(Baonghean) - Vùng đất Yên Thành từ xưa tới nay vốn được coi là chốn nhiều danh thắng, cảnh quan, bởi thế núi, dáng sông đã tạo nên một vùng đất nhiều truyền thuyết. Trải qua năm tháng, miền đất này còn tiềm ẩn những nét cổ xưa thú vị cho du khách mỗi khi tìm về.
Về nơi rú Gám - sông Dinh
"Hẹn với nhau rồi mùa trăng này anh sẽ về. Lòng cứ chạnh lòng chưa vẹn tình với lúa. Để rồi nôn nao nhớ nhớ Yên Thành. Nơi đó sông Dinh, rú Gám tuổi thơ tôi". Không phải ngẫu nhiên mà lời bài hát "Đẹp sao quê lúa Yên Thành" lại gợi nhớ về một vùng đất thắm đượm ân tình, mộc mạc. Những người con được sinh ra ở Yên Thành nay đi làm ăn xa xứ, mỗi khi hoài niệm về quê đều nhớ đến những kỷ niệm một thời về sông Dinh, rú Gám. Hiện nay, khu du lịch tâm linh rú Gám đang được đầu tư, xây dựng phát triển để trở thành khu du lịch trọng điểm, từ đó lan tỏa sang các điểm du lịch khác trên địa bàn. Rú Gám (xã Xuân Thành) bắt nguồn từ chân dãy Trường Sơn đổ về phía đồng bằng.
Đây là một danh sơn nổi tiếng từ xa xưa và trở thành biểu tượng của quê hương Yên Thành. Thời Tiền Lê, vùng đất này cư dân quần tụ đông đúc, Lê Long Ngân, con thứ 8 của vua Lê Đại Hành đã chọn vùng đất phía Tây rú Gám để thành lập lỵ sở Đông Thành... Rú Gám hiện có gần 150 ha thuộc rừng nguyên sinh đang được bảo tồn, có thảm thực vật đa dạng chung sống phân tầng rõ nét. Ông Ngô Đức Luyện, một người dân xã Xuân Thành kể rằng: "Từ nhỏ, chúng tôi đã luôn thấy rú Gám xanh bởi được người dân bảo vệ đời này qua đời khác. Qua những đám mây quần tụ trên núi, dân trong xã còn đoán biết được thời tiết biến chuyển. Nơi đây, còn là chốn thiêng liêng gắn liền với đời sống tâm linh của người dân".
Trong không gian hùng vĩ, thơ mộng với sông Dinh chạy quanh co bên những ngọn đồi, chùa Gám (Chí Linh tự) hiện ra với kiến trúc cổ kính, điêu khắc hết sức tinh xảo. Hiện nay, UBND tỉnh đã cho phép khôi phục hoạt động Phật giáo tại chùa Gám, đồng thời xây dựng nơi đây một thiền viện, phái Trúc Lâm với quy mô lớn của vùng. Dự án có tổng diện tích quy hoạch xây dựng 316,575 ha thuộc địa phận 2 xã Xuân Thành và Tăng Thành, bao gồm 5 khu vực chính: Khu di tích gốc được bố trí tại chùa Chí Linh (Xuân Thành) thờ các vị thần đã có công bảo quốc hộ dân; thờ Phật và Chư vị Bồ tát; Khu tâm linh - lễ hội ở rú Gám; Khu đền Bạch Y (xã Tăng Thành); Khu nghĩa trang và nhà thờ các anh hùng liệt sỹ.
Hàng năm, vào dịp Lễ hội đền - chùa Gám được tổ chức từ ngày 14-16/2 (âm lịch) có hàng vạn khách thập phương thành kính tìm đến. Mới đây, vào dịp tháng Tám, tổ chức Jica (Nhật Bản) đã có chuyến đi về Yên Thành để khảo sát để hướng tới đầu tư cho một số loại hình du lịch đặc trưng. Được thưởng thức trích đoạn vở tuồng "Trưng Trắc, Trưng Nhị" ngay tại sân chùa Gám, cả đoàn đã tỏ ra rất mến mộ các diễn viên và vở tuồng cổ diễn ra trong một không gian cổ. Ngài Ando - Trưởng đoàn chia sẻ: "Đã có nhiều miền đất danh thắng của tỉnh Nghệ An tôi đã tới, nhưng hiếm thấy nơi nào đẹp và quyến rũ như miền quê Yên Thành. Mong các bạn hãy thật trân trọng gìn giữ, khai thác những gì mà thiên nhiên đã hào phóng dành cho..."
Giữ miền đất thiêng
Lần giở lại thời gian, Yên Thành đã được biết đến từ lâu đời là một vùng đất cổ. Từ thời Tiền Lê, thời Lý, nhiều cuộc di dân, khai hoang về miền đất này đã được đẩy mạnh, lập nên những hương ấp, xóm làng trù phú. Đến thời Trần, đã hình thành nên những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu. Xưa kia, Yên Thành còn được chọn làm lỵ sở của đất Hoan Châu với nhiều nét văn hóa đặc sắc. Con cháu đời sau cứ thế kế thừa và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bởi thế, thật thú vị khi chúng ta về “vùng lúa nước đặc trưng” này, bắt gặp cả một miền quê hát chèo ở xã Lăng Thành. Nơi đây, từ các cụ già đến các bạn trẻ đều có thể hát chèo và thể hiện rất nhuần nhị, thấm đẫm một nét văn hóa chèo trên xứ Nghệ.
