Huyện đã triển khai Đề án trồng rau an toàn theo tiểu chuẩn VietGAP tại thị trấn và xã Chi Khê; xây dựng thành công mô hình nhà màng trồng dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao; hỗ trợ Hợp tác xã cây con xã Chi Khê xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn có sử dụng công nghệ tưới phun mưa, nhỏ giọt với diện tích 1,7ha.
Đề án xây dựng một số thương hiệu sản phẩm đặc trưng của huyện cũng đã được tỉnh phê duyệt. Huyện đã xây dựng các Đề án: trồng cây xanh đô thị, nông thôn; bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bộ tem nhãn sản phẩm cam Con Cuông được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận và triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc sản cam Con Cuông, trà dược liệu, rượu men lá, rượu cần theo lộ trình hàng năm.
Tại cuộc làm việc, các thành viên trong đoàn công tác đã trao đổi một số vấn đề như: Việc xây dựng mô hình phải phát triển theo vùng và theo đề án của huyện đã đề ra; cần ưu tiên xây dựng mô hình công nghệ cao, công nghệ sinh học.
UBND huyện cũng cần xây dựng cơ chế chính sách để doanh nghiệp vào đầu tư; quan tâm đến đội ngũ làm khoa học ở huyện; không đầu tư dàn trải mà nên tập trung để có hiệu quả cao...
Về phía huyện Con Cuông cũng đã có một số đề xuất: Tỉnh cần tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ và chuyên môn cho cán bộ làm công tác khoa học và công nghệ ở cấp huyện; hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để thực hiện các mô hình và các đề án đã ban hành.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng, Con Cuông nên đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nhân rộng các mô hình; hình thành phát triển khu công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Trước đó, đoàn đã khảo sát các mô hình trồng cà chua trong nhà lưới, trồng cây dược liệu và khu sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại xã Chi Khê.