(Baonghean) - Năm 2013, sản lượng lương thực cây có hạt của nghệ an ước đạt gần 1,2 triệu tấn. Có được kết quả đó, là nhờ áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, đặc biệt là các loại giống tiến bộ được đưa vào ngày càng nhiều, tạo nên sự thay đổi cơ bản về năng suất, sản lượng và cả chất lượng các loại cây trồng.

Nhìn lại “lịch sử”, những năm 1970 trở về trước, Nghệ An gieo cấy mỗi năm 2 vụ lúa là vụ chiêm và vụ thu mùa. Trong đó vụ chiêm sử dụng các giống lúa chiêm địa phương như chiêm tép, chiêm dâu…, năng suất bình quân chỉ đạt 16- 18 tạ/ha; vụ thu gieo cấy bằng các giống ngắn ngày như Ba tháng, lúa bát, bát ngoạt để gặt sớm chạy lụt, còn lại vụ mùa chính vụ sử dụng các giống địa phương như lúa lốc, lúa ré, lúa cằm…, năng suất từ 15- 16 tạ/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt trên dưới 300 nghìn tấn. Đến thời kỳ 1970- 1980, với cuộc cách mạng xanh chủ đề “lúa xuân thay thế lúa chiêm”, được coi là cuộc cách mạng đầu tiên và mạnh mẽ nhất về KHKT trong nông nghiệp của Việt Nam.

Nhờ đó, giống lúa xuân NN8 đã thay thế một phần không nhỏ các giống lúa cũ ở Nghệ An, đưa năng suất lúa bình quân ở Nghệ An tăng lên trên 18 tạ/ha, sản lượng lúa tăng lên gần 340 nghìn tấn. Nhưng cái mốc quan trọng trong sản xuất nông nghiệp là: với các giống lúa ngắn ngày NN75-10 và CR203, Nghệ An đã hình thành thêm được vụ sản xuất hè thu, vụ lúa chiêm thành vụ lúa xuân và vụ lúa thu mùa bấp bênh, năng suất thấp thành vụ hè thu né tránh lụt bão.

Đến bây giờ, kỹ sư Doãn Trí Tuệ (nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật - Sở NN&PTNT) vẫn chưa quên cái ngày, ông được Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quang Đạt giao nhiệm vụ đưa giống lúa NN75-10 ra sản xuất thử trên 36 ha ở xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Lưu). Thành công ngay từ vụ đầu tiên, sản xuất hè thu đạt tới 42- 46 tạ/ha. Từ đó, mô hình tiếp tục được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh như Ba Tơ, Hưng Tiến (Hưng Nguyên), Liên Thành (Yên Thành), Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên)… và đến năm 1984, UBND tỉnh ra quyết định bỏ hẳn vụ mùa để chuyển sang sản xuất hè thu. Cũng từ thành công này, tại Quỳnh Hồng hình thành nên vụ khoai lang đông đầu tiên, mở đầu cho phong trào sản xuất vụ đông trên toàn tỉnh.

Để có được những thành công như ngày hôm nay, để sản lượng lương thực đạt ngưỡng gần 1,2 triệu tấn, không thể không nói đến việc đưa các giống lúa lai vào sản xuất, từ những năm đầu thập kỷ 1990 của thế kỷ trước.

Qua gần 20 năm, từ chỗ không tự túc nổi lúa gạo, Nghệ An trở thành một tỉnh có số dư về lương thực. Kết quả đó, có sự góp công không nhỏ của tập đoàn 8- 12 giống lúa lai năng suất cao như Khải phong, khang dân 18…

Như vậy, chạm được đến thành công, chúng ta đã trải qua cả một thời kỳ dài, với những con người tâm huyết, đưa các giống mới vào sản xuất. Một trong những doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh về sản xuất, kinh doanh giống, Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An là đơn vị tiên phong trong “cuộc cách mạng” đưa các loại giống mới, tiến bộ vào sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Ông Trương Văn Hiền (Tổng Giám đốc) cho biết: Xác định giống là vấn đề rất quan trọng và cần thận trọng, chúng tôi không buôn bán giống thuần túy mà chủ trương đi theo hướng từ nghiên cứu, sản xuất đến kinh doanh giống, nhằm tìm ra những loại giống thực sự phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu của Nghệ An. Để có được một giống mới lai tạo, phải qua ít nhất là 5 năm với 10 vụ sản xuất mới có thể khẳng định là giống có chất lượng hay không. Còn với những giống đã thành công ở nơi khác, khi đưa về Nghệ An, cũng phải khảo nghiệm ít nhất là 2 năm, 4 vụ.

Ngoài ra, hàng năm, hàng vụ đều phải chọn tạo, thuần hóa lại bằng quy trình chọn giống nguyên chủng, siêu nguyên chủng để thường xuyên có giống đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất. Bắt đầu sản xuất, kinh doanh giống từ năm 2004, đến nay đơn vị đã nghiên cứu chọn tạo thành công một số loại giống chất lượng. Điển hình là các giống lúa lai Q.ưu1, Q.ưu6 với năng suất có thể đạt 70- 80 tạ/ha, thời gian sinh trưởng vụ xuân 125- 130 ngày và vụ hè thu chỉ 100 ngày, đã được Bộ NN&PTNT công nhận giống quốc gia.

Bên cạnh đó, là các giống lúa thuần VTNA1, VTNA2, đặc biệt giống lúa VTNA2 đã được Bộ NN&PTNT công nhận đặc cách, với thời gian sinh trưởng 120- 125 ngày trong vụ xuân và 93- 97 ngày vụ hè thu, năng suất cao, chất lượng gạo khá, đã trở thành một trong những loại giống chủ lực trong sản xuất vụ xuân ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Hiện tại, đơn vị đã mua bản quyền giống lúa thơm DT68 của Viện di truyền với chất lượng gạo cao, năng suất có thể đạt 6-7 tấn, vụ hè thu năm nay đã được gieo trồng cả ngàn ha ở cả Nghệ An và Hà Tĩnh. Đơn vị cũng  đang tiến hành khảo nghiệm và nghiên cứu 6 loại giống có triển vọng tốt, trong đó có giống đặc sản gạo đỏ của Trung Quốc.

Từ sau năm 2010 đến nay, khi lương thực đã đủ và tiến đến dư thừa, cùng với nhu cầu của thị trường, giống lúa mới lại tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

801677_small_103893.jpg

Khảo nghiệm giống lúa thuần chất lượng cao AD1 ở Nam Đàn.

Ông Nguyễn Xuân Quế (Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn) cho biết: Với xu thế của thị trường, cùng việc các giống lúa thuần chất lượng cao được đưa vào ngày càng nhiều, đặt ra yêu cầu phải tăng diện tích lúa chất lượng cao để tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích từ 20- 30%. Theo đó, nhiều xã đã vượt chỉ tiêu về lúa chất lượng cao như Nam Trung, Vân Diên, Nam Kim, Nam Lộc, Nam Cường… Cũng từ các giống lúa phù hợp với điều kiện khí hậu, thời gian sinh trưởng ngắn, mà Nam Đàn có điều kiện làm thêm vụ đông, với các loại ngô, lạc, cá vụ 3…, đem lại nguồn thu đáng kể, góp phần không nhỏ vào tổng sản lượng lương thực hàng năm của huyện.

Nhìn rộng ra, trên bình diện chung cả tỉnh, năm 2010 cũng là cái mốc quan trọng trong chuyển đổi bộ giống phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khi sản lượng lương thực đã vượt so với nhu cầu thị trường, đòi hỏi những giống lúa chất lượng cao, ngay lập tức chúng ta chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng đó. Đến vụ xuân 2013, diện tích các loại lúa chất lượng như AC5, BC15, VTNA2… đã lên tới gần 20 nghìn ha.

Theo ông Từ Trọng Kim (Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT), những “cuộc cách mạng” về giống lúa đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của Nghệ An. Bộ giống lúa trước đây gồm các giống lúa thuần dài ngày như IR 1820, X21, X23 năng suất thấp, thời gian sinh trưởng dài 145 - 160 ngày, đã được thay thế bằng các giống lúa tiến bộ hơn như khang dân 18, lúa lai nhị ưu 838… tạo điều kiện cho sản xuất vụ đông phát triển mạnh. Những năm 2005- 2006, năng suất lúa của Nghệ An đạt bình quân 46 tạ/ha, trong đó diện tích lúa lai khoảng 83 ngàn ha, năng suất trung bình đạt gần 60 tạ/ha. Cơ cấu giống lúa lai trong vụ đông xuân chủ yếu gồm các giống Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Khải phong 1, Q.ưu1, trong đó giống Nhị ưu 838 là chủ yếu.

Vụ hè thu giống chủ lực là khang dân, chiếm khoảng 38.000 ha, nhóm lúa thơm chiếm khoảng 3.000 ha, chủ lực là giống bắc thơm và hương thơm số 1. Thế nhưng, các loại giống này đều bộc lộ dần nhược điểm. Giống lúa lai nhị ưu 838 được gieo trồng ở Nghệ An từ nhiều năm, chất lượng gạo không ngon, có hiện tượng thoái hóa và nhiễm một số sâu bệnh như đạo ôn, bạc lá khô vằn... Giống lúa thuần khang dân cũng gieo trồng tại Nghệ An trên 10 năm, năng suất đã chạm trần và đang có xu hướng giảm vì nhiễm sâu bệnh và thoái hoá. Gạo hương thơm số 1 có mùi thơm nhưng chất lượng cơm không ngon, mùi thơm chỉ duy trì được một thời gian ngắn, nên giống này cũng không được mở rộng.