Chị Hoàng Thị Loan - Phó Chủ nhiệm CLB Chèo Lăng Thành cho biết: “Mỗi dịp nông nhàn, CLB lại cùng nhau ôn cho nhuần nhuyễn các làn điệu cũ, đồng thời tập các làn điệu mới, ca ngợi quê hương, đất nước thanh bình. CLB không chỉ phục vụ trong xã mà còn ra các xã bạn biểu diễn mỗi dịp được mời. Bởi thế, tiếng hát chèo của xã Lăng Thành đã lan tỏa, bay xa, góp phần bảo tồn và gìn giữ những vốn quý cha ông để lại…”. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội truyền thống có quy mô cấp huyện cũng đã được phục hồi như Lễ hội đền Phúc Hoàng, Lễ hội đền chùa Gám, đền Cả (Nhân Thành), Lễ hội Đại Điển - đình Mõ (Hậu Thành), đền Cả (Hoa Thành)... Đất Yên Thành từ xưa đến nay còn là vùng đất văn hoá, nổi tiếng hiếu học, chính những tên đất, tên làng từ lâu đã được nhân dân hình tượng hoá thể hiện khát vọng vươn tới đỗ đạt khoa bảng, với triết lý “học để biết, biết để làm người” điều đó lại được chắt lọc chưng cất qua bao thế hệ trở thành truyền thống hiếu học và tôn trọng nhân tài của người dân Yên Thành ngày nay.
Trên địa bàn huyện, khu hồ đập Vệ Vừng đã trở thành một địa chỉ ưa thích cho du khách tìm về. Ngoài việc điều hòa khí hậu cho cả vùng miền Tây Yên Thành, cung cấp nước tưới cho trên 2.000 ha lúa của các xã Kim Thành, Quang Thành, Phúc Thành, Hoa Thành, Văn Thành… đến với Vệ Vừng, du khách được tận hưởng cảm giác bồng bềnh cùng du thuyền, ngắm cảnh, leo núi, câu cá đắm mình trong làn nước ngọt trong lành, thưởng thức nhiều món cá tôm tươi rói và đắm mình cùng những câu hò, điệu ví. Nơi đây còn có nhiều những thắng cảnh thiên nhiên, công trình kinh tế phục vụ đời sống con người, nằm cạnh các khu văn hóa như chùa Gám, chùa Bảo Lâm, chùa Non Nước, nhà thờ đá Bảo Nham... cạnh đó còn là những di tích lịch sử nổi tiếng như: Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Vĩnh Thành, Nhà lưu niệm đồng chí Phan Đăng Lưu (Hoa Thành)... Điệp trùng những di tích - danh thắng ấy trên vùng quê lúa đã đi vào truyền thuyết "Nghệ Yên Thành, Thanh Nông Cống" sẽ là những điểm du lịch tham quan, vãn cảnh, nghiên cứu và học tập đầy hấp dẫn.
Ông Nguyễn Tiến Lợi - Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: "Huyện Yên Thành có trên 200 di tích - danh thắng đã được lập danh mục quản lý, trong đó có 21 di tích được công nhận di tích quốc gia, 33 di tích xếp hạng cấp tỉnh, là huyện có nhiều di tích được công nhận nhất tỉnh. Yên Thành còn là vùng đất giàu truyền thống khoa bảng, văn hiến với 22 vị đại khoa mà tiêu biểu là trạng nguyên Bạch Liêu - ông tổ khai khoa của xứ Nghệ. Nơi đây còn là một địa danh cách mạng lâu đời, nơi có căn cứ địa của phong trào Cần Vương chống Pháp do cụ Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã lãnh đạo, là địa chỉ đỏ của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931… Đó là niềm tự hào mà Đảng bộ, nhân dân chúng tôi đang ra sức phát huy, để những giá trị đó trường tồn, đem đến những giá trị tinh thần, vật chất trong giai đoạn mới ".
Để phát triển Khu du lịch sinh thái, tâm linh xứng tầm, huyện đã xác định 7 nhóm giải pháp cơ bản, như: Giải pháp về công tác quy hoạch nhằm đảm bảo tính đồng bộ, kết nối trong khu du lịch và các vùng phụ cận; Giải pháp về thu hút, huy động vốn và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư gắn với đổi mới công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài;… Theo chương trình hành động, đến năm 2020 sẽ đón từ 100.000 - 200.000 lượt khách, tạo việc làm cho khoảng 20.000 người với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/người/tháng, tăng nguồn thu cho ngân sách từ 15 - 17 tỷ đồng/năm. Tiến độ thực hiện các nhóm giải pháp nêu trên được chia thành 2 giai đoạn; Từ năm 2014 - 2017 tập trung cho các công trình hạ tầng đã được phê duyệt quy hoạch tại Khu du lịch tâm linh rú Gám và các vùng phụ cận nhằm tạo sự đột phá trong xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Từ năm 2017 đến năm 2020, tập trung các nguồn lực để đầu tư, hoàn thành các công trình, dự án còn lại.
Trần Hải