(Baonghean) - Phong trào xây dựng văn hóa nông thôn mới đang được các địa phương trong tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân nông và góp phần đẩy mạnh CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn.

 

Nhìn từ Nghi Lộc


Thời gian qua, huyện Nghi Lộc tập trung điều chỉnh định hướng phát triển sự nghiệp văn hoá - thông tin theo hướng gắn với các vấn đề xã hội, các nhiệm vụ phát triển kinh tế trọng tâm của huyện. Hoạt động văn hóa nông thôn đã có một vị thế mới, phát huy được tác dụng giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống và góp phần đổi mới tư duy của nhân dân.

773493_small_71812.jpg

Lễ rước bằng dòng họ - Ngày hội của các làng văn hóa.


Một trong những hoạt động nổi bật nhất đó là "Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Đến năm 2011, số gia đình nông dân đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" chiếm tỷ lệ trên 80% (so với tổng số hộ nông dân). Các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc, của quê hương ở các vùng nông thôn huyện Nghi Lộc được quan tâm bảo tồn, phát huy như đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình làng nghĩa xóm... Huyện duy trì tốt việc tổ chức các lễ hội truyền thống như: Lễ hội đền Nguyễn Xí ở xã Nghi Hợp, Lễ hội ở nhà thờ Phạm Nguyễn Du ở xã Nghi Xuân, Lễ hội đền Tam Tòa... Các di tích lịch sử trên địa bàn được quan tâm trùng tu tôn tạo. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ nhu cầu văn hóa ở nông thôn đã có đầu tư đổi mới đáng kể: 30/30 xã, thị trấn có nhà văn hoá xã, nhiều xã đã đầu tư xây dựng nhà văn hoá khang trang với tổng trị giá lên tới hàng trăm triệu đồng như xã Nghi Hợp, Nghi Lâm, Nghi Thịnh, Nghi Khánh, Nghi Xuân... 100% xã, thị trấn đều có đài truyền thanh, có sân bóng đá, bóng chuyền phục vụ các hoạt động VH-TT-TT ở địa phương.

Duy trì 93 câu lạc bộ các loại; 448 đội văn nghệ quần chúng; 446 làng, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều có hệ thống loa truyền thanh xóm, có sân bóng chuyền, 412 làng, tổ dân phố có nhà văn hoá xóm. Tỷ lệ gia đình ở nông thôn có các phương tiện nghe nhìn như tivi, radio đầu đĩa VCD... chiếm trên 95%. Hiện nay huyện đang triển khai xây dựng mô hình xã có hệ thống thiết chế VHTT đồng bộ ở một số xã để tiến tới nhân rộng ra địa bàn toàn huyện.


Kinh tế là nền tảng


Đời sống kinh tế phát triển là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất để trở thành gia đình văn hóa. Để đạt được tiêu chí này, nông dân tỉnh nhà đã tích cực hưởng ứng phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng".

Nhiều địa phương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hoá vào sản xuất thay thế dần lao động thủ công, nâng cao năng suất lao động, năng suất cây trồng và vật nuôi. Kinh tế nông thôn Nghệ An đã chuyển mạnh theo hướng từ độc canh thuần nông sang đa canh, đa nghề theo hướng nông - công nghiệp - dịch vụ, nhiều ngành nghề thủ công truyền thống được khôi phục và phát triển, như: dệt thổ cẩm ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp; mây tre đan: Nghi Lộc, Diễn Châu, Hưng Nguyên, chế biến thủy hải sản: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TX. Cửa Lò... Những cánh đồng cho thu nhập cao của nông nhân ngày càng được nhân rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 40.540 gia đình đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 15,73% số hộ đăng ký. Nhiều địa phương có tỷ lệ nông dân SXKD giỏi các cấp chiếm tỷ lệ cao như: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Thanh Chương, Diễn Châu...


Khi kinh tế phát triển, nông dân tỉnh nhà đã chú trọng chăm lo nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng Gia đình văn hóa theo mô hình: ấm no, khỏe mạnh, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc và phát triển bền vững, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tham gia đấu tranh, xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của dân tộc. Người nông dân đã biết làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho mình bằng nhiều cách: tích cực đóng góp công sức, tiền của để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao;tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa thông qua việc phục hồi các lễ hội truyền thống, thành lập các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao, CLB thơ...

Đến nay, hầu hết các làng quê đều có đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền. Vào ngày hội làng, các ngày lễ, Tết, nhất là dịp đón bằng Làng văn hóa, hoạt động văn nghệ, thể thao diễn ra tưng bừng trong vài ngày. Tiêu biểu là các hội diễn văn nghệ - thể thao trong nông dân như: Hội thi "Thôn nữ giỏi giang duyên dáng", "Tiếng hát đồng quê" được tổ chức vào ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam; các giải bóng đá, bóng chuyền truyền thống "Bông lúa vàng" được tổ chức hàng năm đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho nông dân.


Đến nay, toàn tỉnh có 467/479 nhà văn hóa (đạt 97,4%), 414 sân vận động xã; 4.985/5.845 nhà văn hóa xóm (đạt 85,2%). Trong đó có 32 nhà văn hóa xã, 125 nhà văn hóa xóm được xây mới trong năm 2011. Gần 2.114 sân bóng đá; 579 phòng truyền thống, 414 xã có phòng đọc sách báo, tủ sách pháp luật, trên 400 xã có điểm vui chơi cho trẻ em... Những thiết chế VHTT - TT này vừa góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nông dân và tạo nên nét văn minh hiện đại cho nông thôn ngày nay.


Thanh Hiền