Sau khi các nhà lập pháp bác bỏ nỗ lực thứ 2 của chủ nhân số 10 phố Downing hòng tổ chức bầu cử sớm để giải quyết thế bế tắc Brexit, hiện ông Johnson đang trong thế bước “khập khiễng” hướng về một hội nghị thượng đỉnh quan trọng của EU vào tháng tới, chỉ vài ngày trước lịch Brexit dự kiến.
Thất bại nối tiếp nhau
Đêm 9/9, ông Johnson quyết định đình chỉ hoạt động của Quốc hội. Động thái được đưa ra sau một buổi tối không mấy dễ chịu, khi chính phủ của ông mất 2 phiếu trong quốc hội, “góp phần” vào con số 4 ghế để mất hồi tuần trước.
Song song với việc bác bỏ động thái của Thủ tướng nhằm tổ chức tổng tuyển cử sớm, Quốc hội Anh hôm đầu tuần cũng đã buộc các phụ tá cấp cao của Johnson tiết lộ những trao đổi liên lạc riêng tư về tất cả các vấn đề liên quan đến nội dung đình chỉ hoạt động của Quốc hội.
Theo một số chuyên gia phân tích, xét cho cùng, điều này không ảnh hưởng nhiều đến chính trường xứ sương mù, nhưng lại là sự đánh dấu một thất bại bẽ bàng khác nữa đối với một gương mặt lãnh đạo mới toanh.
Tuần trước, giới lập pháp đã giành quyền kiểm soát tiến trình trong nghị viện từ chính phủ của ông Johnson. Sau đó, họ đã thông qua dự luật nhằm buộc thủ tướng phải yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) gia hạn Brexit.
Điều này, về mặt lý thuyết nhằm loại trừ khả năng diễn ra Brexit “cứng”, tức không có thỏa thuận nào đi kèm vào ngày 31/10 tới. Cuối cùng, trong những phương án được đưa ra tại quốc hội, nơi mà ông Johnson đã để mất thế đa số, một lần nữa ông đã thử và thất bại trong nỗ lực kêu gọi diễn ra bầu cử sớm.
Theo CNN, việc Thủ tướng Anh đình chỉ hoạt động của Quốc hội diễn ra vào thời điểm hệ trọng trong tiến trình Brexit và đã tạo ra những ngày được ví là “điên cuồng” chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 1 tháng.
Quốc hội sẽ trở lại làm việc vào ngày 14/10, sau khi các đảng lớn tổ chức xong các hội nghị thường niên trong đảng. 3 ngày sau đó, 27 thành viên khác của EU sẽ nhóm họp thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ.
Tại đây, bất kỳ sự gia hạn hay thay đổi nào đối với thỏa thuận Brexit, nếu có, sẽ diễn ra. Nếu các bên nhất trí trao cho Johnson một thỏa thuận mới - điều mà ông khẳng định là mục tiêu chính của chính phủ Anh - thì nhà lãnh đạo này cũng chỉ có thời gian ít ỏi là 2 tuần lễ để Quốc hội thông qua thỏa thuận.
Phương án này có vẻ không mấy khả quan, bởi những điều khoản mà ông Johnson đưa ra đối với thỏa thuận mới lại phá vỡ “lằn ranh đỏ” về Brexit mà EU đã vạch ra.
Quan điểm của EU cho rằng Anh chưa đề xuất được những phương án thay thế khả dĩ cho thỏa thuận Brexit một lần nữa được lãnh đạo Ireland Leo Varadkar nhấn mạnh khi tuyên bố trước báo giới khi đứng cạnh ông Johnson hôm 9/9 tại Dublin:
“Đúng là chúng tôi cởi mở với những lựa chọn thay thế. Nhưng chúng phải mang tính thực tế, ràng buộc về pháp lý và có thể thực hiện được. Đến nay, chúng tôi chưa nhận được đề xuất nào như vậy”.
