(Baonghean)- Ở huyện miền núi Tân Kỳ, cách đây hơn một năm, cơ quan chức năng đã phát hiện 11 cháu từ 13 đến 16 tuổi đang làm thuê cho một công ty may mặc tại tỉnh Bình Dương. Qua sự việc này, công tác quản lý, giáo dục và bảo vệ quyền lợi cho trẻ vị thành niên bởi thế cũng cần phải quan tâm hơn.
Ông Phạm Tiến Sỹ - Trưởng phòng Lao động, Thương binh - Xã hội huyện Tân Kỳ cho biết: Tháng 5/2010, nhận được tin báo từ Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội có 11 em tuổi vị thành niên của huyện đang lao động tại một công ty may mặc ở Bình Dương. Ngay sau đó, được sự giúp đỡ của cơ quan chức năng, 11 cháu, (trong đó có 5 nữ, 6 nam), cháu ít tuổi nhất sinh năm 1997, nhiều tuổi nhất sinh năm 1994 ở 2 xã Phú Sơn và Hương Sơn (trong đó Phú Sơn 10 cháu) đã được giải cứu, chuyển về giao cho địa phương và gia đình quản lý.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, số con em này đã bị một đối tượng lợi dụng một người quen tại địa phương, sau đó tuyển dụng đi lao động từ cuối năm 2009 không thông qua chính quyền địa phương. Điều đáng nói, khi phụ huynh đến nhận con nhiều người mới biết con mình đi lao động ở miền Nam, chứ trước đó không hề biết con mình đi đâu, làm gì. Thậm chí, có cháu không có người nhà đến nhận. Tuy nhiên, theo các cháu cho biết,các cháu vào làm nghề may tại một công ty may mặc, chứ không bị bóc lột sức lao động quá mức, hay xúc phạm đến thân thể. Có điều, các cháu được hưởng mức lương hàng tháng rất thấp.
Theo ông Sỹ, để quản lý các cháu đã nghỉ học mà chưa đến tuổi thành niên là rất khó. Nguyên nhân là các cháu này phần lớn sinh ra trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi có sức khỏe là nghỉ học để tìm kiếm công ăn việc làm. Khi thị trường việc làm phổ thông tại các thành phố lớn cần nhiều thì các bậc phụ huynh bằng mọi cách cho con em đi làm.
Từ một vài cháu đi trước, sau mỗi chuyến về quê lại kéo theo bạn đi cùng. Việc các cháu rời quê đi lao động là hoàn toàn do bản thân và gia đình quyết định, chứ chính quyền địa phương, kể cả xóm trưởng cũng không hề biết. Chỉ có những trường hợp, đến tuổi thành niên, trước khi đi lao động ở đâu đều đến chính quyền làm hồ sơ và xin giấy tạm vắng.
Bởi thế, khi chúng tôi hỏi, liệu trên địa bàn huyện có còn tình trạng trẻ em bị lôi kéo đi lao động trái phép? Ông Sỹ cũng chỉ lắc đầu. Chỉ có khi nào cơ quan chức năng nơi sử dụng lao động kiểm tra, phát hiện và thông báo về thì địa phương mới biết.
Trở lại xã Phú Sơn, địa bàn xa nhất của huyện Tân Kỳ, vào những ngày đầu năm 2012, thời điểm này các xóm đã vắng dần nam nữ thanh niên, vì họ kéo nhau vào Nam tìm kiếm việc làm. Ông Nguyễn Hồ Thu - Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Từ khi xảy ra vụ việc 10 cháu trong xã bị đối tượng đưa đi lao động trái phép, Đảng ủy, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền Luật Lao động đến người dân, đồng thời vận động người dân nếu phát hiện có người lạ mặt vào địa bàn tuyển dụng lao động là báo với chính quyền. Xã Phú Sơn có 5 nghìn nhân khẩu, trong đó 27% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Toàn xã có khoảng 1 nghìn con em đang độ tuổi THCS, trong đó có khoảng 10% đã nghỉ học. Số con em nghỉ học ở cấp THCS chủ yếu thuộc các gia đình dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn. Do vậy, sau khi nghỉ học, số con em này phải tham gia lao động để kiếm thêm thu nhập cho gia đình là điều đương nhiên. Theo ông Thu, từ 2 năm nay không phát hiện đối tượng nào lén lút vào địa bàn xã để tuyển dụng lao động trái phép, nhưng chắc chắn là vẫn còn trường hợp trẻ vị thành niên đi lao động cho công ty hoặc cá nhân nào đó.
Theo ông Lang Văn Lợi, Bí thư Chi bộ xóm Quyết Thắng, khi xã có chủ trương chỉ đạo tổng hợp con em trong xóm đang đi lao động trong nước làm gì, ở đâu, thì rất ít gia đình khai báo. Thời điểm ra tết đến nay, con em trong xóm kéo nhau đi làm ăn xa rất nhiều. Song, xóm không thể nắm được con số cụ thể, vì họ ra đi không hề báo với địa phương. Do vậy, đây chính là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng để tuyển lao động trái phép.
Không riêng huyện Tân Kỳ mà các địa phương khác, đặc biệt là các huyện miền núi, tình trạng trẻ vị thành niên nghỉ học để tìm kiếm việc làm rất nhiều. Thiết nghĩ, để quản lý các em không bị những cá nhân lạm dụng sức lao động, các địa phương cần có giải pháp cụ thể vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vừa vận động con em tham gia học nghề để có việc làm ổn định.
Điều 119 Luật Lao động quy định: "Người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi. Khi sử dụng lao động dưới 18 tuổi nếu lạm dụng sức lao động, không quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, tiền lương, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động, bắt người lao động làm quá giờ quy định... là vi phạm pháp luật...". |