bna_van_truong_124jpeg9097104_13122021.jpegLàm đất gieo cấy vụ lúa xuân ở Yên Thành. Ảnh: Văn Trường.

Quan tâm sản xuất VietGAP, lúa hữu cơ

Vụ lúa xuân năm nay, huyện Yên Thành sẽ gieo cấy 12.800 ha, thời điểm này các địa phương đang tích cực chuẩn bị mọi điều kiện cho vụ lúa mới.

Ông Lê Văn Hồng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thànhcho biết: Để phát huy hiệu quả, huyện tập trung định hướng cơ cấu giống theo hướng năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó, cơ cấu các giống chủ lực có năng suất cao, gồm các loại giống: Kinh sở ưu 1558, lúa lai Thái xuyên 111, thụy hương 308, VT404, 27P53, phú ưu 978.  Lúa thuần: TBR225, thiên ưu 8, SL9, nếp 87-97, nếp DT52, VTNA6, HN6, VNR20, hương thuần 8. Lúa chất lượng cao gồm giống: Hương thơm số 1, bắc thơm số 7-9, AC5…

Ngoài ra, Yên Thành còn đẩy mạnh liên kết với các công ty như Tập đoàn TH, Công ty TNHH Vĩnh Hòa, Công ty cổ phần Vật tư Nông nghiệp Nghệ An; Công ty Giống cây trồng Trung ương, Công ty Giống cây trồng Thái Bình, Công ty cổ phần Nông nghiệp miền Trung và các doanh nghiệp khác tổ chức liên kết sản xuất lúa giống, sản xuất lúa nguyên liệu, lúa hàng hóa.      

Yên Thành chủ trương hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các giống có chất lượng gạo kém, năng suất thấp, những giống có thời gian sinh trưởng dài. Đối với những giống có năng suất cao, gạo chất lượng, dễ nhiễm sâu bệnh và mẫn cảm với thời tiết, cần có giải pháp kỹ thuật đồng bộ để đảm bảo an toàn sản xuất.

Huyện chỉ đạo mỗi địa phương nên chọn 02-03 giống lúa lai và 02-03 giống lúa thuần chủ lực; trên cùng một xứ đồng chỉ gieo cấy 01 hoặc 02 giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đương nhau và phải cấy xong trong vòng 2-3 ngày để thực hiện tốt các yêu cầu chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại.

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết thêm: Vụ xuân này Yên Thành tiếp tục chú trọng, ứng dụng các tiến bộ KHKT, các quy trình sản xuất VietGAP, lúa hữu cơ, lúa hàng hóa, lúa giống. Cơ giới hóa đồng bộ từ gieo cấy mạ khay, phun phòng bằng máy bay tự động trong công tác bảo vệ thực vật đến thu hoạch và công nghệ sau thu hoạch. Mở rộng diện tích được ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa từ làm đất, gieo mạ khay, cấy máy, chăm sóc, tưới nước, thu hoạch và sấy lúa. Đồng thời, ứng dụng các cơ giới hóa mới như máy cuốn rơm, máy phun giống để bắc/gieo mạ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân dạng lỏng bằng bình phun có động cơ.

Vận hành công trình thủy lợi xã Minh Thành, Yên Thành. Ảnh: Văn Trường.

Đồng thời, huyện Yên Thành tăng cường công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật thông qua công tác tập huấn, tuyên truyền, xây dựng mô hình trình diễn, quy mô lớn; Phát huy sức mạnh lực lượng khuyến nông, bảo vệ thực vật từ huyện tới cơ sở để triển khai nhanh, kịp thời các chủ trương lớn của ngành đến tận bà con nhân dân; Lồng ghép các chương trình, dự án khoa học để xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ KHKT đồng bộ vào sản xuất; Xây dựng mô hình hệ thống thâm canh theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch, an toàn.

