ĐOÀN VIÊN Ở ĐÂU, CÔNG ĐOÀN Ở ĐÓ

Đó là chia sẻ của nhiều y, bác sĩ trở về từ các tỉnh, thành phía Nam, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chống dịch. Những cán bộ công đoàn ngành Y tế Nghệ An đã đồng hành cùng các y, bác sĩ ngay từ những ngày đầu tiên, hỗ trợ đoàn viên trong từng khó khăn nhỏ nhất.

Nhớ lại những ngày đoàn cán bộ y tế Nghệ An mới nhận nhiệm vụ vào miền Nam tăng cường chống dịch, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Trần Thị Hà chia sẻ: “Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi lập tức cập nhật lịch trình của các đoàn công tác và liên lạc với các trưởng đoàn. Việc nắm bắt kịp thời sẽ giúp chúng tôi chủ động và dễ dàng triển khai công tác hỗ trợ. Với công đoàn ngành, họ không chỉ là những chiến sỹ bảo vệ bình yên cho nhân dân mà còn là một phần không thể thiếu của tổ chức. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để tiếp sức cho đoàn viên của mình”.

bna_cd_y_te_2540877_27112021.pngHình ảnh y, bác sỹ Nghệ An tăng viện chống dịch tại miền Nam. Ảnh: ĐVCC

Quan điểm của chị Hà cũng là tâm niệm chung của những cán bộ công đoàn ngành Y tế. Để bay vào TP. Hồ Chí Minh, các đoàn y, bác sĩ phải gấp gáp di chuyển từ TP. Vinh ra sân bay Nội Bài (Hà Nội) bằng ô tô trong những ngày giãn cách. Vì hàng quán đều đóng cửa nên những cán bộ công đoàn ngành đã nhanh chóng kết nối với một nhà hàng uy tín tại Thanh Hóa để kịp thời phục vụ bữa ăn giữa đường đảm bảo an toàn, dinh dưỡng cho đoàn. Vào đến TP. Hồ Chí Minh, những cán bộ công đoàn ngành Y tế tiếp tục kết nối với các nhà hảo tâm người Nghệ sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh để hỗ trợ cho đoàn cán bộ y tế Nghệ An. Cũng là những cán bộ công đoàn ngành đã gọi điện, hỏi thăm đoàn công tác tại miền Nam mỗi ngày và luôn kịp thời vận chuyển nhu yếu phẩm vào tận nơi ở cho các y, bác sĩ...

Anh Nguyễn Đình Hiệp (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) - Trưởng đoàn cán bộ y tế Nghệ Antăng viện tại Bệnh viện Trưng Vương chia sẻ: “Với cường độ công việc cao, chúng tôi luôn ý thức rằng, mình phải mạnh mẽ cả về ý chí lẫn thể lực. Tuy nhiên, những bữa ăn được cấp phát hàng ngày thật sự không hợp khẩu vị, rất khó ăn, nếu nhiều ngày ăn liên tục 1 thực đơn như vậy thì sẽ khó lòng đảm bảo sức khỏe cho các y, bác sĩ. Vì thường xuyên gọi điện thoại hỏi thăm nên những cán bộ Công đoàn ngành Y tế đã nắm bắt tâm tư của thành viên trong đoàn rất sớm. Ngay sau đó, thông qua kết nối của công đoàn ngành có một doanh nhân người Nghệ tại TP. Hồ Chí Minh đã liên hệ với chúng tôi và nhận tài trợ mỗi tuần 2 bữa cơm gồm 160 suất cho đoàn. Sau kết nối đó, chúng tôi tiếp tục nhận được sự hỗ trợ suất ăn và nhu yếu phẩm từ nhóm doanh nhân Nghệ Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh và của một nhà hảo tâm khác. Tất cả đều từ kết nối của công đoàn ngành và đều là những người con xứ Nghệ”.

Đoàn y, bác sĩ Nghệ An tại Bệnh viện Trưng Vương. Ảnh: ĐVCC

Trong vai trò Phó Đoàn cán bộ y tế Nghệ An tăng viện tại Bệnh viện Dã chiến số 1 quận Phú Nhuận, chị Phạm Thùy Linh (Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An) vẫn vẹn nguyên xúc động khi nhớ về những ngày tăng viện tại TP. Hồ Chí Minh: “Tôi không thể ngờ cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh khó khăn đến thế, cũng không ngờ bước vào cuộc chiến này mình lại được yêu thương đến vậy. Những yêu thương từ các anh, chị công đoàn ngành, các nhà hảo tâm khiến chúng tôi ấm lòng vô cùng. Đó là những cuộc điện thoại mỗi ngày, hỏi han xem chúng tôi thiếu gì không, cần hỗ trợ gì không, muốn ăn gì không, đó là những lời động viên, những tâm tình, chia sẻ... Khi biết chúng tôi thiếu gì, các anh, chị sẽ tìm và gửi đến cho chúng tôi bằng được, một cách nhanh nhất, từ khẩu trang, đồ bảo hộ, bánh sữa, đồ dùng cá nhân... Những suất cơm hỗ trợ của các anh, chị luôn được các thành viên trong đoàn mong chờ bởi thực đơn phong phú, hợp khẩu vị, đảm bảo dinh dưỡng. Thậm chí, kể cả khi chúng tôi nói không cần gì, các anh, chị vẫn chụp ảnh đồ ăn gửi đến và hỏi có muốn ăn cái này không. Với các anh, chị, chúng tôi được yêu thương như những người em, người con trong gia đình, luôn được dõi theo và nâng niu hết mực”.

