(Baonghean) - Việc đầu tư xây dựng các cầu treo trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã xóa bỏ dần các bến đò ngang, giảm thiểu được tai nạn giao thông đường thủy. Tuy nhiên, hệ thống cầu treo trên địa bàn tỉnh đang bị xuống cấp nghiêm trọng, công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với hệ thống giao thông cầu treo còn nhiều vấn đề đặt ra, nhất là khi mùa mưa lũ về.
 
image_4183415.jpgCầu treo Xốp Mạt ở huyện Tương Dương xuống cấp rất nguy hiểm.
Cầu treo Châu Hội (Quỳ Châu) được đưa vào sử dụng năm 1998, đã giúp người dân đi lại thuận lợi, giao thương phát triển. Tuy nhiên, sau thời gian dài được đưa vào sử dụng, do lưu lượng người và phương tiện lưu thông lớn nên hiện nay cầu bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Mặt cầu bị hỏng, mục nát nhiều chỗ, dầm ngang, dầm dọc, lan can bị han gỉ, bong bật, hệ thống chống lắc bị hỏng, không phát huy tác dụng, một số dầm dọc đầu mố phía xã Châu Nga không gác lên gối cầu nên bị cong vênh, biến dạng; đầu neo cáp không được vệ sinh, đọng nước làm han gỉ. Nguy hiểm hơn, người dân bắt dây điện sinh hoạt vào cầu. Theo ông Nguyễn Đức Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: “Giải pháp trước mắt để đảm bảo giao thông cho người và phương tiện qua lại là thay lại mặt cầu, sơn lại dầm, cổng, lan can cầu; xử lý hệ thống chống lắc, các dầm bị dịch chuyển, vệ sinh đầu neo cáp, sửa chữa tứ nón, bôi mỡ cáp chủ. Đồng thời huyện thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT như: Cắm biển hạ tải xuống còn 8 tấn, tháo dỡ dây điện bắt vào cầu, lắp đặt cự khống chế khổ giới hạn qua cầu chắc chắn, đặt barie, cắm đủ và đúng các biển báo theo quy định. Về lâu dài, huyện cần hỗ trợ kinh phí của Bộ GTVT, tỉnh để nâng cấp, sữa chữa cầu.” 
 
Trên địa bàn tỉnh ta hiện có 52 cầu treo, trong đó có 43 cầu đang khai thác sử dụng, 9 cầu đang xây dựng. Ngoài ra, còn có 7 cầu đang lập dự án đầu tư. Việc sử dụng cầu treo dân sinh đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, góp phần xoá đói giảm nghèo cho nhân dân. Tuy nhiên, các cầu treo trên địa bàn tỉnh chủ yếu thuộc các huyện miền núi và hầu hết các cầu đã được đưa vào khai thác sử dụng từ lâu nên hiện nay đã bị xuống cấp nghiêm trọng: Hố neo bị chìm trong đất, có nhiều chỗ bị han gỉ nặng; cáp chủ đã cũ, khô mỡ; dầm dọc bằng gỗ bị mục nát nhiều; dầm ngang bằng thép bị gỉ nặng…. cần được khẩn trương khắc phục kịp thời để đảm bảo an toàn công trình. Ngoài ra, một số cầu tuy đã được sửa chữa năm 2013 nhưng thiết kế chưa khắc phục triệt để những hư hỏng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro gây tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông.
 
Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Quy định thực hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống cầu treo trên địa bàn tỉnh, nhưng việc quản lý, bảo vệ cầu treo dân sinh trên hệ thống đường GTNT chưa được phân công, phân cấp để thực hiện. Theo báo cáo của các huyện, xã có cầu treo là địa phương giao cho thôn, xóm hưởng lợi quản lý nhưng trên thực tế không có văn bản quy định cụ thể. Hiện tại mới chỉ có huyện Con Cuông ban hành quyết định và bố trí nhân lực bảo vệ một số cầu quan trọng theo hình thức giao trưởng bản phụ trách. Ngoài ra, có 5 cầu thuộc địa bàn 4 huyện được thiết kế, xây dựng với quy mô cho phép xe tải hoạt động (cầu Thanh Nam - huyện Con Cuông; cầu Anh Sơn - huyện Anh Sơn; cầu Dùng và cầu Sông Giăng thuộc huyện Thanh Chương; cầu Châu Hội - huyện Quỳ Châu). Các cầu này đều bố trí người trực gác và thu phí (riêng cầu Sông Giăng - do Sở GTVT Nghệ An quản lý chỉ bố trí người trực gác, không thu phí). Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an toàn giao thông, hầu hết các địa phương chưa thực hiện đầy đủ và đúng quy định như: Chưa bố trí trực gác cầu, thiếu biển hạn chế tải trọng qua cầu, biển hạn chế tốc độ, biển nội quy qua cầu hầu hết còn thiếu hoặc chưa đúng quy định. Vì thực tế, việc ngăn cấm các loại xe có tải trọng lớn hơn thiết kế qua cầu gặp nhiều khó khăn do chưa thể bố trí trực gác cầu 24/24h. Một số cầu đã được xây dựng từ lâu, tuổi thọ công trình cao nay đã xuống cấp trầm trọng nhưng tình trạng xe ô tô qua cầu vẫn còn nhiều, đến nay vẫn chưa được kiểm định lại để xác định khả năng chịu tải thực tế để nghiêm cấm các lại xe quá tải khi qua cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn. Đặc biệt, một số cầu có tình trạng để người dân mắc dây điện sinh hoạt vào cầu, rất nguy hiểm đến tính mạng con người. Mặt khác, khi có xe ô tô, máy kéo…qua cầu nếu gặp người bộ hành và xe đạp, xe máy lưu thông ngược chiều rất dễ xảy ra tai nạn. Trong khi đó, do khó khăn về kinh phí nên việc bảo trì cầu treo hầu hết chưa được thực hiện đúng theo quy định.
 
Trước thực trạng nhiều cầu treo thuộc các huyện miền núi bị xuống cấp nghiêm trọng, năm 2013 UBND tỉnh có quyết định đầu tư 21,25 tỷ đồng cho 8 huyện để sửa chữa 28 cầu. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn kinh phí, ngày 27/5/2014 UBND tỉnh đã có Quyết định số 2282 về việc giải quyết kinh phí 8 tỷ đồng cấp cho 6 huyện nâng cấp sửa chữa 8 cầu treo đã xuống cấp nghiêm trọng. Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông qua các cầu treo trên địa bàn tỉnh, trước đó, ngày 13/3/2014, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có Quyết định số 927 về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành rà soát kiểm tra, đánh giá hiện trạng hệ thống cầu treo trên địa bàn tỉnh và đề xuất tham mưu UBND tỉnh biện pháp khắc phục. 
 
Về phía Bộ GTVT, ngày 20/5/2014 Bộ đã phê duyệt Đề án xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên trong đó có 186 cầu và tỉnh Nghệ An được đầu tư xây dựng 12 cầu với tổng mức đầu tư 61,790 tỷ đồng. Cùng với đó, Bộ đã ban hành Thông tư 11 ngày 29/4/2014 về việc hướng dẫn thiết kế, thi công và nghiệm thu cầu treo dân sinh. Việc Thông tư ban hành là một hành lang pháp lý rất cần thiết góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn công trình cầu treo và an toàn cho nhân dân đi lại trên cầu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đến nay nhận thấy đối với một số cầu treo đang triển khai xây dựng, một số cầu đã lập xong hồ sơ thiết kế thi công đang tiến hành thủ tục đấu thầu theo đúng quy định thì một số hạng mục được thiết kế trước Thông tư 11 ban hành nên không đảm bảo các tiêu chí mới và  đang vướng mắc về kinh phí.
 
Theo ông Trần Khắc Xuân - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng - Sở GTVT cho biết: “Để việc quản lý, khai thác, sử dụng các cầu treo trên địa bàn tỉnh được thực hiện đúng theo quy định và bảo đảm an toàn toàn tuyệt đối, phát huy hiệu quả, Bộ GTVT, tỉnh cần bố trí nguồn kinh phí và chỉ đạo UBND các huyện khẩn trương sửa chữa các cầu treo bị xuống cấp. Khẩn trương phân công, phân cấp, tổ chức quản lý, bảo trì cầu treo đến các đơn vị quản lý theo đúng quy định. Bố trí trực gác cầu, tổ chức kiểm định chất lượng các cầu để có phương án khai thác phù hợp. Đồng thời rà soát lại thiết kế các cầu treo đang được đầu tư xây dựng để phù hợp với điều kiện khai thác đảm bảo an toàn tuyệt đối. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, nếu cần thiết phải dỡ bỏ cầu để đảm bảo an toàn”. 
 
Chủ trương xây dựng cầu treo nhằm mục đích xóa bỏ dần các bến đò ngang, đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ. Để đạt mục tiêu đề ra, rất cần sự quan tâm của các cấp các ngành, huy động các nguồn lực để nâng cấp sửa chữa, xây dựng hệ thống cầu treo phục vụ dân sinh, đảm bảo giao thông và góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.
 
Lê Thanh