(Baonghean) - Ngay sau khi chương trình truyền hình đang ăn khách “Chuyển động 24 giờ” kéo cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất “lên ti vi”, cho dù tôi đã chạy khắp thành phố với mong muốn mục sở thị cùng với nung nấu tậu cho bằng được một bản xịn của tác phẩm quái dị có một không hai này. Rất tiếc, dù đã dáo dác mọi hang cùng ngõ hẻm, cái tôi nhận được là liên tục những “chiếc” lắc đầu. 
 
images1066620_sach_vu_chat.jpgMột số bản khác nhau của cuốn sách từ điển này.
 
Phải chăng những người khác đã nhanh chân hơn mình? Cuốn từ điển nghe nói bán khá chạy này bỗng dưng trở nên nổi tiếng ầm ầm. Đúng là không ai ngăn cản được sự nổi tiếng. Sự nổi tiếng theo kiểu “Lệ Rơi” cứ mãnh liệt, cứ ung dung đưa nó trở thành của hiếm! Ngày xưa thì mua về học, học để làm giàu thêm kiến thức, cho phong phú vốn từ, cho có cái... chữ. Giờ thì người ta lại sưu tầm về để đọc, chính xác là về coi, coi để thỏa trí tò mò và tất nhiên có cả một phần coi để cười nữa! Quả thực, những ngày qua, cuốn “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh”, một tài liệu thuộc “dòng” sách VIP bởi “tọt” hẳn vào đến tận hạng mục tra cứu của Thư viện Quốc gia, do tác giả Vũ Chất biên soạn, đã dắt dư luận xã hội hết ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác.
 
Được biết, cuốn từ điển này do Nhà xuất bản Trẻ phát hành năm 2001 và ngự trong Thư viện quốc gia (31 - Tràng Thi, Hà Nội) với ký hiệu là VN01.01948, khổ 8x13cm, số đăng ký kế hoạch xuất bản 15/67 do Cục Xuất bản cấp ngày 4/1/2001 và giấy trích ngang KHXB số 106/2001, số lượng in 1.000 cuốn. Ban đầu, tưởng ngần ấy thôi, té ra nó không hề độc bản! Còn có thêm cả một bản in “Từ điển Tiếng Việt dùng cho học sinh” của tác giả Vũ Chất, gắn mác NXB Thanh Niên, số đăng ký kế hoạch xuất bản 247-153 do Cục Xuất bản cấp ngày 1/03/1999, in tại Xí nghiệp in Bến Tre và nộp lưu chiểu tháng 8/2000. Vẫn chưa hết! Gần đây nhất "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh" của Vũ Chất lại còn được được NXB Hồng Đức in năm 2013 và phát hành với số lượng kỷ lục 15.000 cuốn.
 
Như vậy, chắc là “nói có sách” chứ không vu oan cho ai. Bàng hoàng, giận dữ, chua chát và nực cười là tổ hợp trạng thái không hề phân mảnh của những ai “lỡ tay” đọc nó. 
 
Để khỏi mất thì giờ của bạn đọc, tác giả xin được dẫn chứng một số nội dung “kinh điển” của cái gọi là “từ điển tiếng Việt này”:
 
- Thơ ngây là ngây thơ
- Bồ bịch là bạn bè thân thích
- Đồn trưởng là trưởng đồn
- Lâu đài là lầu và đền đài
- Cào cấu: vừa cào vừa cấu
- Nắn bóp: nắn và bóp
- Bế mạc: hết dứt buổi hát
- Bản sắc: màu tự nhiên
- Bóng đèn: Bóng làm bằng chai trong có tim đốt được bằng hơi điện.
- Bia: tấm đá có khắc tên ngày giờ chết trước mả
- Ngồi là đặt đít xuống chỗ nào
- Bón là cho phân vào cây...
 
Có lẽ hết nói. Kinh khủng! Vì chưa mục sở thị cuốn sách thành thử tôi cũng không biết chắc là chữ “kinh khủng” đã được tác giả giải nghĩa như thế nào. Tất nhiên, theo suy luận của tôi thì chớ có loại trừ phương án “vừa kinh lại vửa khủng”. Không biết đọc xong một mảnh trích con con của “công trình khoa học đồ sộ” này, sẽ có bao nhiêu người rơi vào trạng thái “vừa cào vừa cấu” nhỉ? Chắc nhiều!
 
Cái hổ lốn này mà thành sách thì đúng là bó tay rồi. Nhưng ngậm đắng nuốt cay mà mừng cho nó vì đã “sống” được những 15 năm nay. Lại còn mấy lần tái bản mới huy hoàng chứ? Tôi không tin những người kiểm duyệt “thơ ngây là ngây thơ” đến mức chả nhận ra sự kỳ quái của nó nếu đã từng ít nhất một lần đọc qua. Chắc không ai thiểu năng đến mức ấy, nhất lại là những người “chuyên ngành bắt bẻ” như cơ quan kiểm duyệt. Chỉ có thể giải thích hoặc là tiêu cực hoặc là vô trách nhiệm. Chỉ có vô trách nhiệm mới không đọc, vì không đọc mới không thể phát hiện ra. Qua sự việc này, chúng ta lại biết thêm rằng sự hời hợt, vô cảm trước công việc cũng “già dặn” ra phết! Bao nhiêu năm, bao nhiêu “cửa”, tầng tầng lớp lớp rào cản cùng đội ngũ hưởng lương hùng hậu, để rồi chừa lối cho những sản phẩm tai hại như thế tuột qua một cách ngang nhiên ư? Nếu không có ai đó “tung lên phây” thì Thư viện Quốc gia còn nâng niu nó đến bao giờ? Bao nhiêu thế hệ học sinh không còn bị đầu độc nữa? Và sẽ còn thêm bao nhiêu lần tái bản tiếp theo...?
 
Trách tác giả chưa đủ. Mà buồn là buồn cho sự “con voi chui lọt lỗ kim” thôi. Vô tri hay hữu tri nhỉ? Cơ chế kiểm duyệt trớ trêu quá. Cẩu thả, vô cùng cẩu thả! Nếu trình bày theo kiểu từ điển của ông Vũ Chất, thì... “vừa cẩu lại vừa thả”!
 
Nguyễn Khắc An