(Baonghean) - Điều tiết, phục vụ tích cực nguồn nước tưới gắn điều chỉnh lịch mùa vụ cho sản xuất nông nghiệp trong tình hình nắng hạn; về lâu dài cần đầu tư đồng bộ các công trình thủy lợi, nhất là công trình quan trọng ngăn mặn giữ ngọt sông Lam. Đó là chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh sau khi kiểm tra thực tế tại các địa phương...
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung bộ cho hay: Tình trạng nắng nóng gay gắt sẽ còn tiếp diễn trong 9 - 10 ngày tới. Như vậy, việc chống hạn ở tỉnh ta lại càng khó khăn, vất vả hơn. Đến thời điểm này, bà con nông dân đã gieo cấy được 31.000 ha vụ hè thu và hiện còn 15.000 ha không sản xuất được vì thiếu nước, đặc biệt trong số diện tích đã gieo cấy, nếu thiếu nước sẽ có nhiều diện tích mạ bị chết...
Vụ sản xuất hè thu hiện trong thời kỳ cao điểm của việc cần nước tưới phục vụ gieo mạ và làm đất, nhưng với nền nhiệt độ từ 39 - 41oC, gió tây nam liên tục thổi mạnh, cộng với đó là không có mưa Tiểu mãn, đã làm cho đồng ruộng của nhiều địa phương khô hạn, nứt nẻ không thể sản xuất được. Ông Nguyễn Phú Hàn, Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: “Mặc dù đã thu hoạch xong lúa vụ xuân được 10 ngày, nhưng đến nay chỉ có khoảng 25% diện tích lúa hè thu có nước để gieo cấy (tổng diện tích hè thu của huyện là 5.500 ha). Do 80% diện tích phụ thuộc vào nguồn nước lấy từ Ba-ra Nam Đàn, 18% diện tích lúa lấy nước trực tiếp từ sông Lam và 2% lấy nước từ các hồ đập, nhưng tất cả nguồn cung cấp nước này đều xuống rất thấp, cạn kiệt nước. Các trạm bơm, máy bơm chỉ hoạt động được từ 4 - 15 tiếng/ngày. Nhiều xã không chỉ thiếu nước tưới, mà còn xảy ra tình trạng diện tích mạ đã gieo bắt đầu chết héo, một số xã phải mua nước từ ao cá, hoặc chở nước bằng thùng phi bơm tưới cho mạ”.
Trước nhu cầu cấp thiết về nước tưới, huyện Hưng Nguyên đã hướng dẫn, chỉ đạo các xã thực hiện lịch bơm luân phiên, vận động người dân tiết kiệm nước và Xí nghiệp thủy lợi nạo vét kênh mương, đồng thời đề nghị Công ty TNHH 1TV Thủy lợi Nam lắp đặt các trạm bơm chuyền, máy bơm dã chiến... nhằm tăng cường thêm nguồn nước. Ông Thái Bá Long, công nhân vận hành máy bơm Hưng Châu cho hay: “Công ty TNHH 1TV Thủy lợi Nam đã lắp đặt thêm 3 máy bơm để bơm nước từ sông Rum vào bể xả Trạm bơm Hưng Châu với công suất 2.000 m3/h phục vụ tưới cho 500 ha lúa trong vùng, nhưng hiện nay do nước sông xuống thấp, nên nước lúc mặn, lúc ngọt (do xâm thực nước biển) và máy bơm chỉ hoạt động khi có nguồn nước ngọt. Hoạt động khó khăn như vậy, nên chỉ đáp ứng nước tưới được khoảng 100 ha lúa hè thu. Công ty luôn bố trí cán bộ, công nhân túc trực 24/24 chờ khi có nguồn nước ngọt tiến hành bơm nước cho người dân sản xuất”.
Huyện Nghi Lộc là địa phương “cuối nguồn nước ngọt, đầu nguồn nước mặn” (cuối nguồn của hệ thống Thủy lợi Nam - Hưng - Nghi, nhưng nằm đầu nguồn nhiễm mặn qua Ba-ra Nghi Quang). Thời điểm này, các cấp chính quyền, người dân Nghi Lộc đang phải gồng mình chống chọi với hạn hán. Bởi vậy, huyện chỉ đề ra kế hoạch sản xuất vụ hè thu 2.600 ha lúa (ít hơn vụ hè thu năm 2014 là 2.000 ha), nhưng hiện mới chỉ làm đất, gieo cấy được 1.800 ha, và đang dự báo khó có khả năng bảo vệ được diện tích đã gieo cấy.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: “Nếu thời tiết từ nay đến 20/6 có mưa, đủ nước sản xuất, thì tiếp tục chỉ đạo nông dân sản xuất lúa mùa trên diện tích lúa chưa sản xuất bằng các giống ngắn ngày VT NA2, PC6, Khang dân 18... Chuyển đổi khoảng 500 - 700 ha đất lúa sang các loại cây ngô, rau, màu. Để huyện Nghi Lộc có nguồn nước ổn định phục vụ sản xuất, tỉnh cần triển khai đầu tư hệ thống công trình thủy lợi đấu nối hệ thống Thủy lợi Bắc (giữa Sơn Thành - Yên Thành và Nghi Văn - Nghi Lộc), nạo vét toàn bộ sông Cấm, kênh Kẻ Gai, kênh Nhà Lê, khe Cái...”.
