(Baonghean) - Viện Nghiên cứu Kinh tế - xã hội và môi trường (iSEE) đang thực hiện một dự án, mà nói đúng hơn là một cuộc vận động, có tên gọi là “Sống tử tế”. 
 
Nghe đến tên dự án quả thật đã hay, bởi nó đã chạm đến một vấn đề khá nhức nhối trong xã hội của chúng ta ngày nay, khi con người có xu hướng đối xử với con người kém tử tế hơn. 
 
Mục đích, ý tưởng thì rõ rồi, nhưng khi bắt tay vào thực hiện nhóm sáng kiến ra dự án mới thấy vô vàn cái khó. Cái khó thứ nhất là định nghĩa thế nào là sự tử tế, từ đó mới hướng mỗi người vào sự tử tế đề ra”, một thành viên trong nhóm sáng kiến dự án cho hay. 
 
images1066616_tinh_yeu.jpg
 
Cuối cùng, trong cái khó cũng ló cái sáng tạo. Dự án đã tận dụng ngay sự ưu việt của Internet, qua đó lập một website để trưng cầu ý kiến về khái niệm của sự tử tế với lời dẫn “tử tế là...”. Từ đó nảy ra vô vàn định nghĩa. Có người định nghĩa sự tử tế to tát theo kiểu: Tử tế là yêu thương chính mình, yêu thương mọi người. Có người lại theo nghĩa giản đơn, thiết thực như: Tử tế là “hóng” đúng lúc, bỏ sức đúng nơi và không a dua ném đá. 
 
Sau một tuần lễ tử tế cộng với các hoạt động như tọa đàm, triển lãm, dự án cũng đã hình dung ra được con đường mình phải đi. Thay vì gò mọi người theo ý niệm tử tế mà dự án đề ra, dự án đã hướng mỗi người vào một sự tử tế cá nhân. “Chúng ta sống và hành động tử tế vì chính nhân phẩm của chúng ta. Một khi hành động mâu thuẫn với giá trị, với nhân phẩm của bản thân thì chúng ta không làm, đó mới là sống tử tế”, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện iSEE nói như vậy. 
 
Hiểu một cách giản đơn, điều mà dự án hướng tới đó là khơi dậy sự tử tế vốn tiềm ẩn trong mỗi cá nhân, để nó có đủ sức kháng cự trước những hành vi kém tử tế khác. 
 
Thực ra điều này không phải mới, chính đạo diễn Trần Văn Thủy (đạo diễn của phim tài liệu “Chuyện tử tế”), bộ phim đã gợi ý cho iSEE thực hiện dự án này cũng đã thể hiện ngay trong lời bình của phim, ông nói: “Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài quốc gia, bởi thiếu nó một cộng đồng dù có nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn”. 
 
Vậy tại sao đã là điều vốn có trong mỗi người, nhưng sự tử tế trong xã hội ngày nay ngày càng khan hiếm. Giải thích cho tường tận hẳn phải cần đến một nghiên cứu xã hội quy mô, tỉ mỉ. Nhưng có thể lý giải bởi một hiện tượng sau, đó chính là do tác động của môi trường xã hội dẫn đến hành vi. 
 
Một chàng ca sĩ khi bị cảnh sát giao thông phạt vì lỗi không đội mũ bảo hiểm đã phản ứng lại rằng: “Tại sao những người khác cũng không đội mũ bảo hiểm mà không bị bắt”. Câu nói đó hoàn toàn sai theo nghĩa logic của hành vi, tuy nhiên qua đó cũng bộc lộ quan điểm xã hội có liên quan đến sự tử tế. Trước một thực tế cần sự tử tế cá nhân (như giúp đỡ một người gặp nạn, bảo vệ kẻ yếu thế...) người ta dễ có tư duy theo kiểu: Tại sao có nhiều người cùng thấy cảnh đó, việc gì mình phải làm việc đó mà không phải là họ. 
 
Suy nghĩ đó hằn sâu dần vào tiềm thức, sau đó được mặc định thành quy chuẩn ứng xử. Rõ ràng, nếu chúng ta đặt ngược vấn đề coi hành vi tử tế như là trách nhiệm cá nhân, tiếng nói của lương tâm thay vì đặt nó trong môi trường xã hội, đối sánh với những thành viên xã hội khác thì có lẽ cuộc sống sẽ có thêm nhiều việc tử tế hơn?!
 
Hồ Viết Thịnh
Hà Nội