Thế trận chiến tranh nhân dân đã đưa cách mạng miền Nam vượt mọi khó khăn đến toàn thắng năm 1975.
Một trong những nhân tố tạo nên sức mạnh áp đảo, quyết định thắng lợi trong Đại thắng mùa xuân năm 1975 là sức mạnh chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Đình Lê – giảng viên Khoa Lịch sử - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội về nội dung này.
PV: Ở mọi thời điểm, mọi công việc, nhân dân luôn giữ vai trò rất quan trọng và có thể quyết định đến việc thành bại của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả. Điều này đã được Đảng vận dụng sáng tạo như thế nào trong đại thắng mùa xuân 1975, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Lê: Trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những người nói về vai trò của nhân dân trong lịch sử. Điều này có nguồn gốc cốt lõi từ chủ nghĩa duy vật lịch sử: Vai trò của quần chúng nhân dân là yếu tố quyết định phát triển của lịch sử.
Với dân tộc Việt Nam, điều đó càng có ý nghĩa sống còn. Do địa chính trị, quân sự của mình nên đất nước luôn đứng trong tư thế chống giặc ngoại xâm và thực tế đã có ngàn năm Bắc thuộc, hàng thế kỷ bị ngoại xâm đô hộ. Điều đó có nghĩa là thiết chế và sự vận hành của nhà nước tự chủ không còn. Thống trị là thế lực ngoại bang.
Trong bối cảnh đó, chỉ có nhân dân tự vùng lên mới giải phóng được giang sơn. Đây đã trở thành một đặc tính sâu đậm của dân tộc Việt Nam: Biết chiến đấu và tự giải phóng mình bằng sức mạnh của cộng đồng cư dân toàn dân tộc.
Các nhà yêu nước vĩ đại trước Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã thấu hiểu điều này. Ví dụ khi đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm, các nhà yêu nước đã từng tin tưởng là “năm mươi triệu đồng bào đua sức. Năm mươi nghìn giống khác được bao” (Trong Hải Ngoại Huyết thư của nhà yêu nước Phan Bội Châu, đã nhấn mạnh sực mạnh toàn dân tộc. Ý kiến này của ông đã được người đương thời viết thành lời thơ này) nghĩa là sức mạnh của nhân dân sẽ chiến thắng mấy vạn quân thực dân. Tuy nhiên, vì bối cảnh khi đó, tâm nguyện của các các bậc tiền bối chưa thực hiện được, chưa huy động được chục triệu nhân dân lên đường giải phóng dân tộc.
Tiếp thu chủ nghĩa cách mạng vĩ đại và thấu hiểu sức mạnh vô địch của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng toàn Đảng kế thừa và phát huy sức mạnh của dân tộc. Trong điều kiện thực dân đế quốc đàn áp khốc liệt những người yêu nước, thì chính quần chúng nhân dân là người chở che, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Không có Đảng, không có Việt Minh, chắc chắn dân tộc Việt Nam không giành được chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám (1945).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại (1954-1975) những người Cộng sản Việt Nam đã phát huy cao độ kinh nghiệm đấu tranh của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp lên tầm cao mới.
Công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam diễn ra vô cùng cam go, ác liệt. Một trong những vấn đề vô cùng trọng đại, một thử thách vô cùng nặng nề cần giải đáp là nhân dân Việt Nam đứng lên chống Mỹ, cứu nước từ đâu? Trong bối cảnh quốc tế lúc đó, cùng với tinh thần của hiệp định Geneve (1954), thì nhân dân miền Nam vùng lên bằng cách nào và liệu có thành công không?
Thực tế sau 7/1954, chính quyền Sài Gòn đã tố cộng, diệt cộng, gây tổn thất vô cùng to lớn cho đồng bào, đồng chí ở miền Nam. Không vùng lên thì thực lực cách mạng sẽ không còn.
Chính đồng bào, đồng chí ở lại miền Nam đã tìm ra giải pháp cho cách mạng miền Nam. Đường lối cách mạng miền Nam được vạch trong Nghị quyết Bộ chính trị năm 1959 (vẫn quen gọi Nghị quyết 15) có nguồn gốc sâu sắc từ tri thức, kinh nghiệm đấu tranh sống còn của nhân dân miền Nam lúc đó: cách mạng không xuất khẩu, mà chính tự nhân dân vùng lên đánh đổ chế độ Sài Gòn.
