Thực trạng đáng báo động

Bảng thống kê về tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh của huyện Hưng Nguyên trong năm 2021 có nhiều con số đáng lo ngại khi nhiều địa phương trên toàn huyện có tỷ lệ chênh lệnh khá nghiêm trọng giữa số lượng bé trai và bé gái sinh ra trong 1 năm. Đơn cử như ở thị trấn, trong năm có 117 bé được sinh ra nhưng có đến 77 bé trai và chỉ có 40 bé gái, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh là 192 bé trai/100 bé gái.

Tương tự, nhiều địa phương khác tỷ lệ cũng rất cao như xã Hưng Yên Bắc là 206 bé trai/100 bé gái, Long Xá là 133 bé trai/100 bé gái, Hưng Phúc 132 bé trai/100 bé gái và Hưng Thành là 192 bé trai/100 bé gái.

bna_image_4994104_1732022.jpegNhiều lớp học hiện nay tỷ lệ học sinh nam nhiều hơn học sinh nữ. Ảnh: M.H

Nói về điều này, bà Trần Thị Bích Quyên - Viên chức dân số xã Hưng Thành nói thêm: Trong năm 2021, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở xã Hưng Thành tăng đột biến với tỷ lệ 24% và đây đều là trường hợp muốn sinh con trai. Điều đó, khiến cho số bé trai sinh trong năm tăng cao. Bên cạnh đó, từ 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên công tác tuyên truyền, vận động và triển khai các chương trình dân số trên địa bàn bị gián đoạn. Điều này cũng ảnh hưởng khá nhiều đến các hoạt động dân số.

Trên toàn huyện Hưng Nguyên, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cũng rất cao với 924 nam/684 nữ (tỷ lệ 135 bé trai/100 bé gái), cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ chung của cả tỉnh.

 “Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn huyện và một trong những lý do chính là do tình trạng sinh con thứ 3 gia tăng, do nhiều người dân mong muốn có con trai để nối dõi tông đường. Việc sinh con trai hiện nay dường như dễ dàng hơn bởi y học hiện đại và nhiều gia đình có điều kiện, bằng nhiều phương pháp khác nhau để có thể sinh con theo mong muốn”.

 Bà Cao Thị Nhung - Trưởng phòng Dân số và Truyền thông (Trung tâm Y tế huyện Hưng Nguyên) cho biết

Tại thành phố Vinh, hơn 2 năm trở lại đây, hoạt động dân số cũng gặp nhiều khó khăn sau khi sắp xếp lại bộ máy làm việc. Bên cạnh đó, đội ngũ cộng tác viên dân số ở khối, xóm có nhiều biến động và chỉ có 123/324 khối, xóm có cộng tác viên, nên việc tuyên truyền, vận động và triển khai chương trình gặp nhiều vướng mắc, lúng túng.

Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở Nghệ An đang ở mức cao so với cả nước. Ảnh: P.V

Đây cũng là lý do vì sao tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn thành phố vẫn còn cao và tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cũng bất thường với 120,7 bé trai/100 bé gái. Trong số này, có nhiều địa phương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính còn cao như Hưng Đông, Lê Lợi, Bến Thủy, Đội Cung, Hưng Chính, Quang Trung.

Theo bà Phùng Thị Thanh - Trưởng phòng Dân số và Truyền thông (Trung tâm Y tế thành phố Vinh), việc tuyên truyền, vận động các gia đình không sinh con thứ 3 trở lên ở thành phố Vinh ngày càng khó khăn vì tập trung rất nhiều vào những gia đình có điều kiện và họ có nhiều phương thức để có thể sinh con trai hoặc theo mong muốn...

Xóa bỏ định kiến trọng nam khinh nữ

Thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, những năm qua, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đìnhtỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và Ban Chỉ đạo công tác Dân số - KHHGĐ các địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông cung cấp thông tin cho lãnh đạo Đảng; chính quyền; các chức danh ở thôn, tổ; người có uy tín tại cộng đồng về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của cả nước, của tỉnh và nguyên nhân, hệ lụy của tình trạng này.

