(Baonghean) - Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Kỳ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải.
P.V: Thưa ông, năm 2016, Ngành GTVT tiếp tục đạt những thành tựu trên các lĩnh vực. Ông có thể chia sẻ những dấu ấn các công trình trọng điểm kết nối giao thông, tạo triển vọng cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và du lịch nói riêng?
Ông Nguyễn Hồng Kỳ: Một trong những dấu ấn của ngành GTVT trong năm 2016 là ngành đã tích cực kêu gọi thu hút đầu tư, sáng tạo lồng ghép các nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ các công trình dở dang và triển khai một số dự án mới.
Năm 2016, sản lượng thực hiện đầu tư xây dựng các công trình giao thông do Sở làm chủ đầu tư ước đạt 1.100 tỷ đồng, giải ngân ước đạt 928,003 tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến những công trình quan trọng như: Hoàn thành đưa vào sử dụng Dự án đường giao thông nối Quốc lộ 1A đến thị xã Thái Hòa và huyện Nghĩa Đàn.
Đặc biệt là đã khánh thành và đưa vào sử dụng công trình cầu Yên Xuân - cây cầu nối đôi bờ sông Lam liên thông 2 tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, xóa thế cô lập về giao thông đường bộ khu vực phía Tây Nam xứ Nghệ và Tây Bắc Hà Tĩnh; khởi động cầu Cửa Hội.
Đưa vào khai thác sử dụng Dự án nâng cấp QL48, QL15A qua khu di tích Truông Bồn; đường gom phía Tây Quốc lộ 1A đoạn Quán Hành - Quán Bánh; đường du lịch sinh thái núi Đại Huệ. Đồng thời thu hút nguồn vốn của Trung ương, địa phương triển khai mới các dự án quan trọng đường giao thông nối đường N5 KKT Đông Nam đến Hòa Sơn, Đô Lương.
Ngành đã phối hợp tổ chức thành công lễ khai trương đường bay Vinh - Nha Trang, Vinh – Băng Cốc (Thái Lan) nâng tổng số đường bay hiện đang khai thác lên 8 đường bay, thực hiện bình quân 12-14 chuyến bay/ngày, trong đó Vinh - TP. Hồ Chí Minh: 8 chuyến/ngày; Vinh - Hà Nội: 2 chuyến/ngày.
Một trong những thành công của ngành GTVT Nghệ An trong năm 2016 là tham mưu cho Bộ GTVT quyết định nâng cấp 620,4km đường tỉnh thành đường Quốc lộ. Kết quả này cho thấy, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, ngành GTVT đã chủ động, sáng tạo trong nắm bắt thời cơ để thu hút hàng năm từ 400-500 tỷ đồng nguồn vốn của Trung ương về với địa phương để đầu tư nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để thông thương, nhất là kết nối phát triển du lịch.
P.V:Trong dịp Kỷ niệm 42 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 năm nay, tỉnh Nghệ An có nhiều hoạt động ý nghĩa, trong đó, sẽ tổ chức khánh thành tuyến đường N5 nối Khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô Lương) do Sở GTVT làm chủ đầu tư. Dự án này có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển kinh tế của tỉnh, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Kỳ:Tuyến đường N5 nối Khu kinh tế Đông Nam đến Hòa Sơn (Đô Lương) được kỳ vọng trở thành trục giao thông phát triển hành lang kinh tế Đông Tây và tạo động lực phát triển cho các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An.
Với tính cấp thiết của tuyến đường, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh thường xuyên trực tiếp kiểm tra trên công trường, trực tiếp chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị của 2 huyện Nghi Lộc và Đô Lương vào cuộc.
Công tác giải phóng mặt bằng được người dân ủng hộ, kịp hoàn tất để bàn giao cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Sở Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu, tập trung cao nhất nhân lực, máy móc thiết bị để triển khai dự án đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Tuyến đường này có chiều dài 29,1km, được phê duyệt thành 2 dự án cụ thể với tổng nguồn vốn hơn 1.265 tỷ đồng. Đến nay, sau hơn 1 năm khởi công xây dựng, công trình sẽ được khánh thành vào dịp 30/4/2017.
Việc khánh thành Dự án đầu tư xây dựng công trình đường giao thông nối đường N5 Khu kinh tế Đông Nam đến Hoà Sơn (Đô Lương), có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đây là tuyến đường mang tính chiến lược lâu dài, góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực phía Tây của tỉnh.
Sau khi dự án hoàn thành sẽ hình thành tuyến đường giao thông kết nối KKT Đông Nam, Cảng nước sâu Cửa Lò với vùng kinh tế phía Tây, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh cho miền Tây, góp phần nâng cao năng lực vận tải hàng hóa, phục vụ nhu cầu vận chuyển nguyên liệu và các sản phẩm từ các khu công nghiệp, nhà máy thuộc các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An về các huyện đồng bằng.
Đặc biệt, dự án sẽ phục vụ vận chuyển xi măng cho Nhà máy Xi măng Sông Lam (Đô Lương) công suất 4 triệu tấn/năm và Nhà máy Xi măng Sông Lam 2 (Anh Sơn) công suất 0,6 triệu tấn/năm.
Dự án này đồng thời giúp tỉnh Nghệ An hoàn thành hệ thống giao thông đồng bộ, từng bước hiện đại như Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đã đề ra và Quyết định 2355 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án phát triển KT-XH của khu vực miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020.
Việc khánh thành dự án thể hiện nỗ lực của UBND tỉnh Nghệ An, ngành Giao thông Vận tải trong kết nối hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi lựa chọn Nghệ An làm điểm đến. Đồng thời, đây cũng là động lực kết nối phát triển du lịch theo chuỗi liên hoàn từ miền núi đến miền biển.
