Núi Đồn hay còn gọi là núi Đại Lạn sừng sững nhô ra giữa sông Lam như một bức tường thành khổng lồ, bảo vệ, che chắn cho làng mạc và những bãi phù sa màu mỡ. Ảnh: Huy Thư
.
Tại núi Đồn có nhiều di tích như đền Cả, chùa Xuân Long, bến đò Vực Đồn... Trong kháng chiến chống Mỹ, bến đò Vực Đồn là điểm giao thông quan trọng đưa đón hàng vạn bộ đội, thương binh trên đường hành quân chiến đấu, núi Đồn là trận địa phòng không đánh Mỹ của dân quân du kích địa phương. Được biết, vào thế kỷ XIX, Thám hoa Nguyễn Đức Đạt (1825-1887), người làng Hoành Sơn, xã Khánh Sơn cũng đã chọn nơi đây mở trường dạy học. Ảnh: Huy Thư
..
   Với quan niệm linh động về sự học và để khắc phục điều kiện dạy học ở chùa Xuân Long, làng Đông Sơn, Thám hoa Nguyễn Đức Đạt và học trò đã tạo ra một khu vực học tập, nghỉ ngơi đặc biệt trên núi Đồn. Hàng chục tảng đá ở đây từng làm bàn, ghế,  giường ngủ… đã được khắc chữ Hán, như “Tam Bình sơn" (núi Tam Bình), “Hạ bút xứ" (chỗ hạ bút), “Tiểu lập" (đứng tạm), “Chủ nhân thụy xứ" (Chỗ chủ nhân ngủ)... Sự việc này được mô tả cụ thể qua tác phẩm "Đề vịnh Tam Bình sơn tiểu tự", “Lâm hạ tòng du ký” và chính cụ đã cho thay đổi kiểu chữ 3 lần khi chạm khắc. Ảnh: Huy Thư
Theo quan sát, bãi đá mồ côi ở đây nằm rải rác như những chiếc ghế lớn, khuất lấp trong cây rừng. Chữ Hán được khắc vào mặt dưới các phiến đá. Kích cỡ của chữ không thống nhất ở các phiến đá, nơi thì khắc chữ nhỏ, nơi thì chữ to. Chiều sâu của chữ tầm 1cm, độ cao của mỗi chữ từ 20 – 50 cm. Ngoài những chữ Hán còn sắc nét, nhiều chữ bị rêu phong, cỏ cây bao phủ. Ảnh: Huy Thư
.
Việc tìm kiếm những phiến đá khắc chữ Hán trên núi Đồn khá vất vả, phải leo trèo, luồn lách đi giữa cây rừng rậm rạp. Anh Nguyễn Văn Trúc (34 tuổi), một người địa phương chia sẻ: “Ngày trước, người dân ở đây cũng nói đến chuyện bãi đá khắc chữ Hán, nhưng ít người biết tường tận, nhất là không có ai bỏ công leo lên núi để xem. Lâu dần, mọi chuyện rơi vào quên lãng, núi xưa cây cối đã mọc um tùm”.  Ảnh: Huy Thư
Ông Nguyễn Thiện Dũng -Trưởng phòng Văn hóa huyện Nam Đàn cho biết thêm: Những năm chiến tranh, khi xây dựng Trạm bơm Mộ Đức, người ta cho nổ mìn khu vực núi Đồn khiến cảnh quan tự nhiên ở đây đã ít nhiều thay đổi, bãi đá khắc chữ Hán liên quan đến Thám hoa Nguyễn Đức Đạt cũng bị ảnh hưởng. Do đó, chỗ này, hiện không còn nhiều những tảng đá có chữ cổ như trước. Ghi nhận về địa danh lịch sử này, thời gian gần đây, chúng tôi cũng đã đưa núi Đồn vào danh sách di tích, danh thắng của huyện. Ảnh: Huy Thư
.
Phía sau con mương bê tông cao gần 2m này vẫn còn những dòng chữ Hán khắc dưới những khối đá đồ sộ chĩa ra phía bờ sông. Tuy không còn đầy đủ về số lượng chữ Hán như được miêu tả trong các tác phẩm của cụ thám và bị rêu phong, cỏ cây bao phủ, nhưng đây là những chứng tích sinh động, quý giá về quá trình dạy học lúc sinh thời của cụ thám hoa tại trường Đông Sơn những năm 1877-1883. Ảnh: Huy Thư
Ông Nguyễn Đức Tùng (80 tuổi) trú ở TP. Vinh, hậu duệ thứ đời thứ 5 của Thám hoa Nguyễn Đức Đạt chia sẻ: “Trong quá trình cải tạo, khai phá núi Đồn, nhằm mục đích sản xuất, người ta đã không chú ý đến việc bảo vệ, gìn giữ di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có bãi đá khắc chữ Hán của cụ thám. Tôi được biết, khi mở đường ở núi Đồn, tấm bia “bình văn xứ” bị vất chỏng chơ, sắp cuốn xuống sông, nên anh em họ tộc chúng tôi đã đưa về dựng tại nhà thờ. Tôi thật sự buồn và luyến tiếc về một địa chỉ văn hóa gắn liền với cuộc đời cụ thám bị lãng quên ngay chính trên mảnh đất quê hương”. Ảnh: Huy Thư
Đã 133 năm kể từ ngày cụ thám Nhất về với tổ tiên, khu vực núi Đồn vẫn đó bến nước thuở xưa với những cây mưng, cây trôi cổ thụ, nhưng bãi đá khắc chữ Hán nơi ghi dấu chuyện cụ Thám hoa Nguyễn Đức Đạt từng đến đây dạy học, bình văn thì đã rơi vào quên lãng. Sự lạnh lùng của thời gian và sự vô tình của người đời đã khiến một nơi từng được xem là “mô hình trường học khá đặc biệt trong lịch sử giáo dục Việt Nam” không còn mấy ai biết đến. Ảnh: Huy Thư
Clip: Leo núi tìm chữ cổ.