(Baonghean) - Thời gian qua, tỉnh ta đã thu hút được nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm uy tín như: Nhà máy Sữa tươi sạch của Tập đoàn TH tại Nghĩa Đàn, nhà máy Bia Sài Gòn - Sông Lam, bia Hà Nội - Nghệ An, bao bì Sabeco, nhà máy linh kiện điện tử BSE Việt Nam... Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) cần phải đầu tư, đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng thì mới có thể tồn tại và cạnh tranh...
Nhìn chung, quá trình đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tỉnh ta đang diễn ra chậm so với các địa phương khác. Hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất khá lạc hậu, chắp vá, không đồng bộ, khó đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm, vì thế số doanh nghiệp (DN) tạo ra sản phẩm xuất khẩu trên địa bàn chiếm tỷ lệ thấp so với các địa phương khác. Nhiều DN chưa thấy được tầm quan trọng của đổi mới và cải tiến công nghệ đối với sản xuất. Mặt khác, lực lượng lao động trong DN trình độ kỹ thuật còn ở mức trung bình, phần lớn là lao động phổ thông. Do đó, hoạt động đổi mới công nghệ tại các DN rất hạn chế và nhiều DN còn e ngại đầu tư vì phải bỏ ra một nguồn kinh phí khá lớn. Cái khó nhất ở các DN là chưa huy động được nguồn vốn từ các kênh khác nhau để đầu tư cho dây chuyền sản xuất.
Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An cho biết: Ngoài những DN mới được thu hút đầu tư, vấn đề ứng dụng và đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại DN Nghệ An vẫn còn những yếu kém, phần nhiều là công nghệ trình độ thấp (chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc). Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, phần lớn là do DN Nghệ An chủ yếu vừa và nhỏ, năng lực tài chính còn yếu, khả năng tiếp cận tài chính còn thấp, chiến lược kinh doanh chưa thuyết phục, công tác makerting chưa được quan tâm, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao... Bên cạnh đó, bản thân các DN chưa ý thức được đổi mới công nghệ là cần thiết, là cách thức ngắn nhất để DN phát triển. Phần lớn DN chưa mạnh dạn bắt tay vào thực hiện, đặc biệt là DNVVN.
Trong hai năm gần đây, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ việc thực hiện đổi mới công nghệ. Thông qua cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho các DN ứng dụng và đổi mới công nghệ, thời gian qua các DN trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công nghệ; cho ra những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như: công nghệ làm lạnh đông nhanh sản phẩm (IQF), công nghệ sơn cán màng ván sàn gỗ ghép mặt tự nhiên các loại, công nghệ lên men thức ăn gia súc, tưới nước nhỏ giọt,... Chương trình hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị từ Quỹ phát triển KH&CN tỉnh cho DN đang được quan tâm. Riêng trong năm 2013, Quỹ đã dành 1.222 tỷ cho hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ tại các DN trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc tổ chức thường niên chương trình về trao giải Sáng tạo KH&CN đã góp phần khuyến khích các DN trong tỉnh tham gia, sáng tạo, nghiên cứu đổi mới công nghệ đã và đang mang lại hiệu ứng rõ nét trong cộng đồng DN tỉnh. Nhiều công trình sáng tạo công nghệ của các DN đạt giải cao như: Thiết kế băng chuyền mía khổ rộng 1 mét - CTCP mía đường Sông Lam; Nghiên cứu đầu tư cải tiến máy diệt men chè xanh - Công ty TNHH chè Trường Thịnh; Cải tiến quy trình tách dịch và thanh trùng sản phẩm gấc - CTCP Thực phẩm Nghệ An đã mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Theo bà Phạm Thị Hồng Thái – Chủ tịch Hiệp hội DNVVN, toàn tỉnh hiện có khoảng 11.000 DN, hoạt động chính thức khoảng 7.000 DN, trong đó 2/3 là các DN làm dịch vụ, thương mại còn 1/3 là đầu tư sản xuất kinh doanh sử dụng máy móc thiết bị công nghệ. Phần lớn các DN chủ yếu sử dụng hệ thống công nghệ sản xuất khá cũ hoặc mua lại dây chuyển đã qua sử dụng từ nước ngoài. Mặt khác, thiếu các thông tin, cơ hội tiếp xúc, nắm bắt công nghệ mới là rào cản của các doanh nghiệp tỉnh ta hiện nay.
Để DNVVN Nghệ An mạnh dạn đầu tư, đổi mới trang thiết bị, dây chuyền sản xuất cần có chương trình, chính sách hỗ trợ cần thiết từ các cấp ngành có liên quan như: hỗ trợ về tư vấn để giúp các DNVVN lựa chọn được công nghệ phù hợp để giải quyết những khó khăn của cơ sở. Cần thiết hơn là hỗ trợ về tài chính, về nguồn vốn như cho vay với lãi suất thấp và vay dài hạn 5-10 năm về đầu tư máy móc thiết bị…
Về phía các DN nên chủ động tham quan các trường đại học có những công nghệ mới muốn chuyển giao cho DN hoặc thăm các DN đã áp dụng thành công các công nghệ mới; mạnh dạn tham gia các hội chợ công nghệ thiết bị được tổ chức hằng năm - là cơ hội để đem sản phẩm của DN mình tới được với nhiều địa phương khác đồng thời nắm bắt các công nghệ mới. Mặt khác, khuyến cáo DN không nên mua lại, dùng lại các máy móc công nghệ đã cũ kỹ của nước ngoài khi họ thải ra vừa thiệt hại kinh tế, vừa gây ô nhiễm môi trường.
Thanh Hoa