(Baonghean) - Cách đây chưa lâu, trong một lần trả lời báo giới, ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã ví việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà lần này như là “một trận đánh lớn”.
Vì thế, tất cả những người quan tâm đều rất phấn khởi, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng. Bởi “trận đánh lớn”, thường là trận đánh quyết định nên chắc chắn sẽ được chuẩn bị hết sức chu đáo, kỹ lưỡng và cẩn trọng. Quy tụ tất cả những gì tốt nhất, từ con người cho đến nguồn lực tài chính và các phương tiện, các trang, thiết bị cần thiết khác. Thế nhưng, càng kỳ vọng bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu. Đề án đổi mới giáo dục ngay lần đầu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bị đánh giá là quá sơ sài, không khả thi. Thậm chí, đề án còn bị Chủ tịch Quốc hội cho là nặng về “hô khẩu hiệu”. Như vậy, lần ra quân đầu tiên chuẩn bị cho “trận đánh lớn”, ngành Giáo dục đã bị thất bại trên mọi phương diện.
Sự thất bại này không hề có nguyên nhân khách quan mà hoàn toàn là do chủ quan của ngành Giáo dục. Điều dễ nhận thấy nhất là ngành Giáo dục đã lẫn lộn giữa mục đích và phương tiện. Mục đích của lần đổi mới giáo dục toàn diện nền giáo dục nước nhà lần này là nhằm nâng chất lượng giáo dục lên một tầm cao mới, đáp ứng được yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực phục vụ đắc lực cho sự phát triển bền vững và ngày càng cao của đất nước trong hoàn cảnh hội nhập sâu với thế giới. Còn khoản tiền hơn 34 nghìn tỷ đồng như dự kiến chỉ là phương tiện để đạt được mục đích đó.
Đáng lẽ ra, ngành Giáo dục phải tập trung xây dựng, làm rõ và đưa ra được những biện pháp cụ thể, phù hợp để đạt được mục đích đặt ra và có tính khả thi cao. Đằng này, lộ trình, giải pháp đi tới đích chưa hề được chỉ ra, làm rõ mà mới chỉ thấy rõ ràng một đống tiền phải chi. Sự lẫn lộn, mập mờ đó khiến không ít người giật mình hoài nghi, phải chăng món tiền hơn 34 nghìn tỷ đồng đó mới là mục đích chính yếu, quan trọng và đổi mới giáo dục chỉ là phương tiện để đạt được mục đích đó? Cách đặt vấn đề đó, không phải là không có cơ sở từ thực tế.
Vì ngay sau khi có dư luận nổi sóng về đề án sơ sài cùng khoản tiền quy ra ngoại tệ tương đương với hơn 1,5 tỷ USD thì Bộ GD - ĐT đã sốt sắng có ngay động thái giải trình là số tiền khổng lồ đó được chi cụ thể như sau: 105 tỷ đồng dùng để biên soạn chương trình sách giáo khoa (SGK). Với các đầu việc chủ yếu là xây dựng chương trình tổng thể và chương trình các môn học của 12 lớp; biên soạn SGK, sách giáo viên từ lớp 1 đến lớp 12; Tổ chức thẩm định chương trình SGK… Tiếp đó, 910 tỷ đồng cho tổ chức dạy thử nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới tại 600 trường với quy mô triển khai ở 340 nghìn học sinh. 8 nghìn 150 tỷ đồng sẽ dùng cho triển khai dạy học đại trà theo chương trình SGK mới. Và 20 nghìn 100 tỷ đồng dùng để mua sắm trang, thiết bị dạy học. 5 nghìn 010 tỷ đồng ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng kênh truyền thông giáo dục…
Còn những băn khoăn, thắc mắc về nội dung của đề án - phần việc chính, chủ yếu và quan trọng nhất của việc đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà thì chưa hề thấy một hồi âm nào. Rõ ràng là người ta đang cố lý giải để thuyết phục dư luận nhằm hợp lý hóa khoản tiền lớn đó. Nói theo cách nhìn của giới nhà binh thì chuẩn bị cho “trận đánh lớn”, ngành Giáo dục mới chỉ tập trung sự chú ý ở khâu chuẩn bị “hậu cần” mà coi nhẹ phần “phương án tác chiến”. Một trận đánh lớn, dù có nhiều lương thực, đạn dược, vũ khí và cả con người nhưng nếu không có phương án tác chiến cụ thể phù hợp “thực tế chiến trường” thì cũng khó lòng mà giành được thắng lợi. Nếu như không muốn nói là sẽ chuốc lấy thất bại nặng nề. Vì đánh trận càng lớn bao nhiêu thì khi thua càng đau đớn, càng tổn thất nhiều bấy nhiêu. Cho nên cần phải xem xét lại tư duy “trận đánh lớn” khi tiến hành đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Và điều quan trọng nhất ở đây là các cơ quan có trách nhiệm, có thẩm quyền quyết định về vấn đề trọng đại này phải có cái nhìn tỉnh táo để phân định rạch ròi và nhận diện cho thật chính xác đâu là mục đích và đâu là phương tiện đích thực của đề án đổi mới toàn diện nền giáo dục. Kiên quyết không để cho ai lợi dụng để đảo ngược trật tự. Biến mục đích thành phương tiện phục vụ cho mưu đồ vụ lợi. Gần hai chục năm nay, chúng ta đã tiến hành đổi mới nền giáo dục nước nhà, nhưng kết quả cụ thể đạt được là đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, còn giáo dục nước nhà vẫn ở trong tình trạng trì trệ, tụt hậu. Đến nay, cả đất nước lại phải dồn sức người, sức của để tiếp tục tiến hành việc đổi mới giáo dục. Có khác một chút là “đổi mới toàn diện”. Vì thế, để lần đổi mới giáo dục này đạt được kết quả như mong đợi thì có một việc, nhất thiết không được để xảy ra là bị ai đó lợi dụng để biến mục đích thành phương tiện và đưa phương tiện trở thành mục đích của một nhóm người.
Duy Hương