P.V:Tiếp nối những thành tựu năm 2016, ngành GTVT sẽ tiếp tục tạo đột phá nào trên lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Kỳ: Phát huy kết quả đạt được, năm 2017 dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành GTVT tiếp tục tạo bước đột phá mạnh mẽ về lĩnh vực GTVT. Sở sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành để hoàn tất các thủ tục triển khai xây dựng các công trình: đường Mường Xén - Ta Đo - Khe Kiền (Kỳ Sơn); QL48, Quốc lộ 15, xúc tiến thực hiện dự án đường cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn đi qua cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương); cầu Thanh Nam (Con Cuông), đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò (Nghệ An); đường nối QL48 - QL45; các cầu treo dân sinh…
Sở GTVT tích cực phối hợp để sớm triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án như: nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Vinh, mở một số đường bay Vinh - Hàn Quốc, Vinh - Phú Quốc; nâng cấp Ga Vinh, nâng cấp hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Nghệ An, xây dựng cụm cảng Cửa Lò thành Cảng Quốc tế, cảng Đông Hồi; dự án đường vào trung tâm các xã, đường vùng nguyên liệu, đường đô thị, đường du lịch, đường cứu hộ cứu nạn trong vùng lũ, các cầu qua sông thay thế các bến đò,…
Phối hợp đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Nghi Sơn - Vinh và tuyến đường bộ cao tốc nối cửa khẩu Thanh Thủy, đường Hồ Chí Minh với đường bộ cao tốc Bắc Nam; đường nối Quốc lộ 45 (Thanh Hóa) với Quốc lộ 48; tuyến đường bộ ven biển Nghi Sơn - Cửa Hội. Đề xuất xây dựng một số tuyến tránh đoạn qua khu đô thị, cầu vượt đường sắt với các tuyến đường tỉnh tại các điểm trọng yếu.
Trong chiến lược kết nối nội tỉnh, để gắn kết Vinh - Cửa Lò, Cửa Hội, Sở Giao thông Vận tải đang làm chủ đầu tư xây dựng tuyến đại lộ Vinh - Cửa Lò dài gần 11km với tổng mức đầu tư 1.411.000 triệu đồng.
Tuyến đường Vinh - Cửa Lò là trục giao thông kết nối nhanh 2 khu vực đô thị là thành phố Vinh và thị xã du lịch Cửa Lò có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc hình thành trục không gian kiến trúc, tạo cơ sở thu hút đầu tư xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng; góp phần quan trọng trong việc thực hiện triển khai đề án phát triển thành phố Vinh thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
P.V:Thưa ông, việc phát triển vận tải hàng không cũng là hướng đi của tỉnh để thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Vậy, ngành Giao thông Vận tải tỉnh nhà tiếp tục có dự định như thế nào để triển khai hướng đi trên?
Ông Nguyễn Hồng Kỳ: Cảng hàng không Vinh ngày càng phát triển, từng bước xây dựng trở thành cảng hàng không hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại đáp ứng nhu cầu khai thác sử dụng. Đầu năm 2015, Tổng Công ty hàng không Việt Nam công bố quy hoạch Cảng hàng không Vinh thành cảng hàng không quốc tế.
Sự kiện này không chỉ góp phần thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Nghệ An, mà còn kết nối, phát triển mạnh mẽ ngành du lịch; đồng thời là điểm nhấn quan trọng để Nghệ An cất cánh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả khu vực Bắc Trung bộ.
Với vị trí thuận lợi, Cảng hàng không Vinh đang kết nối hiệu quả với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các cảng hàng không lân cận tạo nên mạng lưới cảng hàng không dân dụng rộng khắp cả nước.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, ngành sẽ tham mưu tiếp tục nâng cấp, mở rộng sân bay Vinh. Đồng thời mở thêm các tuyến đường bay nối Nghệ An với các tỉnh trong nước và các nước trên thế giới để thúc đẩy giao lưu hợp tác kinh tế trên các lĩnh vực; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp du lịch của Việt Nam và các nước dễ dàng thiết kế được nhiều tour, tuyến du lịch hấp dẫn theo đường hàng không, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân và mà còn tạo điều kiện thu hút được nguồn khách du lịch, nhà đầu tư đến với Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ.
P.V:Để thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông vận tải, ngành sẽ tập trung những giải giáp gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Hồng Kỳ:Trước hết, ngành sẽ thường xuyên cập nhật chủ trương, quy hoạch ngành của Trung ương, quy hoạch kinh tế - xã hội địa phương, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để làm căn cứ bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, đề án, cơ chế chính sách phát triển GTVT trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là có giải pháp hợp lý để huy động các nguồn vốn cho chương trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh từ nguồn trái phiếu Chính phủ, ngân sách Trung ương, địa phương. Thu hút, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA, vốn vay tín dụng ưu đãi, phát hành trái phiếu công trình, huy động nguồn vốn tại các doanh nghiệp để đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Tranh thủ, tận dụng tối đa việc lồng ghép nguồn vốn các chương trình mục tiêu trên địa bàn như chương trình xóa đói, giảm nghèo, định canh định cư, chương trình 135, 30a, nông thôn mới,... Các nguồn vốn hỗ trợ các tổ chức nước ngoài như WB, JBIC, NGO,... Xây dựng chính sách ưu tiên, ưu đãi khuyến khích đầu tư, thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư thực hiện các dự án về giao thông vận tải theo các hình thức BOT, BT, PPP,...
Đồng thời tập trung cho công tác quản lý chất lượng, từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và sau đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính. Tăng cường nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn trong công tác GPMB, tìm kiếm nguồn vật liệu xây dựng,... để đẩy nhanh tiến độ các công trình sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả các công trình giao thông, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
P.V:Trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Lê
(Thực hiện)