(Baonghean) - Hiện là thời hạn cuối cùng cho những thí sinh nộp nguyện vọng 3 vào các trường đại học và cao đẳng. Thế nhưng, có rất nhiều trường đại học địa phương và đại học dân lập gặp khó khăn trong xét tuyển nguyện vọng 3. Hiện tượng này đã xảy ra một vài năm trở lại đây và cho đến thời điểm này, các trường vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Đến thời điểm này, mới chỉ khoảng 50% trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh tuyển đủ thí sinh. Tại một số trường, nhiều khoa thuộc các ngành sư phạm và xã hội có nguy cơ không tổ chức được lớp học. Chẳng hạn ngành Sư phạm kỹ thuật, dù là ngành học chính và là ngành sinh viên không phải đóng tiền học phí nhưng mỗi năm chỉ nhận được khoảng 10 bộ hồ sơ đăng ký nhập học.
 
Trong khi các trường đại học trên địa bàn "khát" thí sinh, đã vận dụng tối đa quy chế tuyển sinh, hạ điểm chuẩn xuống còn 6-7 điểm nhưng vẫn không có hồ sơ, thì tại Trường ĐH Y khoa Vinh, nhiều năm liền các hệ trung cấp, cao đẳng luôn quá tải hồ sơ đăng ký. Năm học 2011-2012, các hệ này vẫn rất đông thí sinh có nhu cầu và mặc dù là năm đầu tiên tổ chức tuyển sinh bác sỹ đa khoa hệ ĐH nhưng điểm xét tuyển cũng cao chót vót: 20 điểm (nguyện vọng 1), 22,5 điểm (nguyện vọng 2). Đến thời điểm này, trường đã gọi đủ thí sinh và không gọi tiếp nguyện vọng 3.
 
Được biết, nhiều trường không tuyển đủ thí sinh đại học đã chuyển sang tuyển thí sinh ở các khối cao đẳng, trung cấp, dạy nghề. Điều đáng mừng là ở những khối này, học viên xin vào học khá đông và tỷ lệ học viên ra trường được các công ty đến xin về làm cũng khá cao. Điều đó cho thấy, trường đại học mở quá nhiều, hơn cả hệ thống cao đẳng và trung cấp. Do đó, các thí sinh cần tìm hiểu kỹ, học gì và làm gì sau khi ra trường, đó chính là định hướng đúng đắn để chọn trường và chọn nghề.


Thu Huyền