Gia hạn lần ba

Như vậy là Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đầu tuần này đã lên tiếng khẳng định rằng, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí với đề nghị của Vương quốc Anh “linh hoạt gia hạn” Brexit cho đến hết tháng 1 năm 2020. Động thái này cũng trao cho xứ sương mù lựa chọn có thể rời EU sớm hơn, vào ngày 1/12 hoặc 1/1/2020, nếu Quốc hội Anh có thể phê chuẩn thỏa thuận Brexit mới.

image_306911_30102019.jpgThủ tướng Anh Boris Johnson (thứ hai từ trái sang) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (thứ hai từ phải sang) tại Brussels ngày 17/10. Ảnh: EPA

Dù Thủ tướng Anh Boris Johnson từng khẳng định ông sẽ đưa Anh rời EU vào ngày 31/10 bằng mọi giá, song cho đến lúc này, xứ sương mù đã chấp thuận đề nghị trì hoãn cuộc “ly hôn” với EU. Johnson buộc phải làm theo đúng quy định của luật, rằng ông buộc phải đề nghị EU trì hoãn, dù đi ngược với nguyện vọng cá nhân ông, đồng thời nếu đứng trước đề xuất gia hạn đến cuối tháng 1 năm sau, ông cũng phải gật đầu ưng thuận.

Với diễn biến này, Brexit sắp sửa bị hoãn lần thứ ba kể từ khi người dân nước Anh đi bỏ phiếu ủng hộ “ra đi”, và đây là thông tin gây nhiều thất vọng với không ít người. EU muốn tránh bị “bêu danh” nếu để xảy ra Brexit không thỏa thuận, tốn kém và kèm theo đó là sự gián đoạn về thương mại lẫn kinh tế, vì thế cũng không có gì lạ nếu họ chấp thuận đưa ra một khoảng trì hoãn.

Quy định Brexit mà Anh cần phải thực thi trước khi rời EU đã được xúc tiến hồi tuần trước, dù các nhà lập pháp của Anh đã bác bỏ khung thời gian được ông Johnson đẩy sớm 3 ngày.

Thủ tướng Anh đã đề xuất tổ chức bầu cử sớm vào đầu tháng 12 nhưng Quốc hội Anh hôm 28/10 đã bác bỏ nỗ lực này. 299 nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ tổ chức bầu cử, trong khi 70 người phản đối, và nhiều nghị sỹ bỏ phiếu trắng, tức không đạt đa số 2/3 cần thiết.

Biểu tình ủng hộ Brexit hôm 28/10. Ảnh: AFP

Anh sẽ tổ chức tổng tuyển cử?

Ngay sau khi kết quả được thông báo, Johnson tuyên bố Chính phủ của ông sẽ đưa ra một dự luật ngắn kêu gọi tổ chức bầu cử vào ngày 12/12. Có thể thấy, nhà lãnh đạo này đang muốn tận dụng thời gian bổ sung để tìm cách tổ chức một cuộc tổng tuyển cử, mà theo ông lập luận là sẽ phá vỡ thế bế tắc của Quốc hội về Brexit, cũng như trao cho ông cơ hội để chiếm lại thế đa số trong Nghị viện để có thể tiến hành Brexit theo “phiên bản” của Johnson.

Dự luật này sẽ cần đa số đơn giản, thay vì 2/3 như luật định, và có thể có hiệu lực thay thế luật bầu cử hiện hành. Vấn đề đặt ra là liệu Quốc hội có “hòa hợp” được với bản kế hoạch của ông Johnson hay không. Thực tế là ông Johnson từng 2 lần tìm cách kêu gọi tổ chức bầu cử, nhưng các đảng phái đối lập luôn kháng cự. Một số người cho rằng, đơn giản là họ muốn chờ cho tới khi ông Johnson buộc phải đề nghị gia hạn Brexit, tức phản bội chính lời hứa hẹn rằng ông thà chết chứ không mở lời xin hoãn Brexit.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (phía trước) phát biểu tại phiên họp của Hạ viện ở London, Anh ngày 22/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Nhưng giờ đây, kể cả khi đã chắc chắn trì hoãn, thì các kế hoạch tổ chức bầu cử vào tháng 12 của Johnson cũng đứng trước nhiều dấu hỏi.

Đảng Lao động đối lập chính cho rằng bầu cử rất rủi ro, vì đảng của ông Johnson hiện vẫn được lòng dân hơn, và cho đến nay, không có tín hiệu nào cho thấy lời hứa Brexit bị phá vỡ của Johnson sẽ “phản đòn” ông.

Sức ép của bầu cử hiện rõ ràng đang nằm trên vai đảng Lao động. Họ đã có được sự gia hạn Brexit mà họ muốn. Họ là nhóm thiểu số, và không chiếm đa số trong Quốc hội. Đó là chưa kể các đảng đối lập khác hiện đang mong chờ diễn ra một cuộc bầu cử, bao gồm đảng Quốc gia Scotland và đảng Dân chủ tự do. Đặc biệt, Đảng dân chủ tự do đã giành được sự ủng hộ nhờ lập trường phản đối Brexit, và họ muốn tổ chức bầu cử ngay để có thể có nền tảng hòng ngăn xảy ra cuộc ly hôn Anh - EU.

Brexit đã được trì hoãn lần thứ ba. Ảnh: Getty

Có quan điểm tương tự, CNN phân tích, đường hướng của Thủ tướng Anh vấp phải 2 vấn đề: Johnson không sở hữu thế đa số trong Hạ viện, vì ông đã sa thải 21 nghị sỹ sau khi họ bỏ phiếu phản đối ông hồi đầu tháng 9, trong khi những người khác đã từ chức. Một vấn đề khác, cũng như bất kỳ quy định nào khác trong Quốc hội, dự luật có thể bị sửa đổi, Johnson có thể đứng trước nguy cơ phe đối lập hợp sức với những người phản đối trong đảng bảo thủ để thay đổi dự luật theo cách có thể gây tổn hại đến ông.

Cho đến lúc này, sự “gia hạn linh hoạt” Brexit có vẻ như là chuyện đã định. Nhưng sắp tới đây, sẽ tùy vào sự định đoạt của Quốc hội xứ sương mù, và dư luận sẽ quan tâm theo dõi sát sao, liệu các nghị sỹ sẽ tận dụng thời cơ này để thực sự tranh luận và thông qua Brexit, hay tập trung vào một chiến dịch vận động tranh cử hứa hẹn căng như dây đàn, và trọng tâm xoay quanh câu chuyện Brexit.