Sáng 14/8, Ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đảng toàn quốc lần thứ XII; 5 năm thực hiện Nghị quyết  số 26/NQ/TW của Bộ Chính trị về Nghệ An lĩnh vực Quốc phòng - An ninh.

bna_toan_canh_21229376_1482018.jpgĐồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy tham dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự có đại diện Ban cán sự Đảng UBND tỉnh; Đảng ủy Công an, Đảng ủy Quân sự; Đảng ủy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát PC&CC tỉnh cùng đại diện các ngành: Viện KSND, Tòa án, Cục Thi hành án dân sự; Thanh tra tỉnh; Ban Tôn giáo, Cục Hải quan, Chi cục Kiểm lâm, Chi cục QLTT, Sở Tư pháp… và Bí thư 21 huyện, thành, thị.

Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Ban Nội chính cho biết, qua 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Đảng toàn quốc lần thứ XII, 5 năm thực hiện Nghị quyết  số 26/NQ/TW của Bộ Chính trị, tình hình an ninh chính trị trong tỉnh tiếp tục được giữ vững, tốc độ tăng trưởng GRDP năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực. Nghệ An là tỉnh đứng đầu cả nước về xã đạt chuẩn Nông thôn mới (181/431 xã).

Tỉnh đã tổ chức tốt xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, tuyến biên giới, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các đối tượng phản động. Không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập, không để xảy ra hoạt động khủng bố, phá hoại, đấu tranh triệt xóa nhiều ổ, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy số lượng lớn, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm kinh tế, chức vụ, môi trường… Tình hình an ninh nội bộ, văn hóa, tư tưởng, an ninh nông thôn, đô thị, an ninh kinh tế cơ bản ổn định.

Hội nghị cũng đánh giá, tình hình an ninh trật tự xã hội tuy chưa có tổ chức phạm tội quy mô lớn hoạt động theo kiểu xã hội đen, nhưng xu hướng hình thành bạo lực, sử dụng băng nhóm gia tăng. Một số tội phạm xảy ra nhiều như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích; tội phạm ma túy còn phức tạp, tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ, môi trường còn tiềm ẩn lớn.

Lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh báo cáo về công tác xây dựng khu vực phòng thủ. Ảnh: P.B

Tình hình an ninh, trật tự có nơi, có lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp, nhất là an ninh tôn giáo, hoạt động của các tổ chức, đối tượng phản động, chống đối, tội phạm ma túy, vi phạm pháp luật trên lĩnh vực môi trường. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo có nơi chưa được quan tâm chỉ đạo đúng mức, giải quyết chưa triệt để, dẫn đến đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh kéo dài, vượt cấp vẫn còn xảy ra.

Chất lượng thanh tra, kiểm tra một số vụ việc chưa cao, số vụ việc chuyển xử lý hình sự còn ít, nhất là trên lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, khai thác tài nguyên, khoáng sản, ô nhiễm môi trường… Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở một số địa phương chưa vững mạnh, chưa huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị và nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Lãnh đạo Huyện ủy Quỳnh Lưu chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác giải quyết các vấn đề phát sinh ở những địa bàn đặc thù. Ảnh: P.B

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy đánh giá, công tác lãnh đạo của cấp ủy 2 cấp về công tác Quốc phòng  - An ninh khá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Tình hình QPAN trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cơ bản vững chắc. Các địa phương đã nắm chắc, dự báo, kiểm soát tốt tình hình trật tự an toàn xã hội trong thời gian qua dù là địa bàn hết sức phức tạp. Các giải pháp phòng ngừa đã được triển khai có hiệu quả với tinh thần toàn diện, chủ động.

Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế của một vài địa phương đang còn lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể về công tác QPAN, ANTT, có địa phương còn khoán trắng cho lực lượng công an, quân sự. Chậm xử lý vấn đề phát sinh, chưa kiểm soát được tình hình, phương châm xử lý còn lúng túng. Một số vấn đề tồn tại dài ngày mà chưa có phương pháp giải quyết triệt để. Một số vụ án, vụ việc dân sự, thi hành án kéo dài. Vì vậy, cần phải có giải pháp giải quyết rõ ràng, phù hợp mới dứt điểm được.

Nguyên nhân là ngoài vấn đề đặc thù của địa phương thì việc thực hiện phương thức lãnh đạo chưa đúng. “Phương thức lãnh đạo là hết sức quan trọng nhưng một số địa phương vẫn làm chưa tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Mình đi với dân, nghe dân thì nói dân nghe và hiểu lòng dân. Trách nhiệm và sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên là hết sức quan trọng”, Phó Bí thư Tỉnh ủy nói.

Đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong các cơ quan, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ Đảng. Ảnh: P.B

Trong thời gian tới, các địa phương, ngành cần làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình. Trong lãnh đạo phải tức thì, quyết đoán, chính xác. Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ, phải khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại cho cấp trên.

Những lĩnh vực, vấn đề dễ nảy sinh phức tạp thì phải xử lý nghiêm; trong việc huy động sức cần đúng quy định, phù hợp với khả năng đóng góp của người dân và cái quan trọng là sự đồng lòng tư tưởng của người dân. Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, tạo ra niềm tin yêu cho nhân dân trong quá trình tác nghiệp hàng ngày. Không né tránh các vấn đề sai phạm trong công tác cán bộ, tiêu cực.

Bên cạnh đó, cần phải chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính trong các cơ quan, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ Đảng.

“Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy là nếu phát hiện thì xử lý nghiêm, không bao che, không dung túng cho cá nhân nào. Chỉ đạo dứt điểm các vấn đề liên quan đến đất đai, xây dựng, thắt chặt công tác đấu giá đất, theo dõi, phát hiện những vụ án, đối tượng vi phạm trong quá trình đấu giá đất, đặc biệt là các địa bàn đặc thù", đồng chí Nguyễn Văn Thông khẳng định.