(Baonghean) - Tuần qua, thế giới diễn ra rất nhiều sự kiện, nhưng tựu trung lại có 2 luồng quan hệ khác nhau. Thứ nhất là sự chia rẽ đến từ chính trong quốc gia hoặc giữa các quốc gia với nhau. Thứ 2, đó là sự hợp tác... 

Chia rẽ sâu sắc
 
Ngay say khi đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Obama và những cộng sự cao cấp thuộc Đảng Dân chủ tìm mọi cách vận động và chứng minh thỏa thuận này chỉ có lợi trong việc ngăn chặn việc Iran tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân; phù hợp với đòi hỏi và lợi ích của Israel và các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, khó khăn đối với Mỹ ở chỗ, tại phiên điều trần trước Quốc hội, đã có rất nhiều ý kiến hoài nghi về thỏa thuận này. Thậm chí có những nghị sỹ công khai tuyên bố sẽ bác bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử này.
images1196200_phi_n__i_u_tr_n_c_a_th__ng_vi_n_m__v__th_a_thu_n_h_t_nh_n_iran..jpgPhiên điều trần của Thượng viện Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ngày 23/7, trước phiên điều trần đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên tiếng bảo vệ thỏa thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 và Iran đã ký kết vào ngày 14/7. Đồng thời, ông cũng cảnh báo việc Quốc hội bác bỏ thỏa thuận này sẽ "bật đèn xanh" Iran phát triển chương trình hạt nhân. Bởi trước đó, vào ngày 22/7, Chủ tịch Hạ viện, Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa John Boehner tuyên bố các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa kiểm soát đa số lưỡng viện Quốc hội “sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn thỏa thuận". Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Mitch McConnell cho rằng việc Quốc hội có ủng hộ thỏa thuận hạt nhân với Iran hay không giờ đây là tùy thuộc vào "thái độ và sự hợp tác" của chính quyền.
 
Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Ngoại trưởng Kerry đã phản bác lại những cáo buộc của một số nghị sỹ thuộc Đảng Cộng hòa khi cho rằng ông đã bị các nhà đàm phán Iran "lừa gạt" tại vòng đàm phán cuối cùng ở Vienne (Áo). Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh thỏa thuận đạt được tại Vienne hôm 14/7 sẽ mang lại các giải pháp toàn diện và lâu dài hơn trong việc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran so với bất cứ một phương án thay thế nào khác.
 
Một khi được triển khai, Iran sẽ chịu "sự giám sát chặt chẽ vĩnh viễn" và điều này cũng sẽ giúp thế giới tin tưởng chương trình hạt nhân của Tehran chỉ phục vụ mục đích hòa bình. Ông bày tỏ tin tưởng đây là "một thỏa thuận tốt cho cả thế giới, cho nước Mỹ cũng như các nước đồng minh và bạn bè trong khu vực, xứng đáng nhận được sự ủng hộ". Tại phiên điều trần, Ngoại trưởng Kerry cũng chỉ trích những người phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran đang thúc đẩy một "phương án thay thế phi thực tế".
 
Quốc hội Mỹ có 60 ngày để xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng về việc phê chuẩn thỏa thuận. Tuy nhiên, thỏa thuận này lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghị sỹ trong Quốc hội Mỹ khi cho rằng Tehran có thể trốn tránh việc thanh tra và sử dụng nguồn tài chính có được sau khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ để gây bất ổn khu vực. 
 
Đứng trước tình huống khó khăn này, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo sẽ sử dụng “vũ khí cuối cùng”, đó quyền phủ quyết nếu Quốc hội không phê chuẩn thỏa thuận trên. Như vậy rõ ràng một thỏa thuận mang tính lịch sử đang đứng trước nguy cơ khó thực thi một cách toàn diện. Hoặc nếu được thực thi thì sự chia rẽ sẽ ngày càng lớn hơn giữa quốc hội và chính quyền của Tổng thống Barack Obama.
 
Biển Hoa Đông lại dậy sóng 
 
Theo tạp chí Diplomat, trong cuốn Sách trắng quốc phòng Nhật Bản 2015, Nhật Bản đã chi rõ Trung Quốc là “mối đe dọa an ninh của Nhật Bản”. Cuốn Sách trắng cũng chỉ trích mạnh mẽ “những động thái đơn phương của Trung Quốc ở biển Hoa Đông”, nơi cả Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa phân định được rõ ràng về Vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước do tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi cả thế giới đang chú tâm vào những động thái đang “nóng lên từng ngày” ở Biển Đông, việc công bố Sách trắng quốc phòng 2015 cho thấy, Nhật Bản muốn cả thế giới không vô tình “bỏ quên” mối nguy hại nhãn tiền của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. 
 
