Cùng dự có các đồng chí: Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Về phía đầu cầu Nghệ An có đồng chí Lê Xuân Đại - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP về Công tác phòng, chống tội phạm; 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 25.806 vụ phạm pháp hình sự. Mặc dù giảm so với cùng kỳ 0,17% nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ với tính chất đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt là các loại tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao... Tỷ lệ điều tra khám phá án hình sự đạt 79,5%.
Về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Tuy những tháng đầu năm đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế đang diễn ra. Trong 6 tháng, các đơn vị chức năng đã phát hiện, bắt giữ xử lý 88.229 vụ việc vi phạm (giảm gần 2% so với cùng kỳ), thu nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 7.427 tỷ đồng, khởi tố 887 vụ, 889 đối tượng. Trong đó, xử lý hơn 5.000 các vụ vi phạm hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao những kết quả của Ban chỉ đạo 138 và Ban chỉ đạo 389 cùng các bộ, ngành địa phương đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2018.
Tuy nhiên, công tác phòng chống tội phạm, phòng chống buôn lậu còn những tồn tại, hạn chế như: Một số trường hợp nắm thông tin còn chậm, gây nên tình trạng mất an ninh trật tự, vẫn còn để xảy ra một số loại tội phạm nghiêm trọng; việc phát hiện và xử lý tham nhũng ở một số địa phương vẫn còn hạn chế... làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên...
Trong những tháng tới, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề. Vì vậy, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các đơn vị tiếp thu các ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo.
Đồng thời, cần tổ chức quán triệt và thực hiện có hiệu quả những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ và của ban chỉ đạo; xác định những lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, kiên quyết không để xảy ra vùng cấm.
Khi để xảy ra sự việc, các cấp ủy chính quyền địa phương phải khẩn trương giải quyết theo phương châm “4 tại chỗ”. Nếu để xảy ra tình trạng bảo kê thì phải kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu.
Tăng cường phân cấp gắn với kiểm tra đánh giá, lựa chọn người đứng đầu có tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao trong phòng chống tội phạm, buôn lậu. Tăng cường thanh tra, kiểm tra ngay trong các cơ quan phòng chống, kiên quyết loại ra những cán bộ không công tâm, thiếu trách nhiệm...Không để người dân bức xúc, giảm niềm tin vào cơ quan chính quyền.
Chủ động dự báo tình hình, không để xảy ra tình trạng bị động. Làm tốt công tác điều tra cơ bản, xác lập các phương án đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy... đảm bảo đánh đúng đối tượng cầm đầu, tổ chức đường dây.