(Baonghean.vn)- Cùng Báo Nghệ An Điện tử điểm lại những sự kiện nổi bật nhất trong vòng một tuần qua.

1. Mỹ, Nhật đồng loạt lên án Trung Quốc trên Biển Đông

Ngày 22/7 vừa qua, Tokyo cho rằng việc Bắc Kinh triển khai 16 giàn khoan gần khu vực tranh chấp trên biển Hoa Đông đã vi phạm thỏa thuận hai bên ký năm 2008. Không chỉ có vậy, Nhật Bản còn công bố biểu đồ cho thấy vị trí của các giàn khoan của Trung Quốc, trong đó 12 giàn khoan lắp đặt trong hai năm qua.

images1196152_1.1.jpgMột giàn khoan của Trung Quốc hoạt động gần khu vực tranh chấp Nhật Bản – Trung Quốc trên vùng biển Hoa Đông, ảnh do Nhật Bản cung cấp. Nguồn: AP

Trung Quốc bắt đầu phát triển toàn bộ khu vực có khí đốt ở biển Hoa Đông từ năm 2003. Các khu vực thăm dò nằm gần đường trung tuyến, do Tokyo tuyên bố, phân cách hai vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc và Nhật Bản. Hai nước vẫn chưa thống nhất được đường này, NHKcho biết.

Sau khi công bố ảnh các giàn khoan trái phép, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã tuyên bố trước báo giới rằng hành động đơn phương của Trung Quốc rất đáng lên án. Theo ông Yoshihide, Tokyo đã nhiều lần phản đối nhưng Bắc Kinh vẫn không thiện chí nối lại các cuộc trao đổi về thực hiện thỏa thuận, và "dường như vẫn tiếp tục các hành động của mình". Nguồn: Enformable

Trong khi đó, Mỹ cũng tỏ ra đồng tình với Nhật Bản và cũng lời cảnh báo nhất định tới Trung Quốc. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel hôm 23/7 tuyên bố Washington sẽ hành động kiên quyết trong việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

"Chúng tôi không trung lập khi đề cập đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ hành động kiên quyết để đảm bảo các bên tuân theo luật lệ" trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Chúng tôi đang thúc đẩy các bên làm sống dậy tinh thần hợp tác" Ông Russel cho biết. Nguồn: AP

Khi đề cập tới biện pháp thứ hai là thông qua cơ chế trọng tài, ông Russel đặc biệt quan tâm đến vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc tại Tòa án Trọng tài Quốc tế The Hague. Theo ông, dù kết quả có như thế nào thì Bắc Kinh và Manila cũng phải tuân thủ các phán quyết cuối cùng của tòa vì cả hai đều ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Mặc cho Mỹ và Nhật Bản lên án, Trung Quốc vẫn ngang nhiên tiếp tục những hành động trái phép của mình. Mới đây, họ thông báo về việc lập quy hoạch quản lý, sử dụng, khai thác tại các đảo và khu vực biển lân cận quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) cho biết việc lập quy hoạch này là do "hiện không đủ năng lực bảo đảm phục an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường biển, khai thác tài nguyên biển".

Trực thăng Trung Quốc tuần tra trái phép tại Trường Sa. Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với khoảng 90% Biển Đông và đang thực thi tuyên bố bằng cách bồi đắp, xây dựng trái phép một chuỗi đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và nhiều nước trong khu vực. Nguồn: Chinanews

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn chủ động kết thân, tăng cường quan hệ quốc phòng với Campuchia, quốc gia đang có một số vấn đề về biên giới với Việt Nam trong thời gian gần đây.

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh (thứ hai từ trái sang) bắt tay một cố vấn quân đội Trung Quốc trong một sự kiện tại tỉnh Kampong Speu trong cuộc gặp mặt vừa qua Nguồn: Reuters

2. Tổng thống  Mỹ Obama trở về thăm quê hương

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 24/7 vừa qua đã rời Mỹ tới Kenya để thắt chặt quan hệ kinh tế và an ninh. Đây là chuyến thăm quê cha đầu tiên của ông Obama trên cương vị tổng thống.

Kenya là nơi cha của Tổng thống Mỹ Barack Obama được sinh ra. Trong chuyến thăm, ông Obama còn dừng chân tại Addis Ababa, thủ đô Ethiopia, và tới thăm trụ sở Liên minh châu Phi (AU) đặt tại thành phố này.

Tổng thống Obama trên chuyên cơ Không lực số 1 trở về quê nhà Kenya Nguồn: Reuters.

Theo Reuters, Tổng thống Obama sẽ tập trung tham gia đàm phán hợp tác an ninh ở thủ đô Nairobi, Kenya. Các vấn đề khác được đề cập gồm dân chủ, nghèo đói và nhân quyền trong khu vực.

Ông cũng dành thời gian cho các thành viên trong gia đình nhưng sẽ không tới ngôi làng có liên quan mật thiết đến họ Obama, các quan chức Nhà Trắng cho biết.

Ông Obama ăn tối cùng người thân ở Nairobi Nguồn: AFP

Trước đó, để chào đón Tổng thống Obama, thành phố Nairobi được trang hoàng bằng cờ Mỹ và Kenya, những biển hiệu có câu chào mừng tổng thống Mỹ "về nhà". Ngoài ra, hình ông Obama còn được vẽ trên tường của các tòa nhà. Đường phố được dọn dẹp sạch sẽ và trồng thêm cây xanh. Người dân Kenya rất mong đợi và coi trọng chuyến hồi hương này của Tổng thống Obama, bởi đã từ lâu người dân nơi đây mới được đón người con trở về.

Bức tranh vẽ chân dung ông Obama trên bức tường ở thủ đô Nairobi, Kenya Nguồn: AFP
Người dân dọn dẹp đường phố ở Nairobi Nguồn:Reuters
Dọn dẹp đường phố, trồng thêm cây xanh, in hình Tổng thống Obama trên áo hay tường nhà là cách người dân Kenya thể hiện sự yêu mến với người con nổi tiếng của quê nhà. Nguồn: Reuters

3. Mỹ tiêu diệt thủ lĩnh Al-qeada ở Syria

Lầu Năm Góc hồi giữa tuần thông báo liên minh do Mỹ dẫn đầu đã không kích, tiêu diệt thủ lĩnh của nhánh al-Qaeda ở Syria, kẻ được cho là đang có âm mưu tấn công Washington cùng đồng minh.

Muhsin al-Fadhli bị tiêu diệt trong đợt không kích ngày 8/7 khi đang di chuyển trên một phương tiện ở khu vực gần thị trấn Sarmada, tây bắc Syria, AFP dẫn lời Jeff Davis, người phát ngôn Lầu Năm Góc, cho biết.

"Cái chết của al-Fadhli sẽ làm suy yếu và gián đoạn hoạt động chống lại Mỹ cùng đồng minh và đối tác của al-Qaeda", ông David nói.

Muhsin al-Fadhli Nguồn: AFP

Al-Fadhli được cho là thủ lĩnh Nhóm Khorasan, một nhóm gồm các thành viên cấp cao của al-Qaeda từ Trung Á và nhiều nơi khác tới Trung Đông để lên âm mưu tấn công phương Tây.

Al-Fadhli, sinh ra tại Kuwait, rất được tin tưởng trong al-Qaeda khi trùm khủng bố Osama bin Laden còn sống. Tên này nằm trong số ít người biết trước về vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm vào Mỹ, tình báo Mỹ cho biết.

                                                                                          Nhật Minh  (Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN