(Baonghean) - Trước đây, thường chỉ nghe nói, nhà sản xuất Việt gán đủ thứ nhãn, mác “ngoại” lên sản phẩm, dù là những mặt hàng nhỏ hay lớn, thậm chí chỉ sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đó là "căn bệnh" do sự yếu kém của nền sản xuất trong nước sinh ra và được "chữa" bằng “tư duy” hội nhập được cho là “nhạy bén”. Phong trào "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" được phát động.
Theo đó, các nhà sản xuất trong nước đã tích cực đổi mới phương thức sản xuất, đầu tư thiết bị hiện đại, thay đổi mẫu mã sản phẩm, nâng cao chất hượng hàng hóa, giữ ổn định về giá cả, linh hoạt trong giới thiệu, quảng bá và bán hàng... Chủ trương của Nhà nước, cùng với nỗ lực của nhà sản xuất, đơn vị cung ứng hàng hóa đã được người tiêu dùng “Việt” nhiệt tình “đáp lễ” bằng việc lựa chọn hàng Việt Nam để sử dụng. Hàng ngoại bị quay lưng. Ngay lập tức "mác" hàng Việt lại bị đánh cắp, trở thành vật chứng để lấy lòng tin người tiêu dùng... Hàng ngoại “đội lốt” hàng Việt đã xuất hiện tràn lan trên các sạp hàng.
Bị “nhái” nhiều nhất là các nhãn, mác thuộc ngành hàng may mặc. Trước xu thế, các thương hiệu thời trang nội chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng, thì hàng ngoại, chủ yếu là hàng Trung Quốc với giá trị “thật” rẻ như “bèo”, do chất lượng kém, được nhiều cửa hàng kinh doanh cố tình lập lờ để kiếm lợi bất chính. Rất cầu kỳ chọn bằng được một chiếc áo có mác ghi rõ Made in Việt Nam với giá 650.000 đồng trong cửa hàng với biển hiệu "Hàng Việt Nam xuất khẩu" trên đường Hồ Tùng Mậu - TP. Vinh.
Chị Phạm Phương Nga (khối 6- phường Trường Thi) giải thích, giá hơi cao, nhưng tiền nào của nấy, hơn nữa lại ủng hộ hàng nội. Nhưng một lần mua sắm tại cửa hàng thời trang trên đường Đặng Thái Thân, chị Nga nhìn thấy chiếc áo giống hệt, với giá chỉ 450.000 đồng nhưng lại gắn mác Made in China. Còn tại một cửa hàng Made in VietNam trên đường Nguyễn Văn Cừ, 2 chiếc quần “Alibaba” vải đũi, cùng chủng loại, màu sắc, nhưng một chiếc gắn mác Made in Việt Nam, chiếc còn lại thì không. Hỏi về điều này, chủ cửa hàng không hề giấu diếm: Cái mác đó không quan trọng. Nếu em thích, chị có thể may thêm vào cho. Thực tế, trên thị trường, những sản phẩm được cho là hàng Việt Nam “xuất khẩu” đều gắn mác Made in VietNam. Kỳ thực, làm gì có công ty nào mang tên như vậy!? Hiện nay, bất kỳ người kinh doanh lớn hay nhỏ đều không khó khăn gì để có được những chiếc nhãn mác đó.
"Hàng Việt Nam xuất khẩu" bày bán trên đường Lê Hồng Phong (TP Vinh).
Theo chị Hoàng Lan Anh, chủ một cửa hàng Made in Vietnam trên đường Trần Phú, các cửa hàng Made in Vietnam có hai dạng chính, gồm: Thương hiệu Vietbrothers và shop tư nhân tự phát. Hệ thống Vietbrothers thành lập từ năm 2003, đã đăng ký bản quyền từ năm 2008 gồm 14 cửa hàng, chuyên bán hàng thời trang Việt xuất khẩu sang các nước châu Âu và Mỹ. Trước đây, nguồn hàng mang thương hiệu Việt trên thị trường nội, chủ yếu là hàng lỗi, xuất khẩu đi các nước châu Âu bị thừa, hoặc quần áo gia công (vải và thiết kế theo nước ngoài nhưng may tại Việt Nam).
Thời gian gần đây, các thương hiệu lớn như May 10, Nhà Bè, Việt Tiến,... Chú trọng nhiều hơn đến thị trường trong nước, nên những lô hàng chất lượng đảm bảo, sản xuất dành riêng cho người tiêu dùng nội được quan tâm. Có không ít shop nhỏ lẻ nhập hàng Trung Quốc, hàng không rõ nguồn gốc rồi tự “phong” hàng Việt chuyên xuất khẩu. Ngoài ra, cũng không thiếu những sản phẩm “nhái” theo dạng chủ hàng tự may theo mẫu hàng thời trang có sẵn. Những sản phẩm thủ công copy này được các chủ cửa hàng dán nhãn, tự phong thành hàng Việt Nam xuất khẩu để đẩy giá thành lên cao. Người tiêu dùng rất dễ bị nhầm lẫn.