Dù cách nhau hàng nghìn km, sự chân thành, sâu sát của công đoàn ngành Y tế Nghệ An đã nối dài những quan tâm, chăm sóc cho đoàn viên của mình. Sự quan tâm đó không chỉ xuất phát từ trách nhiệm mà còn đến tình yêu thương, trân quý.

SỨC MẠNH CỦA KẾT NỐI

Bên cạnh những chương trình của LĐLĐ tỉnh, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam, công đoàn ngành Y tế Nghệ An còn triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực khác hướng đến lực lượng y, bác sĩ tăng viện tại các tỉnh, thành phía Nam. Trong những hoạt động hỗ trợ này, vai trò kết nối, huy động của Công đoàn ngành Y tế Nghệ An đã được phát huy một cách hiệu quả.

Công đoàn ngành Y tế Nghệ An trao quà hỗ trợ của tổ chức công đoàn cho đoàn y, bác sĩ tăng viện tại Đồng Nai. Ảnh: P.V

Từ sự kết nối của Công đoàn ngành Y tế Nghệ An, một chuỗi thực phẩm sạch trên địa bàn TP. Vinh đã đồng ý hỗ trợ cho các y, bác sĩ Nghệ An tăng viện tại các tỉnh, thành phía Nam các nhu yếu phẩm như giò, gà, mắm tép chưng thịt, hoa quả... trị giá gần 20 triệu đồng; một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực giáo dục đã đồng ý tài trợ cho con các y, bác sĩ chống dịch tại miền Nam 200 tài khoản học tiếng Anh tổng trị giá 100 triệu đồng, Công ty Thiết bị trường học Nghệ An tặng 150 suất quà trong dịp Tết Trung thu; phối hợp cùng một tập đoàn bảo hiểm lớn hỗ trợ cho mỗi nhân viên y tế nhiễm Covid-19 trong khi làm nhiệm vụ 10 triệu đồng; phối hợp hỗ trợ 201 thẻ bảo hiểm an tâm cho các y, bác sĩ...

“Sự hỗ trợ nơi tuyến đầu và sự quan tâm đối với hậu phương của Công đoàn ngành Y tế khiến chúng tôi rất cảm động. Một trong những hoạt động mà tôi ấn tượng và biết ơn nhất chính là công đoàn ngành đã đề xuất ưu tiên tiêm vắc-xin Covid-19 cho người thân của các cán bộ, y, bác sĩ làm nhiệm vụ chống dịch tại miền Nam. Nghe tin này khi đang phải công tác xa nhà khiến chúng tôi vững lòng hơn nhiều” - chị Phạm Thùy Linh trải lòng.

Công đoàn ngành Y tế luôn kịp thời động viên, thăm hỏi đoàn viên trong hành trình chống dịch. Ảnh: P.V

Chia sẻ kinh nghiệm trong vai trò kết nối, chị Hoàng Thị Mai - cán bộ Công đoàn ngành Y tế Nghệ An thổ lộ: “Theo tôi, quan trọng nhất là cán bộ công đoànphải quan tâm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để biết đoàn viên, người lao động của mình cần gì. Từ nguyện vọng đó, cán bộ công đoàn sẽ cùng nhau đề xuất ý tưởng, huy động tiềm lực tổ chức và các mối quan hệ cá nhân trước. Trong trường hợp cần sự hỗ trợ của các cá nhân, tập thể ngoài tổ chức, cán bộ công đoàn nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thuyết phục về nội dung chương trình trước và luôn giữ thái độ chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm trong toàn bộ quá trình làm việc, xâu nối”.

Cũng theo chia sẻ của chị Mai, sự thành công trong kết nối phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của tổ chức, của những người đứng đầu và mục đích, ý nghĩa của chương trình. Tầm ảnh hưởng của tổ chức công đoàn và trọng trách cao cả của các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch chính là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên những kết nối nhân văn trong thời gian qua.

Công đoàn ngành Y tế trao quà cho con của các y, bác sĩ đang làm nhiệm vụ chống dịch tại miền Nam. Ảnh: P.V

Trước những đóng góp của công đoàn ngành Y tế trong thời gian qua, PGS.TS Dương Đình Chỉnh ghi nhận: “Tôi rất cảm ơn Công đoàn Y tế Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh và Công đoàn ngành Y tế đã luôn sát cánh, đồng hành với đội ngũ y, bác sĩ nói chung và cán bộ tăng viện cho các tỉnh phía Nam nói riêng trong thời gian qua. Sự đồng hành, hỗ trợ này là nguồn động viên lớn lao để ngành tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, quyết tâm vượt qua khó khăn, thực hiện tốt công tác chống dịch và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.