Bên cạnh đó, đã tổ chức hàng trăm buổi nói chuyện chuyên đề, truyền thông lưu động, truyền thông nhóm nhỏ tại cộng đồng dân cư, cung cấp tờ rơi với nhiều nội dung đổi mới, tập trung nhấn mạnh về vấn đề đạo đức khi lựa chọn giới tính.

Tỷ lệ nam giới nhiều hơn nữ giới sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy trong tương lai. Ảnh: M.H

Ngành cũng mở rộng truyền thông cho người cao tuổi, nam giới trong độ tuổi lao động tại cộng đồng và công nhân trong các khu công nghiệp của tỉnh về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngoài ra, tham mưu cho Sở Y tế thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra việc thực hiện quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; quản lý và sử dụng các phương tiện tránh thai; thực hiện các quy định, hướng dẫn về sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại các cơ sở y tế...

Tuy vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên toàn tỉnh vẫn có xu hướng gia tăng. Theo đó, nếu như năm 2016 tỷ lệ này là 112 bé trai/100 bé gái thì đến năm 2020 tỷ lệ này là 114,48 bé trai/100 bé gái và đến cuối năm 2021 là 116,78 bé trai/100 bé gái.

 Không chỉ Nghệ An mà nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước tỷ lệ mất cân bằng giới tính đều gia tăng. Điều này có nhiều lý do khác nhau như do phong tục, tập quán cùng với áp lực quy mô gia đình nhỏ nên nhiều cặp vợ chồng còn có tư tưởng sinh con theo ý muốn và nhất định phải có con trai để nối dõi tông đường. Trong khi đó, kinh phí Chương trình mục tiêu y tế - dân số ngày càng hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến tính liên tục và hiệu quả lan tỏa của hoạt động truyền thông.

Công tác thanh tra, kiểm tra mặc dù đã được tăng cường song chưa phát hiện được nhiều các hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi. Quá trình thanh tra cũng gặp nhiều khó khăn bởi các hoạt động này được che đậy bằng các dịch vụ y tế hợp pháp, chỉ biểu hiện bằng các lời nói, không có chứng cứ tại các thủ tục hành chính và pháp lý và mức xử phạt còn nhẹ.

Ông Nguyễn Bá Tân - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ

 
Tuyên truyền về chính sách dân số cho người dân trên địa bàn huyện Đô Lương. Ảnh: M.H

Trong khi hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn nhiều khó khăn thì những hệ lụy của tình trạng này dường như đã được báo trước. Mới đây, tại cuộc tọa đàm “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới" do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Đại sứ quán Na Uy, nhiều ý kiến cũng đã bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng.

Ông Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nhấn mạnh: “Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam kéo dài, không được kiểm soát, có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị... ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là một trong những thách thức lớn của công tác dân số Việt Nam”.

Đại diện Tổng cục Dân số - KHHGĐ cũng đưa ra thực trạng “khủng hoảng nữ giới” ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ. Tại Việt Nam, nguy cơ này có thể tái diễn và dự báo nếu tỷ số giới tính khi sinh vẫn duy trì như ở thời điểm hiện tại không được kiểm soát thì Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và tăng lên 2,5 triệu đàn ông vào năm 2059.

Để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, thời gian qua Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới và khoảng trống về mất cân bằng giới tính khi sinh. Chính phủ Việt Nam cũng có các giải pháp can thiệp, trong đó, từ năm 2016 Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016 - 2025, với mục tiêu khống chế có hiệu quả mức độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh để tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên.

Tuy vậy, ngoài những giải pháp đang triển khai thì việc giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam, cần đẩy mạnh hơn về thúc đẩy bình đẳng giới, xác định vai trò của nam giới trong môi trường gia đình và xã hội, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.