bna__mai_hoa6649069_1562020.jpgBáo cáo với đoàn giám sát của HĐND tỉnh, ông Hồ Sỹ Dũng - Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện thành phố Vinh khẳng định, việc thực hiện chỉ tiêu cai nghiện tự nguyện chưa đạt chỉ tiêu giao do người nghiện không tự giác vào cai nghiện. Ảnh: Mai Hoa

Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện thành phố Vinh là nơi tiếp nhận, cai nghiện và quản lý từ 200 – 250 học viên trên địa bàn thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và huyện Hưng Nguyên theo 2 hình thức: cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện.

Ngoài các hoạt động điều trị cắt cơn, giải độc, chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy, cơ sở cũng quan tâm công tác giáo dục, dạy nghề cho học viên.

Bên cạnh đó, cơ sở tổ chức nhiều hoạt động lao động, sản xuất vừa mang tính trị liệu, vừa gắn với tổ chức các sinh hoạt văn hóa, thể thao, tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh cho học viên.

Học viên trang trí khuôn viên cơ sở. Ảnh: Mai Hoa

Cùng với quản lý và tổ chức cai nghiện cho người nghiện, tại cơ sở còn tiếp nhận, quản lý đối tượng trong thời gian chờ lập hồ sơ, xem xét quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thông qua cuộc làm việc, đoàn giám sát ghi nhận một số khó khăn, bất cập và kiến nghị từ cơ sở. Đó là, mặc dù quy mô tiếp nhận, quản lý 200 – 250 học viên, nhưng hiện cơ sở chỉ có có tổng 30 người làm việc, trong đó 18 biên chế và 12 hợp đồng lao động không xác định thời gian.

Ông Hồ Sỹ Dũng – Giám đốc cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện thành phố Vinh cho rằng, khó đưa người cai nghiện tự nguyện vào cơ sở. Ảnh: Mai Hoa

Đặc biệt, ở cơ sở, ngoài thực hiện nhiệm vụ cắt cơn, giải độc, chăm sóc sức khỏe cho người nghiện thì có những người phải điều trị các bệnh xã hội, các bệnh tổn thương não khu trú và ngoại biên do sử dụng ma túy đá; trong khi đó nhân viên y tế chỉ có 3 người rất khó khăn khi cắt cử nghỉ luân phiên theo Luật Lao động. 

Đoàn giám sát tìm hiểu hiệu quả điều trị cắt cơn tại cơ sở. Ảnh: Mai Hoa

Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng ghi nhận, tỷ lệ cai nghiện thành công đang quá thấp. Thông qua quản lý người nghiện ra, vào tại cơ sở thì có đến 80% người nghiện trở lại cơ sở lần 2, lần 3. Đó còn là một số bất cập về cơ sở vật chất, nhất là hệ thống xử lý nước thải tại cơ sở.

Từ thực tiễn của cơ sở, Ban Pháp chế HĐND tỉnh sẽ tổng hợp để báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh đưa vào chương trình kỳ họp HĐND tỉnh tới để xem xét, tìm giải pháp tháo gỡ.

Các học viên tham gia tăng gia sản xuất rau xanh, đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm cho cơ sở. Ảnh: Mai Hoa