Từ chối tiếp nhận yêu cầu tiến hành thương lượng của người tiêu dùng (NTD), hoặc không tiến hành thương lượng trong thời gian không quá 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của NTD, doanh nghiệp liên quan sẽ phải chịu mức phạt từ 1-5 triệu đồng.
Không cấp giấy bảo hành sẽ bị phạt tới 100 triệu đồng
Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đã hướng dẫn như trên cho phép áp dụng từ năm 2016 những quy định về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định này bắt buộc doanh nghiệp bán hàng phải gặp gỡ và trả lời mọi khiếu nại của khách hàng, tránh trường hợp lảng tránh trách nhiệm như trước đây.
Điểm đáng ghi nhận trong Nghị định này là thương nhân nào không cung cấp cho NTD giấy tiếp nhận bảo hành, có ghi rõ thời gian thực hiện bảo hành, sẽ bị phạt tiền từ 5-100 triệu đồng, tùy thuộc giá trị của hàng hóa, linh kiện, phụ kiện liên quan được yêu cầu thực hiện bảo hành.
Theo các chuyên gia, trước đây, nhiều NTD gọi điện, gửi đơn thư phản ánh đến các doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm sau khi mua hàng, nhưng hầu như các doanh nghiệp đều phớt lờ, hoặc cố tình né tránh việc giải quyết với mọi lý do. Nhưng với những quy định mới trong Nghị định này thì điều đó sẽ khó xảy ra, bởi nếu họ không giải quyết sẽ bị xử lý phạt theo quy định.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm, hoặc bị buộc thu hồi hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Cao hơn nữa, họ có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn trong trường hợp vi phạm nhiều lần hay tái phạm.
Tăng cường lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Nghị định cũng quy định rõ các doanh nghiệp sẽ bị phạt cảnh báo hoặc phạt tiền từ 500.000-20.000.000 đồng, tùy thuộc vào giá trị hàng hóa dịch vụ đã giao dịch trong các trường hợp: Thực hiện hành vi hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự; yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với NTD; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của NTD hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.
Nghị định 124/2015/NĐ-CP được áp dụng hiện nay là một bước đột phá trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi NTD, khắc phục những khuyết điểm của các quy định trước đây, đặc biệt là nghị định mới đã đưa vào những quy định chặt chẽ về việc buộc doanh nghiệp phải cung cấp giấy bảo hành cho NTD, cung cấp hồ sơ liên quan đến sản phẩm và nhất là buộc doanh nghiệp phải trả lời, giải quyết khiếu nại của NTD. |
Theo Nguoitieudung