(Baonghean) - Một thực trạng hiện nay là, các dự án cấp nước sạch triển khai chậm, thực hiện xã hội hóa cấp nước chưa hiệu quả và thiếu sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành liên quan cũng như người dân, nên năm 2013, cả 2 tiêu chí về nước sinh hoạt là nước sạch đạt tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế và nước hợp vệ sinh đều rất khó đạt được kế hoạch đề ra.
Mục tiêu năm 2013, địa bàn tỉnh Nghệ An tăng thêm 4% số dân được sử dụng nước sạch (tương đương 112.000 người). Theo đó, trong năm, một số Nhà máy sản xuất nước sạch tập trung công nghệ hiện đại (Nhà máy nước Xuân Thành, Hồng Thành, Văn Thành (Yên Thành), Diễn Bình (Diễn Châu)… mới hoàn thành, bắt đầu đi vào hoạt động, có thêm hàng chục nghìn người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, con số đó còn rất nhỏ để nâng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch trong 7 tháng đầu năm 2013. Điều này cho thấy, những tháng còn lại trong năm sẽ là “áp lực” rất lớn đối với việc hoàn thành kế hoạch đề ra.
Vấn đề khó khăn trong việc thực hiện chương trình nước sạch ở tỉnh ta là huy động nguồn vốn đầu tư, nhất là trong lĩnh vực xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung. Kế hoạch nguồn vốn cho các công trình nước sạch tập trung năm 2013 là hơn 122 tỷ đồng và sẽ bố trí nguồn vốn trả nợ 19 công trình đã hoàn thành, 14 công trình đang triển khai và 5 công trình khởi công mới. Đồng thời thực hiện Tiểu dự án cấp nước sạch Diễn Yên (Diễn Châu) do Ngân hàng Phát triển Châu Á - ADB hỗ trợ, nhưng đến nay mới giải ngân hơn 13,7 tỷ đồng, nên tiến độ các dự án cấp nước tập trung chậm.
Cùng với khó khăn đó, thì ở tỉnh ta việc thực hiện công tác xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước còn rất hạn chế. Thời gian qua, phần lớn các dự án cấp nước tập trung đều từ nguồn ngân sách Nhà nước, của các tổ chức quốc tế và người dân trong vùng hưởng lợi, mà chưa có những cá nhân, các doanh nghiệp, tổ chức trong nước đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung. Mặc dù tỉnh đã có cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội, như tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, doanh nghiệp, các tổ chức tìm hiểu, tiếp cận dự án, ưu tiên cấp đất, hỗ trợ vay vốn… nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Do đầu tư cho công trình cấp nước tập trung cần nguồn vốn lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn lại dài, hơn nữa sau khi hoàn thành xây dựng cần có phương án sản xuất - kinh doanh phù hợp mới phát triển được bền vững và hiệu quả. Bởi vậy, các tổ chức, cá nhân chưa thực sự “ mặn mà” bỏ vốn đầu tư.
Công trình cấp nước nhỏ ở xã Thanh Thủy (Thanh Chương).
Ông Nguyễn Ích Xuân - Trưởng Phòng thông tin, truyền thông -Trung tâm nước sạch - VSMTNT cho biết: “Trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 27% số dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế và với tiến độ như hiện nay, thì dự báo đến hết năm 2013 chỉ có khoảng 29,2% số dân nông thôn được sử dụng nước sạch (gần 818.000 người). Vì vậy, nếu không có những giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, thì điều có thể thấy trước là tỉnh ta sẽ khó hoàn thành mục tiêu nâng tỷ lệ người dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch lên 31% (gần 830.000 người) vào cuối năm nay”.
Trong lĩnh vực cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh thông qua việc đầu tư các công trình cấp nước nhỏ, lẻ ở vùng nông thôn cũng đang gặp nhiều vấn đề cần giải quyết. Trong năm 2013, kế hoạch đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các công trình cấp nước nhỏ, lẻ của Chương trình 135 - CP là 6 tỷ đồng, và Chương trình 30 a là 15.000 tỷ đồng, nhưng đã không có vốn triển khai. Bởi thiếu hụt nguồn vốn quan trọng đó, nên cho dù dòng vốn từ tín dụng ưu đãi (Quỹ quay vòng của Hội phụ nữ, Ngân hàng chính sách…) đạt 120% kế hoạch và nguồn đóng góp của người dân lên đến hơn 80 tỷ đồng… nhưng cũng chỉ đạt tỷ lệ 2,49%/KH 3% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Với con số đó, mới chỉ góp phần nâng được tỷ lệ 68,5%/KH 70% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh vào cuối năm 2013.
Mặc dù việc đầu tư công trình cấp nước nhỏ, lẻ (gồm giếng khơi, giếng khoan, bể chứa nước…) chi phí không cao, nhưng vẫn có nhiều hộ dân không thực hiện được. Nguyên nhân là gặp khó khăn về kinh tế, thuộc diện hộ nghèo, địa bàn miền núi cao và hiểm trở… Một vấn đề bức xúc hiện nay ở các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong… là người dân thiếu nước sạch, nhưng nhiều công trình cấp nước tự chảy lại không sử dụng vì hư hỏng, mà chính quuyền địa phương không có biện pháp khắc phục kịp thời.
Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả của chương trình nước sạch nông thôn, cần thực hiện đồng bộ và lồng ghép các chương trình, dự án nước sạch nhỏ, lẻ, đồng thời ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn, hoặc xây dựng công trình cho người dân. Trong khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đang khó khăn, thì công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân tự đầu tư xây dựng công trình cấp nước nhỏ, lẻ là rất cần thiết.
Năm 2013, cả 2 tiêu chí về nước sinh hoạt là nước sạch đạt tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế và nước hợp vệ sinh, đều rất khó đạt được kế hoạch. Điều này đồng nghiã với việc còn rất nhiều người dân vùng nông thôn sống trong tình trạng thiếu nước sạch, hoặc phải sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đạt tiêu chuẩn và trách nhiệm này, trước hết thuộc về các cấp, ngành chức năng.