Chỉ có một Đảng có bản lĩnh cách mạng cao, chỉ có gần dân, thân dân mới xác định được đường lối cách mạng khoa học, chính xác cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Ngay phương châm tiến công chiến lược 2 chân 3 mũi 3 vùng của Trung ương chỉ đạo cách mạng miền Nam cũng xuất phát từ thực tiễn đấu tranh của nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam. Có sự chỉ đạo vô cùng chính xác, sâu sắc này bởi cán bộ, đảng viên bám sát phong trào, đi đầu trong cuộc đấu tranh, từ đó Trung ương tổng kết lên thành kinh nghiệm vô cùng qúy giá.
Tinh thần này đúng như V. Lê-nin từng chỉ ra “Các Đảng Mác –xít không gán cho cuộc đấu tranh cách mạng của quần chúng một hình thức nhất định duy nhất nào cả, mà “thừa nhận những hình thức đấu tranh khác nhau nhất và không “bịa đặt” ra những hình thức đó, mà chỉ khái quát, tổ chức, làm cho trở thành tự giác những hình thức đấu tranh của các giai cấp cách mạng đang xuất hiện một cách tự phát trong tiến trình của phong trào.
Sức chiến đấu, tính khoa học và cách mạng của đướng lới chống Mỹ, cứu nước của Đảng là như vậy. Thế trận chiến tranh nhân dân vô địch đã đánh bại mọi mưu mô của kẻ thù hung bạo. Và vì thế đưa cách mạng miền Nam vượt mọi khó khăn đến toàn thắng năm 1975.
PV: Trong mọi hoạt động của xã hội, chúng ta luôn nêu cao khẩu hiệu vì cuộc sống người dân, vì quyền lợi nhân dân nhưng thực tế vẫn còn một vài nơi cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự hiểu dân để dân tin, dẫn đến người dân bức xúc, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Lê: Đúng vậy, cho nên Trung ương Đảng vừa ra Nghị quyết chống tiêu cực trong nội bộ Đảng. Tổng Bí thư cũng thường xuyên nhắc nhở về cuộc đấu tranh làm trong sạch Đảng, chống tự diễn biến, tự thái hóa. Chắc chắn có không ít cơ quan, cá nhân ở cương vị quản lí đang làm chưa đúng, nếu không nói đi ngược lại ý chí, tâm nguyện phục vụ nhân dân của toàn Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bởi như Trung ương đã có hội nghị đánh giá, một số không ít cán bộ đảng viên (và tất nhiên liên quan đến một số cơ quan chức năng) đã quá tiêu cực trong việc phiền nhiễu dân, làm sai pháp luật.
Các nhà sáng lập chủ nghĩa Chính sách khoa học từng chỉ ra: Nhà nước ra đời vì nhu cầu quản lí xã hội. Nhưng nó cũng dễ biến thành công cụ cai trị xã hội. Sự hành xử không đúng của một số cơ quan chức năng ở một số địa phương chắc chắn bị dư luận phản đối và chắc chắn sẽ bị tổ chức Đảng và Pháp luật xử lí.
PV: Bài học lấy dân làm gốc là kim chỉ nam giúp chúng ta đánh thắng 2 kẻ thù Pháp và Mỹ mà đỉnh cao là giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Hiện nay, trong thời kỳ phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, bài học đó cần được các cấp chính quyền vận dụng ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Đình Lê: Bài học thật sự không khó, nhưng khá khó học. Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ đảng viên là: việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ, là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng chính Người cũng từ nhân dân mà ra. Trong bài điếu văn vô cùng xúc động, sâu sắc do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc trong lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch…
Hiểu như vậy nên có thể nói, Đảng Cộng sản Việt Nam cũng từ nhân dân mà ra. Không có Đảng, không có cách mạng thành công. Nhưng nếu thiếu nhân dân thì tổ chức sẽ đánh mất sức mạnh chiến đấu của mình. Vì thế cá nhân nào, tổ chức nào, dù cấp nào mà đứng ngoài, đứng trên lợi ích nhân dân, lợi ích dân tộc là có tội với non sông, đất nước, có lỗi với lịch sử.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo VOV