Vì vậy, việc tuyển chọn và phát triển các giống lúa mới năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp với các vùng sinh thái, nhằm bổ sung vào bộ giống lúa của các địa phương và thay thế dần các giống lúa cũ đã được tỉnh cũng như các doanh nghiệp nhanh nhạy trên địa bàn quan tâm. Hiện tại, với bộ giống mới năng suất cao, chất lượng gạo tốt như các giống lúa lai Syn6, BTE1, nghi hương 2308, lúa thuần HT1, bắc thơm số 7, năng suất không thấp thua nhiều so với lúa lai, nhưng chất lượng hơn hẳn, vẫn đảm bảo được vấn đề năng suất và sản lượng. Có thể nói, với công nghệ lai tạo giống hiện đại, chọn được những loại giống năng suất cao, chất lượng tốt của cả quỹ gen trên thế giới, đã không còn khái niệm lúa thuần năng suất thấp nữa.

Một điều dễ nhận thấy là, từ thành công của việc đưa các giống mới vào sản xuất, đã thúc đẩy và thay đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ. Huyện Diễn Châu là một trong những địa phương được coi là có những bước đi nhanh nhạy trong sản xuất nông nghiệp nói chung, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất nói riêng, bà Hoàng Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Việc đổi mới cơ cấu bộ giống theo hướng tích cực, góp phần rất lớn vào tăng hiệu quả sản xuất và thực hiện thâm canh tăng vụ. Những diện tích đất lúa trước đây vốn chỉ sản xuất được 2 vụ chiêm xuân và lúa mùa, thì nay có thêm sản xuất vụ đông, đem lại giá trị kinh tế rất cao, góp phần tăng sản lượng lương thực trên địa bàn.

Với bộ giống mới, tiến bộ, sẽ chủ động hơn trong sản xuất, tránh được tình trạng phải đẩy vụ xuân sớm để làm hè thu. Trước đây các giống lúa dài ngày như nhị ưu 838 có thời gian sinh trưởng tới 125- 130 ngày, không những vụ xuân phải chỉ đạo làm sớm hơn, mà sản xuất hè thu cũng rất bấp bênh, sợ mưa lụt. Về năng suất cũng tăng lên đáng kể, trước đây, vụ hè thu ở Diễn Châu thường chỉ đạt năng suất 45- 50 tạ/ha, vụ xuân 65- 66 tạ/ha, nay vụ hè thu đạt 50- 55 tạ/ha và nếu năm nào năng suất vụ xuân đạt dưới 70 tạ/ha thì coi như “mất mùa”.

Để đưa được các giống mới vào sản xuất thành công, theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, trước hết phải nắm được nguồn gốc giống, tiềm năng và triển vọng của loại giống đó đối với điều kiện khí hậu, đồng đất của địa phương. Khi đã có được giống lúa mới tiến bộ, đáp ứng được yêu cầu, nhất thiết phải tổ chức thực hiện tốt quy trình sản xuất, thâm canh, có theo dõi, đánh giá đầy đủ. Theo quy trình, bất cứ một giống lúa mới nào dù đã thành công ở các vùng, miền khác, nhưng để vào được Nghệ An, luôn đòi hỏi phải qua các bước khảo nghiệm, sản xuất thử, qua mô hình trình diễn, nếu thẩm định đạt yêu cầu, ngành chủ quản là Sở NN&PTNT công nhận thì mới được đưa ra sản xuất trên diện rộng.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Hương (Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu) thì, dù là giống đã được công nhận, nhưng khi về các địa bàn cụ thể, vẫn rất cần sự xem xét cẩn thận, khuyến cáo người dân chọn từng loại giống cụ thể phù hợp nhất với điều kiện canh tác, cũng như nhu cầu về sản phẩm của từng vùng. Bên cạnh đó, do giống là vấn đề nhạy cảm, nên cần có sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ về quy trình sản xuất, cả về thời vụ, thâm canh, sâu bệnh, nếu không sẽ rất dễ thất bại, làm mất niềm tin của nông dân.

Qua nhiều năm đưa các giống lúa mới vào sản xuất, có thể khẳng định, chúng ta đã thay đổi được toàn bộ quần thể giống năng suất thấp, chất lượng kém trước đây bằng bộ giống có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng sinh trưởng tốt, phần lớn đều gieo cấy được cả 2 vụ trong năm, góp phần rất lớn vào đạt mục tiêu 1,2 triệu tấn lương thực. Cũng nhờ đó, từ 2 vụ sản xuất là chiêm xuân và vụ mùa, Nghệ An đã có thêm vụ hè thu né được lụt bão cuối vụ, thêm sản xuất vụ đông hiệu quả cao.


Phú Hương