủ của ông Johnson, đồng thời là một cách tuyệt vời để chứng minh ưu tiên của ông nằm ở đâu.
Thứ ba, ngoài ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng, trong kế hoạch tăng ngân sách có ưu tiên đến việc đóng mới 12 tàu chiến cũng được ông Boris Johnson kỳ vọng sẽ là chất xúc tác gắn kết các vùng lãnh thổ của Vương quốc Anh khi làm sống lại ngành công nghiệp đóng tàu vốn từng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế tại các vùng Scotland và xứ Wales. Quyết định cũng được xem là xoa dịu sự phẫn nộ của nhiều chính trị gia và dân chúng Scotland sau phát biểu cách đây vài ngày của ông Boris Johnson, rằng tiến trình trao dần thêm quyền lực cho Scotland là một “thảm họa”.
Hiện tại, làn sóng đòi ly khai khỏi Vương quốc Anh tại Scotland đang tăng cao trở lại sau khi diễn ra sự kiện Brexit năm 2016 và việc chính phủ của ông Boris Johnson xử lý yếu kém đại dịch Covid-19. Đảng Dân tộc Scotland cầm quyền tại vùng này thời gian qua đang ráo riết vận động và gây sức ép buộc Chính phủ Vương quốc Anh cho phép tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 về độc lập.
Thứ tư, ông Johnson cũng cần xây dựng mối quan hệ với tổng thống sắp tới của Mỹ. Ngay sau khi truyền thông Mỹ “xướng tên” ông Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ 4 năm tới, Thủ tướng Anh đã gửi lời chúc mừng và cam kết “Vương quốc Anh tiếp tục là một đồng minh quân sự có giá trị của Mỹ”. Nếu Joe Biden nhậm chức vào tháng Giêng, nước Anh sẽ chứng minh cho nhà lãnh đạo của Mỹ thấy Anh là một đối tác quân sự đáng tin cậy và được trang bị tốt. Trong kế hoạch ngân sách mới, Anh cũng dành ra một khoản tiền phân bổ cho các nỗ lực nghiên cứu chung giữa Mỹ và Anh, được gọi là “thế hệ tiếp theo”, tập trung vào các dự án như tên lửa siêu thanh và vũ khí năng lượng định hướng.
Vai trò toàn cầu mới
Mục đích lớn nhất của Chính phủ Anh trong việc đưa ra kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng là tìm kiếm vai trò toàn cầu mới trong bối cảnh Anh rời khỏi EU. Trong nhiều thập niên, Anh cùng Pháp là các đồng minh chiến trường chính của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Nhưng cuộc trưng cầu tách khỏi EU vào năm 2016 đã khiến vai trò toàn cầu của London trở nên không chắc chắn. Đúng thời điểm ấy, Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra nghi ngờ về giá trị trong mối quan hệ với các đồng minh truyền thống.
Rõ ràng, việc gia tăng ngân sách quốc phòng giúp Anh duy trì vị thế của mình như một cường quốc quân sự tầm trung bên cạnh các quốc gia như Pháp, Đức và Nhật Bản, nhưng vẫn đi sau Mỹ và Trung Quốc. Anh dự kiến sẽ tập trung chi tiêu vào các lĩnh vực công nghệ hàng đầu, bao gồm năng lực mạng và không gian, trong khi giải quyết các điểm yếu về vũ khí phòng vệ. Ông Johnson cũng sẽ công bố cơ quan mới chuyên trách về trí tuệ nhân tạo (AI), thành lập Lực lượng An ninh mạng quốc gia và một bộ tư lệnh không gian với năng lực phóng tên lửa đầu tiên vào năm 2022. Trong khi đó, gần 6 tỷ bảng Anh sẽ được đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển trong quân đội, bao gồm việc nâng cấp các hệ thống vũ khí trên không.
Tuy nhiên, trọng tâm trong kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lần này của Vương quốc Anh sẽ là các đầu tư ồ ạt cho Hải quân. Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố, Anh sẽ khôi phục địa vị là Hải quân mạnh nhất châu Âu thông qua kế hoạch đóng mới 12 tàu khu trục, đồng thời phát triển thế hệ tàu chiến mới. Giới quan sát khu vực gọi đây là “món quà Giáng sinh sớm của Hải quân Hoàng gia Anh”.
Trong khi đó, Thủ tướng Johnson cũng xác nhận kế hoạch triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Ấn Độ Dương và Đông Á vào năm tới, như một phần của đợt triển khai hoạt động tầm xa đầu tiên. Ý định chiến lược của London đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ được hiểu rõ hơn khi Chính phủ Anh công bố bản Đánh giá tổng hợp về chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh vào đầu năm tới.
Tuy nhiên, căn cứ vào những thông tin đã có được, giới quan sát suy đoán Anh sẽ cho một tàu sân bay triển khai qua vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương mỗi năm 1 lần hoặc thực tế hơn là 2 năm 1 lần. Cũng có khả năng, một khu trục hạm của Anh có thể được triển khai tới châu Á trên cơ sở lâu dài hơn. Mô hình này đã được hải quân Anh sử dụng ở Bahrain, vùng Trung Đông, nơi chiếc HMS Montrose đặt căn cứ trong thời hạn 3 năm.
Tất cả những điều này nhằm đảm bảo nước Anh hậu Brexit sẽ đóng vai trò một “người chơi chính” trên bàn cờ địa chính trị thế giới. Thủ tướng Johnson muốn biến khẩu hiệu “Nước Anh toàn cầu” thành hiện thực, trước mắt sẽ là sự lớn mạnh trong năng lực quốc phòng, đảm bảo sự hiện diện về an ninh của London ở các khu vực chiến lược của thế giới.