Kịch bản nào cho Johnson?
3 kịch bản có thể xảy ra trong bối cảnh hiện nay, nhưng cần lưu ý rằng, mỗi kịch bản cũng đều dẫn tới việc gây ra những hỗn loạn, rối ren tại thủ đô London của xứ sở sương mù.
Thứ nhất, Thủ tướng Johnson có thể tuân theo luật được Quốc hội thông qua tuần trước, yêu cầu hoãn Brexit. EU có thể chấp nhận yêu cầu này, và tạm thời viễn cảnh “không thỏa thuận” có thể tránh. Sau đó, khi mọi người “nghỉ lấy hơi”, thì mọi chuyện mới diễn biến phức tạp.
EU, nhất là nước Pháp, đã nêu rõ rằng sẽ chỉ cho phép gia hạn lần thứ ba nếu có những thay đổi căn bản trong tính toán chính trị của Vương quốc Anh.
Trên thực tế, thay đổi căn bản đồng nghĩa với tổ chức bầu cử, và đây là điều mà phe đối lập sẽ ít khả năng phản đối ở giai đoạn ấy, khi mà phương án Brexit cứng tạm thời đã không còn nằm trên bàn lựa chọn.
Nhưng điều này cũng có nghĩa rằng gia hạn sẽ chỉ được thông qua với điều kiện chắc chắn sẽ diễn ra bầu cử.
Lựa chọn thứ hai sẽ chứng kiến EU từ chối đề nghị gia hạn của Johnson. Ông sẽ trở lại London đối mặt với 2 sự chọn lựa: hồi sinh thỏa thuận Brexit đã bại trận 3 lần của cựu Thủ tướng Theresa May hoặc chấp nhận không thỏa thuận như mặc định.
Điều này sẽ dẫn tới 2 tuần lễ hỗn loạn, khi phe đối lập tìm cách buộc tổ chức tổng tuyển cử thông qua kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm trong chính phủ của ông Johnson.
Phương án thứ ba cũng tương tự phương án thứ hai, nhưng có thêm đôi chút phức tạp về pháp lý. Nếu Johnson từ chối yêu cầu gia hạn, ông sẽ phớt lờ một nội dung quy định pháp lý. Khi ấy, ông có thể đối diện với việc bị luận tội, hoặc xa hơn là bị tống giam.
CNN nhận định, không có gì phải hoài nghi về việc mức hỗn loạn được “thiết kế” này, sẽ giảm dần khi tiến tới hạn chót Brexit 31/10, là một động thái hữu ý của chính phủ Anh.
Giới cố vấn thân cận của ông Johnson đến nay không giấu diếm suy nghĩ rằng họ tin Quốc hội Anh đang tích cực phớt lờ nguyện vọng của người dân về Brexit và chỉ thích thú tham gia các cuộc tranh biện với dân chúng.
Johnson muốn bầu cử sớm vì ông tin kế hoạch Brexit “một mất một còn” của ông sẽ giúp ông giành thế đa số trong Quốc hội. Đó là lý do tại sao ông cố gắng giành được lá phiếu ủng hộ thông qua Quốc hội đêm 9/9.
Giờ đây, khi yêu cầu đã bị bác bỏ, Johnson nhận thấy bản thân gần như đã không còn sự lựa chọn. Vướng vào “mạng nhện” pháp lý và hiến pháp, Thủ tướng Anh đã đình chỉ Quốc hội và rút lại sự ủng hộ đối với những người phản đối, bằng cách tước khỏi tay họ thứ cuối cùng mà ông có thẩm quyền - thời gian của quốc hội.
Đó là một động thái mạo hiểm, nhưng những thời điểm tuyệt vọng cần những biện pháp cực đoan. Và nếu lá bài cuối của Johnson không đạt được mục đích, có lẽ nhà lãnh đạo này chỉ còn một bước đi duy nhất: triệu tập Quốc hội và kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính mình.