(Baonghean) - Dù chỉ mới 2 năm phụ trách thông tin của Thị trấn Yên Thành nhưng anh Nguyễn Đức Thủy có khá nhiều kinh nghiệm.
 
Thông tin đều qua một tay anh “xử lý” và đọc. Nhìn xung quanh, phòng "bá âm" của người kiêm việc "3 trong 1" (vừa là trưởng đài kiêm biên tập viên, vừa là phát thanh viên và là người viết tin) cũng chẳng có gì ngoài chiếc máy phát, một đầu đọc đĩa rất cũ và chiếc micro. Thế nhưng, cứ đều đặn vào 17h30 hàng ngày, trên tất cả các hệ thống loa của thị trấn, người dân lại bắt đầu nghe giọng của anh "Kính chào bà con và các bạn...". Chương trình kéo dài từ 30 đến 45 phút, suốt 7 ngày trong tuần. Ngoài chương trình chuyển tiếp từ đài tỉnh và đài huyện là những thông báo mới nhất của chính quyền địa phương, các đơn vị khác trong huyện. Nội dung tin có thể là tình hình sản xuất nông nghiệp, phổ biến hoặc thông tin pháp luật, hoạt động VH - XH... 
 
images1043342_5.jpgAnh Nguyễn Đức Thủy chuẩn bị đọc bản tin phát thanh chiều.
 
Thị trấn Yên Thành có 8 khối, xóm với 5.200 nhân khẩu/1.171 hộ phân bố trải rộng trên 252 ha. Năm 2009, chính quyền địa phương đã đầu tư tổng cộng gần 150 triệu đồng cho 8 cụm với 24 loa nén, 5 km đường dây cùng các thiết bị phụ trợ. Qua thời gian, hệ thống trên đã xuống cấp nhiều và nhiều bộ phận thông tin vẫn còn thiếu. Vẫn chưa có bàn trộn âm, máy ghi âm, máy vi tính, nên chưa có điều kiện để sản xuất một chương trình phát thanh chừng 15 -20 phút. Ngay cả đoạn nhạc hiệu mở đầu cũng chưa thể thực hiện bởi đầu đọc đĩa lúc chạy, lúc “tự ý nghỉ ngơi”. Thêm nữa, do hệ thống phát không dây đời cũ xuống cấp nên hay bị hỏng. Mỗi lần như vậy, anh Thủy phải nhờ cán bộ đài huyện đến tháo ra, đưa về TP Vinh sửa tạm. 
 
Đó là những khó khăn chung, bản thân người trực tiếp làm cũng có những nỗi niềm riêng. Theo chương trình tập huấn tại huyện mới đây về công tác thông tin, mỗi địa phương thường cần đến 3 người mới đủ đảm đương công việc, trong khi ở đây chỉ mỗi anh trực tiếp gánh vác. Anh Thủy mới chỉ được hưởng phụ cấp 0,6 (chừng gần 700 ngàn đồng/tháng). Vì vậy, anh phải mở thêm 1 quán cắt tóc ngoài giờ để đảm bảo cuộc sống. Anh tâm sự: "Nhiều lúc muốn viết về quê hương thật nhiều, thật hay. Đêm hôm cũng phải trằn trọc suy nghĩ mãi, nhưng ngặt nỗi chế độ nhuận bút chưa có, lại phải lo lắng cho con ăn học nên đành chấp nhận nhiều lúc chương trình mình chưa thật sự hay…".
 
Cho dù vậy, thông tin từ “nhà đài” vẫn được bà con quan tâm, đón nhận nhiệt tình bởi liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày. Gia đình anh chị Nguyễn Xuân Dũng - Nguyễn Thị Phương ở khối Bắc Phú đã kiên quyết thực hiện KHHGĐ, chỉ dừng lại ở 2 con vì nghe lời tuyên truyền đầy hiệu quả trên loa. Hoặc như ông Phan Văn Tư, xóm Phúc Trung, trên 60 tuổi đã cùng con cháu vào làm trang trại, nuôi lợn, gà vịt có thu nhập tốt cũng nhờ nghe những thông báo, chính sách ưu đãi, động viên mà "đài nhà" đều đặn đọc hàng ngày. Như lời ông Phan Doãn Hữu - Chủ tịch UBND thị trấn, nhận xét: "Bộ phận thông tin của thị trấn đã làm tốt nhiệm vụ, thông tin trực tiếp, đầy đủ đến người dân mọi nội dung quan trọng. Địa phương cũng rất quan tâm và tạo điều kiện. Các thông tin đều được đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách văn hóa - xã hội hoặc các bộ phận liên quan duyệt thông qua. Nhờ thông tin chính sách, chủ trương kịp thời mà tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm của thị trấn ước đạt 14,92%, sản lượng lúa hè thu đạt 60 - 65 tạ/ha, thu nhập bình quân đạt trên 18 triệu đồng/người/năm". Đó là những tín hiệu vui, là niềm ấm áp cho những người làm công việc lặng thầm như anh Nguyễn Đức Thủy.
 
Công Mạnh