Các cử tri Nga sẽ bầu chọn ra thống đốc của 16 khu vực và hội đồng lập pháp tại 13 địa phương và khu vực; bầu vào cơ quan lập pháp thành phố (Duma thành phố) tại 22 trung tâm hành chính; bầu cử bổ sung vào Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) theo 4 khu vực bầu cử ủy nhiệm tại các tỉnh Khabarovsk, Novgorod, Sverdlovsk và Orlov.
Cuộc bầu cử địa phương lần này được theo dõi sát sao nhất trong nhiều năm qua, do gần hai tháng nay cử tri Nga đã tổ chức biểu tình quy mô lớn phản đối Ủy ban Bầu cử Trung ương loại bỏ các ứng viên đối lập khỏi danh sách tranh cử.
Các cuộc biểu tình bùng phát tại Nga từ giữa tháng 7/2019 sau khi Ủy ban bầu cử Trung ương từ chối đơn đăng ký tranh cử của nhiều ứng viên đối lập với lý do những người này không thu thập đủ chữ ký ủng hộ.
Theo quy định, các ứng viên trong cuộc bầu cử địa phương phải thu thập chữ ký ủng hộ từ 5-10% của đại biểu thành phố và cử tri. Do đó, trong cuộc bầu cử lần này, phạm vi quan sát được mở rộng hơn, các quy trình của khu vực bầu cử đều diễn ra dưới sự giám sát chặt chẽ của các quan sát viên.
Mặc dù, Ủy ban bầu cử Trung ương, cũng như Ủy ban bầu cử địa phương đều ghi nhận không có bất kỳ vi phạm nghiêm trọng nào xảy ra, tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu ban đầu đang trở thành chủ đề gây tranh cãi.
Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matvenko tuyên bố chiến dịch bầu cử đã thành công, minh bạch, có tính cạnh tranh cao. Sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, dự kiến 16-17 thượng nghị sỹ mới sẽ đến Quốc hội. “Đây là thế hệ cán bộ mới, mang hơi thở mới. Chúng tôi rất kỳ vọng”, bà Matvenko bày tỏ.
Trong khi đó, một số chính trị gia đối lập khác lại cho rằng cuộc bỏ phiếu hôm 8/9 không phải là bầu cử thực sự. Ứng viên Daria Besedina, Đảng Yabloko (Đảng Quả táo) đã viết trên Twitter: “Không có các cuộc bầu cử thực sự - nhiều ứng viên rõ ràng có thể chiến thắng đã không được tham gia tranh cử”. Ứng viên này cho biết, trong cuộc họp đầu tiên sắp tới, bà sẽ kêu gọi Quốc hội Moskva tự giải tán.