(Baonghean) - Đầu mỗi năm học, câu chuyện "lạm thu" vẫn là thực trạng gây nhiều bức xúc cho cha mẹ học sinh và dư luận, khiến xã hội có định kiến không tốt về ngành Giáo dục. Vậy đâu là những vướng mắc?
 
Sau niềm vui của ngày hội khai trường, ngày nghỉ của tuần học kế tiếp được một số trường tổ chức họp phụ huynh đầu năm học. Lịch họp phụ huynh trong các trường học hầu hết gói gọn trong vòng 1 tháng. Trong thời gian này, ở cơ quan, khối phố, các trung tâm mua sắm hay bất cứ đâu, cha mẹ học sinh gặp nhau đều thay lời chào bằng câu hỏi: "Họp phụ huynh cho con chưa, đóng góp bao nhiêu tiền"?... Chị Nguyễn Thị Thủy ở phường Bến Thủy (TP.Vinh), cho biết: Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, vấn đề học sinh học tập như thế nào chỉ là mào đầu, nhiệm vụ năm học không được thông báo nhưng việc liệt kê và giải thích các khoản đóng góp lại được cô giáo chủ nhiệm lớp dành rất nhiều thời gian".
 
Đầu mỗi năm học, Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm tra các khoản thu chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn nhằm chống lạm thu. Theo đó, từ sở cho đến các phòng Giáo dục và Đào tạo đều có công văn gửi các trường yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các khoản thu theo quy định, công khai các khoản thu chi tới tận cha mẹ học sinh và tổ chức vận động các lực lượng đóng góp xây dựng cơ sở vật chất nhà trường theo phương thức tự nguyện. Song thực tế, không ít trường đã thu tăng so với mức quy định, thu thêm nhiều khoản không được phép, tạo ra những dư luận không tốt trong xã hội. Ví như năm học này, nhiều cha mẹ học sinh cứ đinh ninh chỉ phải đóng 7 khoản bắt buộc (gồm: học phí, tiền học thêm có tổ chức, tiền giữ xe đạp, quỹ Đoàn, Đội, quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường, Bảo hiểm Y tế; Bảo hiểm thân thể) và tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở vật chất nhà trường. Thế nhưng ở nhiều trường lại có thêm khoản tiền quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, nước uống, tiền đồ chơi, tiền mua giấy, tiền mua máy in,... Cũng vì "tự nguyện" nên các cấp quản lý giáo dục không quản lý, đã để mặc cho các trường, các lớp phá vỡ quy định chung. Điều này rất phổ biến ở cấp tiểu học, nhất là các trường ở trung tâm thành phố, trường điểm.
 
Trong lúc cha mẹ học sinh ấm ức vì khoản "tự nguyện" đầu năm thì các giáo viên chủ nhiệm lớp cũng mệt mỏi không kém. Là giáo viên chủ nhiệm lớp nên các thầy cô giáo được giao nhiệm vụ phải truyền đạt tinh thần "tự nguyện" đến cha mẹ học sinh. Trong lớp mà cả trăm phần trăm cha mẹ học sinh đều "tự nguyện" thì không sao, lỡ ra chỉ cần một hai người không "tự nguyện" thì giáo viên chủ nhiệm lớp đó bị đánh giá là năng lực thuyết phục kém, là thiếu quyết tâm, là không hoàn thành nhiệm vụ thậm chí còn bị hạ loại thi đua,...
 
Anh Lê Văn Hùng ở phường Trung Đô (TP.VInh), cho biết: "Năm nay con tôi mới vào lớp 1, thế nhưng trong cuộc họp phụ huynh đầu tiên đã có ngay một vị đứng ra nhận làm hội trưởng và nói rất mạnh, rất tích cực về việc cần đóng góp. Sau một hồi xin ý kiến phụ huynh, vị nọ quyết định mức đóng góp và tiên phong đóng mức cao nhất. Thế là các phụ huynh khác cũng chặc lưỡi theo mức đó mà đóng, chỉ có vài ba gia đình quá khó khăn, họ đành có sao đóng vậy". Thì ra, nhiều giáo viên chủ nhiệm lớp muốn hoàn thành tốt chỉ tiêu đóng góp được giao, ngay từ trước khi họp cha mẹ học sinh, đã phải tìm hiểu, vận động một vài "đại gia" giúp mình làm người đại diện cha mẹ học sinh, làm người "tiên phong" lúc bàn đến nội dung tự nguyện. Nhiều vị cha mẹ học sinh dù thấy các khoản thu bất hợp lý nhưng vẫn không dám thắc mắc trước cuộc họp vì các "đại gia" đã nêu ý kiến trước, đã phân tích "thiệt hơn" rồi, thế là họ chỉ còn dám nhỏ to với nhau. Thậm chí có những vị bề ngoài tỏ ra rất vui vẻ, hào hứng với việc "tự nguyện" đóng góp nhưng tan họp lại kéo nhau bàn tán rồi phát ra những lời ca thán, nghi ngờ giáo viên chủ nhiệm. Và khoản thu "tự nguyện" này vô hình chung khiến giáo viên chủ nhiệm lớp phải rơi vào cảnh "trên đe dưới búa", bởi việc giáo viên chủ nhiệm lớp thu tiền hộ nhà trường là do Hiệu trưởng phân công; và cũng chính giáo viên chủ nhiệm lại là người đầu tiên phải hứng chịu những trách móc của cha mẹ học sinh và của học sinh.
 
Thực tế, nhà trường không thể mạnh, học sinh không thể được chăm sóc tốt, được học tập trong điều kiện tốt khi cơ sở vật chất quá khó khăn. Ở tỉnh ta, việc bố trí nguồn ngân sách của các cấp chính quyền cho ngành giáo dục còn hạn hẹp thì chủ trương xã hội hoá huy động sức dân, cha mẹ học sinh đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, để có sự chung tay góp sức của cha mẹ học sinh đúng tinh thần tự nguyện, để cha mẹ học sinh có cái nhìn tin tưởng vào giáo viên chủ nhiệm lớp, vào nhà trường, vào ngành Giáo dục, thiết nghĩ phải có sự đổi mới thực sự về cách nghĩ, cách làm.


Thảo Nhi