Hệ thống Thủy nông Nam đảm nhận công tác cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất cho các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, TP. Vinh... nhưng cho dù rất nỗ lực, vẫn phải chấp nhận trước một thực tế, đó là 11/36 trạm bơm trong hệ thống chỉ hoạt động được từ 5 - 7 giờ/ngày và nguồn nước trên sông Lam cạn kiệt, không có nước bổ sung nên mặn đã xuất hiện và trong hệ thống của Thủy nông Nam do hết nước mặt phía trên chỉ còn nước cặn lắng đọng ở tầng đáy, chất lượng nước không bảo đảm. Trong khi đó tại Nam Đàn, có 10 trạm bơm Nhà nước quản lý chỉ có 2 trạm có nước để bơm (chỉ bơm được 5 - 6 giờ/ngày) và cùng với đó là các kênh dẫn tạo nguồn không có nước, các trạm bơm địa phương không hoạt động được. Vùng Hưng Nguyên có 18 trạm bơm Nhà nước quản lý chỉ có 5 trạm có nước (chỉ bơm được 5 - 7 h/ngày). Vùng Nghi Lộc có 4 trạm bơm nước hoạt động được 10 - 12 h/ngày. Vùng TP. Vinh có 3 trạm bơm đều không có nước để bơm, nên diện tích 2.200 ha chưa có nước sản xuất.
Trước tình hình trên, Công ty TNHH 1TV Thủy lợi Nam thường xuyên theo dõi, kiểm tra chất lượng nguồn nước trong hệ thống và thông báo với các địa phương kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm, tuyệt đối không bơm nước khi nồng độ mặn > 1%. Đơn vị tổ chức lắp đặt 3 tổ máy bơm điện và dầu và một số máy tại các điểm xung yếu. Chuẩn bị máy móc, phương tiện để bơm nước chết từ lòng hồ ra những vùng cuối kênh, đồng thời tổ chức nạo vét những đoạn kênh xung yếu bị bồi lắng... Ông Bạch Hưng Tuyên - Giám đốc Công ty TNHH 1TV Thủy lợi Nam cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Sở NN& PTNT, ngày 3/5, công ty đã hoàn thành việc đắp đập ngăn sông Cấm để nâng mực nước và hạn chế mặn xâm thực. Cách làm này đã giữ được một phần nước ngọt cung cấp cho người dân sản xuất. Tuy nhiên, để có nước ổn định cho sản xuất, các địa phương cần nghiêm túc trong thực hiện kế hoạch bơm luân phiên, ưu tiên vùng xa, khó khăn về nguồn nước và các nhà máy thủy điện tiếp tục xả nước với lưu lượng lớn hơn, đồng thời đầu tư đồng bộ hệ thống thủy lợi”.
Thời gian tới, dự báo thời tiết nắng hạn vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống của người dân, nên sau khi đi kiểm tra thực tế hạn hán ở Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc và TP. Vinh, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã giao trách nhiệm cho Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết, khí hậu và tình hình thiếu nước, khô hạn; phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung bộ để nắm thông tin dự báo về mực nước và khô hạn; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất và chỉ đạo các địa phương bị hạn hán không sản xuất, chờ có nước chuyển đổi sang trồng các loại giống ngắn ngày là PC6, VF1... Phối hợp với UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo phòng NN&PTNT, các Công ty TNHH thủy lợi quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước các hồ chứa, phân phối nước hợp lý, hiệu quả; có lịch tưới cụ thể và tổ chức tưới luân phiên, tiết kiệm nước. Chỉ đạo phối hợp giữa các đơn vị quản lý thủy nông với cơ quan điện lực đảm bảo cung cấp điện kịp thời để phục vụ bơm cấp nước.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Công Thương kiểm tra, chỉ đạo các công trình thủy điện xả nước đảm bảo quy trình và nhu cầu dùng nước ở hạ du sông Cả. Công ty Thủy điện Bản Vẽ, Thủy điện Khe Bố ưu tiên xả nước để phục vụ sản xuất năm 2015 đảm bảo cao trình mực nước hạ du sông Cả để các trạm bơm hoạt động. Điện lực Nghệ An cần ưu tiên cung ứng điện cho các trạm bơm để chủ động chống hạn. Các công ty TNHH thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo tưới luân phiên, dồn ép nước để đảm bảo nước cho vùng cuối kênh.
Đối với vùng hồ đập, tình toán cụ thể lượng nước, số lần tưới, trên cơ sở đó điều hành tưới đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng phát triển, hết sức tiết kiệm nước và lưu ý nước cho thời kỳ lúa làm đòng, trổ bông.Các công ty, xí nghiệp nông, lâm nghiệp, các nông, lâm trường chỉ đạo thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm nước. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống hạn... Một trong những việc làm cần thiết là Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành khâu nối với các bộ, ngành Trung ương để lập dự án triển khai sớm nhất 2 công trình: Ngăn mặn giữ ngọt sông Cấm và xây dựng trạm bơm cưỡng bức cấp nước vào kênh thấp; triển khai dự án ngăn mặn giữ ngọt sông Lam để phục vụ cho 2 vùng Nam Nghệ An và Bắc Hà Tĩnh.
Sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và sự nỗ lực của các cấp, ngành, nhất là của bà con nông dân, tất cả tập trung cao nhất cho mục tiêu khắc phục khó khăn do hạn hán, để tạo thế chủ động mang lại hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp.
Hoàng Vĩnh