Huyện Yên Thành chỉ đạo các địa phương bám sát chỉ tiêu, kế hoạch, cơ cấu và nhu cầu sử dụng phân bón, giống của các xã, thị trấn để cung ứng kịp thời, bố trí các điểm cung ứng tạo thuận lợi cho người sản xuất. Tính đến thời điểm này huyện Yên Thành có 2 đơn vị cung ứng vật tư lớn nhất là Công ty VTNT Nghệ An từ ngày 1/10 đã cung ứng cho bà con huyện Yên Thành trên 3.000 tấn phân bón NPK, 100 tấn giống lúa, Công ty TNHH dịch vụ Cung Huề cung ứng trên 2.500 tấn phân Tiến Nông và Đầu Trâu, đạm Phú Mỹ…

Chủ động các biện pháp phòng bệnh cho cây trồng

Huyện khuyến cáo, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, dùng vôi xử lý đất trước khi gieo cấy, đặc biệt là vùng bị nhiễm bệnh lùn sọc đen. Tổ chức bón thúc sớm, bón đủ lượng phân và chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn để cây trồng sinh trưởng phát triển tốt ngay từ đầu. Huyện tăng cường công tác thanh, kiểm tra chất lượng giống, các loại phân bón và thuốc BVTV trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp cung ứng các loại vật tư không đảm bảo chất lượng, để đảm bảo tốt quyền lợi của người nông dân.

Che phủ mạ bằng ni lông để chống rét ở Yên Thành. Ảnh: Văn Trường.

Vụ xuân 2022 tiếp tục được dự báo là thời tiết ấm, cơ cấu giống lúa theo hướng chất lượng nên nguy cơ một số loài dịch hại sẽ xuất hiện sớm và có khả năng phát sinh gây hại nặng trên diện rộng. Đặc biệt như bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, bạc lá vi khuẩn, rầy các loại, chuột hại,… sâu keo mùa thu hại ngô. 

Đối với nước tưới cho sản xuất vụ xuân, các địa phương trên địa bàn Yên Thành thực hiện tu bổ công trình, bờ vùng, bờ thửa, nạo vét kênh mương… kết hợp chiến dịch làm thủy lợi 16/10, giải tỏa phạm vi các công trình thủy lợi, đảm bảo tích đủ nước phục vụ sản xuất. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương, triển khai dự án JICA về đầu tư nâng cấp kênh chính, kênh cấp 1, 2.

Công ty VTNT Nghệ An cung ứng phân bón cho địa bàn Yên Thành. Ảnh: Văn Trường.

Từ tình hình nguồn nước cụ thể có ở địa phương, các xã trong huyện có kế hoạch cơ cấu cây trồng cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý; Xây dựng kế hoạch tưới khoa học, triệt để tiết kiệm nước  để vừa đảm bảo sản xuất vụ xuân 2022, vừa đảm bảo sản xuất vụ hè thu 2022.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã thực hiện vệ sinh đồng ruộng, chỉ đạo nông dân cày ải, phơi ruộng sau đó lấy nước làm dầm tạo nền thâm canh tốt phục vụ gieo trồng vụ xuân; Thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng có khả năng thiếu nước, những diện tích trồng lúa kém hiệu quả trong vụ xuân 2022; Phối hợp với Xí nghiệp Thủy lợi Yên Thành, chủ động xây dựng phương án chống hạn cụ thể ngay từ đầu vụ sản xuất.

Bê tông hóa kênh mương ở Yên Thành. Ảnh: Văn Trường.

Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, huyện Yên Thành chỉ đạo các địa phương sản xuất vụ xuân đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm thiểu các lao động trực tiếp ra đồng nhằm chống dịch hiệu quả.

Lúa vụ xuân Yên Thành được mùa, được giá

(Baonghean.vn) - Những ngày qua, nông dân huyện lúa Yên Thành đang tích cực thu hoạch vụ lúa xuân trong niềm vui phấn khởi vì được mùa, được giá. Theo bà con nông dân đây là vụ lúa mang lại lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.