Ngày 14/4/2022, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Quy hoạch tỉnh đã chủ trì buổi làm việc nghe và cho ý kiến về Dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi là Quy hoạch tỉnh). Tham dự buổi làm việc có các thành viên Hội đồng Quy hoạch tỉnh, Tổ giúp việc Hội đồng Quy hoạch tỉnh và đơn vị tư vấn lập quy hoạch.
Sau khi nghe đơn vị tư vấn báo cáo nội dung Dự thảo Quy hoạch tỉnh; ý kiến phát biểu của các đại biểu dự làm việc; đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Quy hoạch tỉnh kết luận như sau:
1. Công tác lập Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định đến việc sự phát triển dài hạn của tỉnh Nghệ An trong 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2050. Việc lập Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017 là một nội dung mới và khó, nhất là trong bối cảnh các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng chưa được phê duyệt. UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của đơn vị tư vấn; các sở, ban, ngành và địa phương đã vào cuộc, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong quá trình xây dựng Dự thảo Quy hoạch tỉnh; đến nay đã hoàn thiện bước đầu dự thảo hồ sơ để trình Hội đồng Quy hoạch tỉnh gồm: (i) Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh; (ii) Báo cáo tóm tắt Quy hoạch tỉnh; (iii) Báo cáo 49 nội dung tích hợp các ngành, lĩnh vực, địa phương; (iv) Hệ thống bản đồ liên quan.
2. Để tiếp tục hoàn thiện nội dung Dự thảo Quy hoạch tỉnh bảo đảm chất lượng, tiến độ để trình UBND tỉnh, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan có thẩm quyền, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã và đơn vị tư vấn triển khai một số nội dung sau:
2.1. Khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch tỉnh đảm bảo các yêu cầu sau:
- Nội dung Quy hoạch tỉnh phải bám sát theo Quvết định số 1179/QĐ-TTg ngày 4/8/2022 cua Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đảm bảo đầy đủ các nội dung theo Điều 27 của Luật Quy hoạch và Điều 28 Nghị định 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ; bám sát các mục tiêu, quan điểm, định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; cập nhật đầy đủ các nội dung mới phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay; đảm bảo tính đồng bộ và gắn kết các định hướng lớn giữa quy hoạch quốc gia, ngành, vùng với Quy hoạch tỉnh.
Tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các dự thảo, hồ sơ tài liệu liên quan; nội dung Quy hoạch tỉnh cần được trình bày có trọng tâm, súc tích, ngắn gọn, không đề xuất đưa vào quy hoạch các nội dung quá chi tiết... gây vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện sau này; thực hiện rà soát, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.
2.2. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Phải xác định việc xây dựng Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022; Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nội dung công việc liên quan đến ngành, địa phương mình phụ trách.
- Có trách nhiệm rà soát, kiểm tra, bổ sung các thông tin, số liệu, nhận định, đánh giá, quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, phương án phát triển, danh mục dự án ưu tiên đầu tư theo ngành, lĩnh vực mình phụ trách, tập trung các dự án trọng tâm, trọng điểm để đề xuất đưa vào Quy hoạch tỉnh. Tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị tư vấn để thống nhất, hoàn chỉnh phương án quy hoạch phát triển về các lĩnh vực của ngành phụ trách, nhất là về: Hạ tầng giao thông, năng lượng, chuyển đổi số, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển lâm nghiệp, phát triển đô thị; phương án phát triển vùng huyện, liên huyện; phương án phân bổ, khoanh vùng đất đai.
- Các sở, ban, ngành, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung của cơ quan, đơn vị, địa phương mình đề xuất đưa vào Quy hoạch tỉnh, đảm báo đầy đủ, chính xác và khả thi trong quá trình triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt. Ngoài các nội dung theo ngành, lĩnh vực phụ trách, cần nghiên cứu góp ý tham gia các nội dung: các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, các phương án, kịch bản phát triển, định hướng trọng tâm chung của tỉnh. Nội dung góp ý của các sở, ban, ngành, địa phương yêu cầu gửi bằng văn bản (hoặc chỉnh sửa trực tiếp vào các dự thảo báo cáo) gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.
- Giao các sở, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư; đơn vị tư vấn để làm việc, lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành Trung ương (theo ngành dọc phụ trách) về Dự thảo Quy hoạch tỉnh, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/5/2022.
2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Đơn vị tư vấn:
- Tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến phát biểu của các ngành, địa phương tại cuộc họp và nội dung góp ý bằng văn bản của các đơn vị để tiếp tục rà soát toàn diện hồ sơ Quy hoạch tỉnh; hoàn thiện, báo cáo UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến trong phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2022.
- Rà soát, chuẩn hóa lại một số nội dung, số liệu trong Dự thảo Quy hoạch tỉnh để đảm bảo tính đầy đủ, chính xác.
- Tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, Tổ tư vấn kinh tế - xã hội của tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; cộng đồng dân cư theo quy định. Phấn đấu hoàn thành các nội dung hồ sơ Quy hoạch tỉnh để trình Hội đồng thẩm định Trung ương và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bảo đảm chất lượng, tiến độ.