Sách trắng quốc phòng Nhật Bản 2015 cho biết, Trung Quốc từ năm 2013 đã bắt tay vào xây dựng nhiều giàn khoan thăm dò dầu khí ngoài khơi biển Hoa Đông. Nhật Bản khẳng định, hành động của Trung Quốc vi phạm thỏa thuận mà hai bên đã ký năm 2008, trong đó Trung Quốc và Nhật Bản thống nhất cùng khai thác và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Hoa Đông. Bộ Trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani  đã từng tuyên bố: “Trung Quốc có thể đưa các trạm radar lên các giàn khoan nói trên và sử dụng các trạm radar này làm nơi điều hành các trực thăng và máy bay không người lái của nước này thực thi các hoạt động do thám ở biển Hoa Đông”. Theo ông Gen Nakatami, những công trình này còn có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc dễ dàng tiếp cận trái phép các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nhật Bản.
 
Trong khi đó, Trung Quốc lại lên tiếng chỉ trích bản Sách trắng Quốc phòng 2015 của Nhật Bản và đưa ra hàng loạt những lý lẽ nhằm bao biện cho việc Nhật Bản coi Trung Quốc là “mối đe dọa về an ninh ở Biển Đông và Biển Hoa Đông”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tuyên bố: “Các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trên Biển Hoa Đông là nằm trong khu vực mà Trung Quốc có chủ quyền hợp pháp”.
 
Liên quan đến việc Trung Quốc liên tục điều tàu và máy bay tuần tra trên Biển Hoa Đông, ông Lục cho rằng: “Quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) rõ ràng thuộc về lãnh thổ Trung Quốc từ rất lâu rồi. Việc tuần tra của Trung Quốc là hoạt động thực thi pháp luật hợp pháp của nước này trong vùng biển của mình”.
 
Tuy nhiên, dư luận cho rằng, những tuyên bố trên của Trung Quốc chỉ mang tính chất bao biện, bởi nếu nhìn vào các hoạt động tăng cường sức mạnh trên biển, đặc biệt trong vài năm trở lại đây thì mọi chuyện không hề đơn giản như vậy. Cụ thể, ngày 24/5, các trang mạng Trung Quốc ồ ạt đăng tải hình ảnh siêu tàu Hải Cảnh trang bị pháo hạm 76 mm của nước này mang số hiệu 2901 bắt đầu thử nghiệm trên biển. Ngoài ra, còn 2 tàu tương tự đang được khởi đóng là Hải Cảnh 3901 và Hải Cảnh 1901.
 
Với sự đầu tư mạnh mẽ về để tăng cường sức mạnh quân sự trên biển, cộng những động thái gây hấn như điều tàu và máy bay liên tục tuần tra trên Biển Hoa Đông, các nhà quan sát nhận định rằng, sau khi “khuấy đục” Biển Đông, Trung Quốc một lần nữa sẽ lại làm Biển Hoa Đông dậy sóng như đã từng làm vào năm 2013 sau khi Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa một số hòn đảo thuộc chủ quyền đất nước mặt trời mọc.
 
Hợp tác chống IS
 
Cuộc chiến chống IS có bước đột phá trong ngày 24/7, khi cả Jordan lẫn Thổ Nhĩ Kỳ đều chính thức nhập cuộc, với sự hậu thuẫn của Mỹ và Israel. Cụ thể, xe bọc thép, lực lượng biệt kích Jordan với sự yểm trợ của không quân đã  hoạt động sâu trong lãnh thổ Iraq, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cũng tiến hành các cuộc không kích xuyên biên giới nhắm vào phiến quân IS ở bên trong lãnh thổ Syria. Đụng độ giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân IS đã nổ ra tại một số điểm dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. 
Trực thăng chiến đấu Cobra của Jordan cất cánh không chiến IS.
Phiến quân IS hiện đang đe dọa Jordan từ hai hướng - tỉnh Anbar của Iraq và Syria. Phiến quân IS đã chiếm giữ nhiều khu vực ở miền Nam Syria gần giao lộ biên giới Jordan- Iraq- Syria. Kể từ giữa tháng 5 và âm thầm xây dựng các nhóm chiến đấu nhỏ ở miền Nam Syria, gần khu vực Jabal Druze. Trong bối cảnh đó, Jordan cảm thấy bị uy hiếp nghiêm trọng, nhất là khi nhiều “tế bào” IS (các đơn vị nhỏ hoạt động ngầm) đã được cài cắm vào nước này và chỉ chờ ban lãnh đạo nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo phát lệnh tấn công khủng bố, kết hợp với hai hướng tấn công từ Iraq và Syria.  
 
Như vậy kể từ khi bắt đầu cuộc chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng, mặc dù liên quân do Mỹ đứng đầu đã nhiều lần kêu gọi cả Jordan lẫn Thổ Nhĩ Kỳ tham gia nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu thận trọng. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng IS đã mạnh lên và có thể tràn sang các nước láng giềng với Syria và Iraq đã buộc các nước này phải hành động. Dù cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân này sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ - 2 nước ở vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng, chắc chắn thời gian tới, những diễn biến trên thực địa sẽ thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.
 
Cảnh Nam (Tổng hợp)