Ông Lê Anh Tuấn, cán bộ phụ trách kinh doanh Công ty TNHH Thương mại Việt Tiến tại Nghệ An cho rằng: Thực tế, hàng Việt Nam xuất khẩu "xịn" trên thị trường rất ít. Một loại là hàng do các hãng nước ngoài thuê nhân công Việt may gia công, nguyên phụ liệu 100% nhập từ chính hãng, xuất khẩu đi các nước EU, Châu Mỹ... Không được phép bán trực tiếp tại Việt Nam. Muốn bán tại Việt Nam phải nhập khẩu lại từ nước ngoài. Chính vì thế giá sản phẩm rất cao vì chịu 2 lần thuế xuất khẩu, nhập khẩu, chi phí vận chuyển, VAT… Chỉ có một số sản phẩm sau khi gia công, không được xuất đi như hàng mẫu, hàng tồn kho, hàng trưng bày…
Và số ít hiếm hoi ấy bằng cách nào đó được tuồn ra ngoài, tiêu thụ trên thị trường. Còn một loại là hàng Việt Nam xuất khẩu do nhà máy ký hợp đồng, tự gia công, nguyên phụ liệu tự sản xuất, thường là những nhãn hàng của một số nhà máy sở hữu. Chất lượng của loại này thường kém hơn loại trên. Hàng Made in Vietnam luôn ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ. Các chữ trên mác rõ nét, không phai màu.
Để tìm đúng hàng chuẩn, đảm bảo chất lượng, khách hàng phải chú ý đến nhãn mác (có đính kèm giải mã các ký hiệu hướng dẫn sử dụng) đến đường may ở khóa, cúc. Điểm yếu lớn nhất của hàng Việt là thiết kế mẫu mã và phụ kiện đi kèm còn chưa đa dạng; các phụ kiện như cúc, khóa, chỉ vẫn phải liên doanh hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc... gây nhiều bất tiện cho hãng sản xuất. Nếu tự sản xuất được các phụ kiện chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ thấp và cung ứng được cho nhiều người tiêu dùng hơn.
Tương tự như hàng may mặc, khắp các chợ và cửa hàng bán lẻ hiện nay, đâu đâu cũng bắt gặp những sản phẩm “nhái”, không rõ nguồn gốc. Từ hàng mỹ phẩm, giày dép, túi xách cho đến hàng thực phẩm như rau, củ, quả… Một số sản phẩm tiêu dùng khác thì đánh lừa người tiêu dùng bằng cách dán nhãn bao bì là hàng chính hãng, hoặc hàng có thiết kế châu Âu, Mỹ, Nhật... Sản xuất tại Trung Quốc. Chiêu thức này chủ yếu được sử dụng với sản phẩm điện tử, điện lạnh và hàng máy móc gia dụng... Vậy nên dù người Việt có ý “tẩy chay” hàng Trung Quốc đi nữa thì cũng chưa chắc đã mua đúng hàng Việt. Ví như mặt rau, củ, đối với hành, tỏi, cà rốt Trung Quốc người tiêu dùng có một cách phân biệt rất dễ nhờ vào giá cả và mẫu mã; hành, tỏi ta có mẫu mã xấu hơn, dễ bị hỏng và giá lại thường cao hơn 2 đến 3 lần. Còn hành, tỏi Trung Quốc củ to hơn, bóng, đều, vỏ mỏng và dễ bóc.
Tuy nhiên, nhiều người bán hàng không bao giờ thừa nhận sự khác biệt đó của hàng Trung Quốc, mà họ giải thích thứ hàng đó có xuất xứ từ Đà Lạt. Với mặt hàng trái cây, trên thị trường hàng Trung Quốc cũng đang chiếm lĩnh khá nhiều, có thể nói là “áp đảo”, nhưng người bán luôn gắn với tên của một nước khác, tránh xuất xứ từ “Tàu” để người dân mua, như quýt Thái, nhãn Thái; nho Mỹ, táo đỏ New Zealand… Riêng với trái cây Việt Nam, Trung Quốc cũng "mượn" không ít thương hiệu như cam Vinh, cam vàng Hòa Bình, táo mèo Lạng Sơn... Gần đây nhất là vụ "nho Việt Nam dán cờ Trung Quốc” bị khách hàng phát hiện tại Siêu thị BigC ở Hà Nội gây nên một luồng phản đối mạnh mẽ trong dư luận. Cho đến giờ, người tiêu dùng vẫn không hề biết số hàng trên có thực sự được trồng ở Binh Thuận như khẳng định của nhà cung cấp hay không?!
Thực tế, không phải hàng Trung Quốc nào cũng xấu, cũng độc hại và không đảm bảo chất lượng. Nhiều khách hàng vẫn yên tâm dùng hàng " Made in China” bởi biết rõ nguồn gốc xuất xứ và phù hợp với yêu cầu của họ. Không phải người Việt nào cũng tẩy chay hàng Trung Quốc, điều cốt yếu nhất là họ có quyền biết sản phẩm mà mình mua có xuất xứ từ đâu để quyết định lựa chọn. Người tiêu dùng không thể tự kiểm chứng được điều này.
Cần phải có sự vào cuộc của các chuyên gia và cơ quan Quản lý thị trường. Khi hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ được "hô biến" thành hàng Việt, chắc chắn cả những người tiêu dùng ở vùng sâu, lẫn người ở khu vực thành phố đều khó tránh "lưới" hàng rởm. Dĩ nhiên, khách hàng sẽ mất niềm tin vào thị trường hàng hóa nước nhà. Hơn nữa, bao công sức, chi phí dành để thực hiện cuộc vận động "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" bị uổng phí.
Để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất Việt, rất cần sự vào cuộc thấu đáo, quyết liệt của ngành chức năng. Song song với đó, hơn ai hết, mỗi doanh nghiệp cần nâng cao ý thức và đạo đức trong kinh doanh, đảm bảo hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích cộng đồng, lớn hơn là của đất nước.